Trong nước

Phạm nhân được lao động ngoài trại giam?

Thực hiện quyền lao động của phạm nhân nhằm giúp cho công tác cải tạo, giáo dục phạm nhân đạt hiệu quả tích cực hơn

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự như tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam và phối hợp giữa trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức trên địa bàn.

Quy trách nhiệm trại giam

Dự thảo luật trên vẫn còn một số ý kiến băn khoăn, lo ngại sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự, tiềm ẩn rủi ro nguy cơ cao phạm nhân trốn trại, không bảo đảm an ninh, an toàn trong việc quản lý phạm nhân. Tuy nhiên, một số ý kiến tán thành với quy định này để thực hiện quyền lao động của phạm nhân nhằm giúp cho công tác cải tạo, giáo dục phạm nhân đạt hiệu quả tích cực hơn.

Phạm nhân lao động tại một trại giam ở tỉnh Yên Bái Ảnh: LÊ HIẾU

Trình bày tại phiên họp thứ 27 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định dự thảo luật quy định trại giam có thể phối hợp với các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức trên địa bàn tổ chức lao động cho phạm nhân nhưng phải bảo đảm các quy định về giam giữ. Các chế độ chính sách đối với phạm nhân theo quy định và tuân thủ các quy định cụ thể ngay trong luật.

Người đứng đầu Bộ Công an cho rằng các quy định trên rất chặt chẽ. Phạm nhân lao động ngoài trại giam phải tuân thủ quy định về giam giữ cũng như quy trách nhiệm của trại giam.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp (Bộ Công an), cho biết cho phạm nhân được lao động, sản xuất bên ngoài trại giam là cần thiết, nên làm. Đây không những là chính sách tiến bộ, nhân văn đối với người phạm tội mà còn đúng với công tác thi hành án ở các nước phát triển đang áp dụng.

"Đối với phạm nhân, quan trọng nhất là phải tái hòa nhập cộng đồng, trong trại có người bị giam 20-30 năm, họ không biết gì bên ngoài. Việc cho phạm nhân lao động, sản xuất bên ngoài trại giúp phạm nhân có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với cuộc sống, dễ hòa nhập với cộng đồng" - Trung tướng Bằng nhấn mạnh.

Theo Trung tướng Bằng, dù cho phạm nhân ra bên ngoài trại giam nhưng đều có quy định về sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cán bộ quản giáo. Ngoài ra, các phạm nhân cho ra bên ngoài lao động phải được chọn lựa kỹ như sắp mãn hạn tù hoặc phấn đấu cải tạo tốt... "Ở đó, doanh nghiệp cũng sẽ xây các khu như trại giam nhỏ và có người canh gác. Hết thời gian lao động, các phạm nhân phải về trại giam quản thúc" - Trung tướng Bằng nêu rõ.

Phải sửa nhiều luật

Trung tướng Bằng cho biết hiện một số cơ sở giam giữ quá tải, tạo điều kiện cho phạm nhân được lao động sản xuất sẽ giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ sở giam giữ. Ngoài ra, khi liên kết với các doanh nghiệp, các phạm nhân sẽ được lo công việc và chỗ ăn, ở thì đó cũng là xã hội hóa trong công tác thi hành án phù hợp chính sách của nhà nước.

Ông Bằng cho biết trước đây cũng có trại đã từng đưa phạm nhân ra làm việc cho các doanh nghiệp đóng gạch ở ngay sát trại giam và đều được phản hồi lao động rất tích cực. "Lao động ở đây, phạm nhân cũng được doanh nghiệp chăm lo tăng cường khẩu phần ăn. Ngoài ra, năng suất lao động theo quy định của nhà nước Thông tư 20 liên bộ phạm nhân cũng được hưởng một phần kết quả lao động sản xuất" - Trung tướng Bằng nêu rõ.

Trong khi đó, thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP Hà Nội, cho rằng nếu phương án đưa phạm nhân ra ngoài trại giam để lao động được thông qua thì sẽ phải sửa rất nhiều luật như: Luật Thi hành án hình sự; Bộ Luật Hình sự; Bộ Luật Tố tụng… Bên cạnh đó, lực lượng lao động bình thường đang thất nghiệp rất nhiều thì những chủ doanh nghiệp và ngành nghề nào sẽ tiếp nhận những lực lượng lao động phạm nhân này.

Ngoài ra, thẩm phán Trương Việt Toàn cho rằng nếu đã là lao động thì phải bình đẳng theo Bộ Luật Lao động, phạm nhân đang mất một số quyền thì họ có được hưởng quyền lợi như các lao động bình thường khác như: lương thưởng, bảo hiểm… Do vậy việc thông qua dự thảo này cũng cần phải cân nhắc.

Theo điều 22 Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung của Pháp lệnh Thi hành án phạt tù quy định, người chấp hành hình phạt tù phải lao động và được nghỉ các ngày lễ, Tết, thứ bảy, chủ nhật. Mọi khoản thu, chi từ hoạt động lao động, dạy nghề của người chấp hành hình phạt tù phải được thể hiện qua hệ thống tài vụ - kế toán của trại giam theo chế độ kế toán, thống kê hiện hành của nhà nước.

Tác giả: Nguyễn Hưởng

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP