TP Hà Tĩnh

Phải phạt nghiêm xe chở hàng cồng kềnh

Tình trạng xe chở hàng cồng kềnh đang xuất hiện trên mọi tuyến đường gây mất ATGT, nguy hiểm cho người tham gia giao thông, tuy nhiên lực lượng chức năng lại cho rằng, khó xử lý vi phạm này.

hatinh24hTại tuyến đường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh người dân vẫn ngang nhiên dùng phương tiệnthô sơ chở hàng – Ảnh: Trần Lộc

“Hung thần” đường phố

Chiều 26/9, PV Báo Giao thông có mặt trên trục đường Trần Phú, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Phong Sắc… (TP Vinh, Nghệ An) và ghi nhận các xe chở hàng quá khổ, cồng kềnh vẫn ngang nhiên dạo phố. 14h30, trên đường Trần Phú, một xe xích lô chở tôn ì ạch đi ra từ ngõ, khiến người tham gia giao thông đang đi với tốc độ cao bất ngờ phải phanh gấp. 15h cùng ngày, trên tuyến đường Nguyễn Phong Sắc, một xe ba gác chở những tấm kính sắc bén không bao bọc bất ngờ cúp đầu cho xe rẽ phải làm người đi đường giật mình.

Sáng 26/9, có nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng của TP Hà Tĩnh như: Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Thạch Linh… luôn tấp nập xe xích lô, xe ba gác, xe lôi, xe ba bánh… chở hàng cồng kềnh đi lại. Trong vòng hai tiếng đồng hồ, PV đã đếm được 5 – 6 trường hợp chở tôn sắt dài vài mét chạy trên đường. Như lúc 9h30, một tài xế xe xích lô chở hai tấm tôn dài gần 6m đi trên đường Hà Huy Tập vừa đi vừa nghe điện thoại. Khoảng 11h, chiếc xe lôi chở theo tôn sắt dài gần 5m phóng vèo vèo trên QL1.

Đại úy Nguyễn Quốc Hùng, quyền Trưởng Công an TP Hà Tĩnh cho biết, Công an thành phố vẫn thường xuyên xử lý các xe chở hàng quá khổ, quá tải, nhưng vi phạm vẫn tồn tại. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường xử lý các phương tiện chở tôn, sắt thép quá khổ”, Đại úy Hùng nói.

Thiếu tá Nguyễn Duy Hà, Đội trưởng Đội CSGT TP Vinh cho biết, từ năm 2013 đến nay, Công an TP Vinh đã phát hiện và lập biên bản xử lý 1.673 trường hợp xe tự chế, xe thô sơ, xe máy kéo, xe tự chế chở hàng cồng kềnh, tạm giữ hàng trăm phương tiện, phạt tiền lên đến 454 triệu đồng.

“Lực lượng CSGT thành phố, ngoài việc mở sổ theo dõi công tác xử lý chung của toàn lực lượng, việc xử lý xe tự chế, xe thô sơ, xe máy kéo xe khác đã được đưa vào kế hoạch TTKS hàng tháng và coi đây là một trong những chỉ tiêu thi đua quan trọng đối với các tổ làm nhiệm vụ trên đường”, Thiếu tá Hà nói.

12
CSGT Hà Nội xử lý xe chở hàng cồng kềnh trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân – Ảnh: Văn Huế

Cần mạnh tay hơn

Dù khẳng định vẫn xử lý xe chở hàng cồng kềnh, nhưng Thiếu tá Hà cũng thừa nhận, có nhiều khó khăn. Bởi lẽ, mức phạt tiền 300 – 350 nghìn đồng với mỗi trường hợp xe chở hàng cồng kềnh chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, tài xế xe chở hàng cồng kềnh chủ yếu là lao động nghèo, từ 50 – 60 tuổi trở lên. Họ biết sai, gây nguy hiểm cho người khác, nhưng khó tìm được việc để mưu sinh. “Để xử lý triệt để xe chở hàng cồng kềnh, xe kéo xe khác gây mất ATGT, Công an TP Vinh kiến nghị phải tặng nặng hơn nữa mức xử phạt và thêm hình phạt bổ sung như tạm giữ phương tiện”, Thiếu tá Hà nói.

Theo Đại úy Dương Phú Mạnh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình, hành vi chở hàng cồng kềnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT và mất an toàn cho người tham gia giao thông, cần mạnh tay xử lý. “Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình đã phát hiện và tịch thu 705 phương tiện xe cồng kềnh, xe lôi kéo, xe ba gác… Lực lượng CSGT của Phòng trong quá trình TTKS, nếu phát hiện xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh tham gia giao thông sẽ thu giữ xe ngay, rồi làm thủ tục cắt bỏ, thanh lý. Riêng ngày 27/9, chúng tôi đã bắt giữ trên 10 chiếc xe tự chế chở hàng cồng kềnh”, Đại úy Mạnh cho biết.

Ngày đầu ra quân, Hà Nội xử lý 165 trường hợp chở cồng kềnh

Sáng 27/9, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý người điều khiển xe ô tô, mô tô, xe thô sơ, xe xích lô, xe ba bánh tự chế giả danh thương binh lưu thông trên địa bàn vi phạm chở hàng cồng kềnh.

Có mặt cùng các tổ công tác trực tiếp xử lý trên nhiều tuyến đường, PV Báo Giao thông ghi nhận, nhiều chủ phương tiện dù biết hành vi chở hàng cồng kềnh là nguy hiểm nhưng đều phân trần “do mưu sinh”.

Điển hình, trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, khi bị Tổ TTKS thuộc Đội CSGT số 7 dừng xe, anh Đỗ Văn Hòa (SN 1980, ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội) điều khiển xe máy BKS 29F6-9362 kéo theo xe cải tiến chở nhiều thùng nhựa đằng sau không xuất trình được bất kỳ loại giấy tờ nào. Anh Hòa phân trần: “5h sáng hàng ngày, tôi đi từ huyện Hoài Đức ra một vài nhà hàng, quán ăn khu vực quận Thanh Xuân mua nước vo gạo, đồ ăn thừa mang về quê để nuôi lợn. Khối lượng đồ ăn thừa mỗi ngày cũng đến 4 – 5 tạ nên rất nặng, biết là nguy hiểm nhưng vì cuộc sống nên hàng ngày vẫn chở như vậy”.

Sau khi được CSGT tuyên truyền, giải thích, anh Hòa đã buộc tháo rời phần xe cải tiến kéo theo sau và ký bào biên bản tạm giữ xe máy theo quy định.

Chỉ ít phút sau, cũng tại vị trí này, chị Trinh, bán rau ở chợ Phùng Khoang điều khiển xe máy BKS 29L8-9233 chở hàng cồng kềnh mà còn ngang nhiên đi ngược chiều. Khi CSGT dừng xe, chị Trinh gay gắt: “Ngày nào tôi chẳng đi qua đây, mấy chú CSGT làm gì mà ghê gớm thế”. CSGT phải mất 20 phút giải thích việc đi ngược chiều như vậy rất nguy hiểm, nếu xảy ra TNGT thì hậu quả khôn lường, chị Trinh mới chịu kí vào biên bản.

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, tính đến 15h ngày 27/9, lực lượng CSGT Hà Nội đã tổng kiểm tra lập biên bản xử lý 165 trường hợp vi phạm, tạm giữ 32 phương tiện và 134 bộ giấy tờ các loại. Trong đó có, 106 trường hợp phương tiện chở hàng vượt quá giới hạn và 12 trường hợp xe máy vi phạm mang vác vật cồng kềnh.

Văn Huế

V. Thanh – T. Tiên – Tr. Lộc – P. Tuấn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP