Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu không phải về nghề y, không phải về những công trình nghiên cứu mang lại cuộc sống mới cho nhiều con người do chính ông làm chủ nhiệm đề tài, cũng không phải chuyện cơm áo gạo tiền đang đè nặng lên cuộc sống mà là về một trong những niềm đam mê lớn nhất của ông – thơ, về những con chữ vốn được mệnh danh là chỉ sinh ra trong miền cảm xúc, chẳng mấy khi thực nhưng mang lại những giá trị không thể cân đong đo đếm…
Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là nụ cười. Ông cười rất tươi, đôi mắt nheo nheo như hắt ánh cười lấp lóa lên nền kính trắng. Một nụ cười khiến người đối diện cảm thấy ông thật gần gũi. Ông chào tôi và xin lỗi vì trễ hẹn gần một tiếng đồng hồ cũng bằng nụ cười “hút hồn” ấy, giọng nói mang âm sắc trầm ấm của miền quê Hà Tĩnh ngòn ngọt: “bệnh nhân đông quá, mong nhà báo thông cảm nhé.”
Tiếp tôi trong căn phòng vừa là nơi làm việc, vừa là phòng khách và đôi khi kiêm cả phòng khám bệnh khi bệnh nhân tay sổ, tay phiếu xét nghiệm, tất tả và lo lắng tìm đến gõ cửa phòng, PGS.TS Trần Hậu Khang, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TW chân thành: “phải sắp xếp để tận dụng thời gian tối đa, nhà báo ạ. Lịch công tác tuần đã kín cả rồi”.
PGS.TS. Trần Hậu Khang chia sẻ với phóng viên về chuyện nghề, chuyện đời.
Gật đầu chia sẻ với sự thông cảm, tôi đã mục sở thị ông như con thoi hết khám, hội chẩn liên tục cho người bệnh, lại phải trả lời điện thoại trong nước, quốc tế, tôi đề nghị ông dành cho 60 phút “trọn vẹn” để tác nghiệp. Ông cười xòa: “thỉnh thoảng xé rào tý nhé, hôm nay tôi có hẹn hội chẩn một số ca bệnh khó từ tuyến dưới chuyển lên”. Ông bận thật! Bận túi bụi, bận tối tăm mặt mũi chứ không phải cái vẻ của người cố làm ra tất bật, ra hối hả, ra quan trọng để “nâng tầm” mình lên.
Vừa là Giám đốc BV đầu ngành, vừa là Chủ nhiệm Bộ môn Da liễu Đại học Y HN, vừa là Chủ tịch Hội Da liễu VN, Phó chủ tịch Hội Da liễu châu Á, rồi rất nhiều chức danh liên quan đến nghề nghiệp khác nữa mà ông đang đảm nhận. Tôi đùa ông nhiều chức thế, chỉ ký thôi cũng đủ mỏi tay rồi, đầu óc đâu để làm việc và làm thơ nữa, ông thủng thẳng: “chức tước gì đâu, mình là người làm nghề, điều gì có lợi cho người bệnh thì mình sẽ cố gắng để làm và làm cho bằng được.” Chính từ lòng quyết tâm và sự tận tâm với nghề ấy của ông, mà chuyên ngành da liễu Việt Nam hôm nay đã có một vị trí khá trang trọng trong đại gia đình da liễu thế giới.
Từ chỗ có được một “vé mời” tham dự trong Hội nghị khoa học về Da liễu quốc tế đã là một vinh dự lớn lao, thì giờ đây, ông và nhiều bác sĩ da liễu Việt Nam đã có mặt trên hàng ghế chủ tịch, đồng chủ tịch, thư kí, hoặc là nhà tổ chức của các hội nghị quốc tế. Vinh dự ấy là câu trả lời chuẩn xác nhất về những đóng góp không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ ngành da liễu Việt Nam trong việc đào tạo, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu, mà ông – TS. Trần Hậu Khang là một trong những đại diện tiêu biểu nhất.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống chữa bệnh cứu người, TS. Trần Hậu Khang có lẽ ít nhiều cũng thấm trong tâm hồn hình ảnh về những việc làm nhân nghĩa của ông nội mình – một lương y nổi tiếng nhân đức vùng Thạch Kênh, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Rồi sau đó là cha ông, một giáo viên dạy văn nhưng cũng đồng thời “cha truyền con nối” làm nghề bốc thuốc chữa bệnh. Ông bảo ông nhớ mãi hình ảnh những người dân nghèo quê mình, nhọc nhằn miếng ăn còn thiếu trước hụt sau, lúc đau ốm chẳng mấy khi dám đi nhà thương chữa bệnh.
Thế nhưng nghề nghiệp đầu tiên mà ông chọn lại chẳng liên quan chút gì đến nghề y. Ước mơ được bay nhảy, được nay đây mai đó để thỏa cái khát khao tung hoành của tuổi trẻ đã khiến chàng thanh niên Trần Hậu Khang chọn thi vào Khoa Hàng hải của Đại học Thủy sản. Nhưng có lẽ đấy không phải là duyên nghiệp của ông và đứa con của mảnh đất miền Trung nắng lửa mưa dầm đã khăn gói vào học Đại học Y Hà Nội, nối tiếp truyền thống gia đình.
Những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, da liễu là chuyên ngành “vừa khó, vừa khô, vừa khổ”, nhưng chàng sinh viên của hệ đào tạo bác sĩ nội trú Trần Hậu Khang lại mong muốn được dấn thân vào chuyên ngành “nhìn thấy, sờ thấy nhưng chẩn đoán không ra” ấy. Một trong những điều lớn lao dẫn đến quyết định học chuyên khoa da liễu của ông bắt nguồn từ người thầy đầu tiên – GS. Lê Kinh Duệ. Ông bảo chính cách sống, cách làm việc và niềm đam mê với da liễu của GS. Duệ đã trở thành một bài học sống, một tấm gương để cả đời làm nghề của ông, luôn cố gắng noi theo.
Nhấp chén nước trà nóng ông mời, tôi mạn phép hỏi ông rằng đến giờ này, có thể nói ông cũng đã là người có danh, có nghiệp và cái nghiệp ấy của ông cũng đã để đức dày cho biết bao số phận con người, vậy nếu có một sự hoán đổi, ông có ước mình được trở thành một “đại gia” trong kinh doanh hay một ngành nghề khác? Ông cười vang, rồi quả quyết: “món quà lớn nhất của cuộc đời dành cho tôi, đấy là tôi đã được làm thầy thuốc.
Niềm vui cứu chữa thành công một ca bệnh, trả lại cho cuộc đời một con người lành lặn, nó lớn lao, thiêng liêng vô cùng, nó giống như nguồn năng lượng giúp người thầy thuốc tiếp tục cống hiến cho con đường mình đã chọn”. Một trong muôn vàn niềm vui, muôn vàn “nguồn năng lượng” ấy là câu chuyện ông cứu sống một bé trai chưa đầy tuổi ở tỉnh Điện Biên. Lần ấy, trong chuyến công tác cùng một chuyên gia người Đức để khảo sát về tình hình bệnh phong tại một số xã miền núi của Điện Biên, trên đường xuống bản, ông nghe những tiếng khóc đau đớn vọng lên từ một ngôi nhà tồi tàn ven đường.
Linh cảm người thầy thuốc hay trực giác của một con người biết đau với nỗi đau đồng loại khiến ông đề nghị dừng xe để vào ngôi nhà nọ. Trước mặt ông và các đồng nghiệp là cảnh một đứa trẻ chưa đầy tuổi, mềm oặt, tím tái trong vòng tay mẹ, nhiều người thân khác trong gia đình đang thắp hương cầu khấn xen giữa những tiếng khóc nức nở. Đứa trẻ gần như không còn cử động, mẹ bé cho biết cháu bị tiêu chảy và sốt nhiều ngày qua nhưng gia đình chỉ cúng, chứ không đưa con đến trạm y tế.
Nhận thấy tính mạng đứa trẻ quá nguy cấp do sốt và mất nước, ông và các đồng nghiệp vội sơ cứu rồi trao đổi với chuyên gia người Đức, đề nghị hoãn công việc và quay xe vượt đường rừng núi đưa em bé đi cấp cứu. Tại bệnh viện huyện, đứa trẻ được chẩn đoán viêm phổi cấp và mất nước do tiêu chảy. Biết con mình đã được các bác sĩ cứu sống, bố đứa trẻ quỳ ngay tại phòng bệnh, chắp tay vái lạy ông và các bác sĩ, hỏi xin tên ông để đặt tên cho con vì mang ơn cứu mạng…
Có lẽ cũng vì sự đồng cảm, vì cái tâm nhân ái và vì tình thương đối với con người như thế, mà khi ở cương vị người thầy, ngoài kiến thức chuyên môn, ông luôn chú trọng đến việc dạy cho sinh viên của mình biết sẻ chia, cảm thông với nỗi đau của người bệnh. Với ông, một y lệnh đúng, một đơn thuốc đúng là cần thiết, nhưng cần thiết hơn nữa, đôi khi có thể giúp người bệnh bước từ “cửa tử” trở về với cuộc sống đấy là “đơn thuốc tinh thần” do chính các thầy thuốc mang lại.
PGS.TS. Trần Hậu Khang khám cho bệnh nhi bị viêm da cơ địa. Ảnh:Trần Minh
Ông bảo ông gần như chưa thất bại trong việc tư vấn cho bệnh nhân, ngay cả với những bệnh nhân ở vào hoàn cảnh bi đát nhất khi họ mắc các bệnh được cho là trầm trọng như: lupus ban đỏ hệ thống, viêm bì cơ, xơ cứng bì, vẩy nến… và đặc biệt là bệnh phong. Có lẽ sự nhạy cảm trong tâm hồn ông, sự yêu thương con người nơi ông đã khiến ông “chạm” được đến những góc khuất sâu kín trong suy nghĩ của những bệnh nhân nặng, ông khiến họ tin ông, tin vào sự hiện hữu thật sự của tình người để có thêm nghị lực, vượt qua bệnh tật và những trớ trêu của số phận.
Tôi hỏi ông rằng làm nghề y, cần một sự chính xác tuyệt đối, sự chính xác ấy, đôi khi còn nghiệt ngã. Còn làm thơ, thì cần một trạng thái “phiêu” để cảm xúc bay bổng, thăng hoa. Ông làm thế nào để cân bằng hai trạng thái ấy, để không lẫn lộn hai trạng thái ấy, để không khiến hai công việc trái ngược ấy chi phối nhau? TS. Trần Hậu Khang trả lời, thơ với ông là cảm xúc, là người bạn tri kỷ trong cái quỹ thời gian quá eo hẹp của ông.
Không có thơ, ông thấy cuộc đời mình như thiếu vắng, thơ giúp ông cân bằng cuộc sống và thơ giúp ông đồng điệu, thấm hơn, gần hơn với những số phận con người. Ngoài thơ, ông còn tham gia câu lạc bộ Sức khỏe & Tình bạn, cùng những bạn bè đồng nghiệp của mình đi làm từ thiện, thăm khám, chữa bệnh miễn phí cho bà con nghèo, giúp đỡ những người có hoàn cảnh, số phận éo le…
Tới bên tủ sách ở cuối phòng làm việc, ông cầm ra khoe với tôi một cái túi nhỏ được kết bằng những hạt cườm xinh xinh, ông hào hứng: “Của bệnh nhân phong tặng tôi đấy. Nhờ sự giúp đỡ của những tấm lòng trong nước và quốc tế, chúng tôi đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề và đào tạo việc làm cho nhiều bệnh nhân phong, đồng thời hỗ trợ chi phí ăn ở, chữa bệnh cho người bệnh nghèo bị bệnh nặng tại Bệnh viện Da liễu TW”.
Nhìn ông say sưa nói về những dự định đang ấp ủ hay sắp được triển khai cho những bệnh nhân phong, về việc tuyên truyền để xã hội đừng kỳ thị, đừng quay lưng với những con người bất hạnh ấy, hay về cuộc sống mới hạnh phúc, ăm ắp tiếng cười hy vọng của một cô gái trẻ mang căn bệnh lupus ban đỏ được ông điều trị, về việc ông cùng những học trò dùng chính thân thể mình làm mồi nhử côn trùng để nghiên cứu tìm căn nguyên chữa “bệnh lạ” một thời được đồn đoán đình đám ở khu vực phía Bắc… tôi nhận ra rằng, dù ở góc độ nào, dù mang áo thầy thuốc, thầy giáo hay nhà thơ thì suy nghĩ của ông, tình cảm của ông cũng đều đau đáu với những người bệnh.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề y, ông bảo dù công việc luôn dồn dập, nhưng chưa khi nào ông muốn cái guồng quay ấy dừng lại, ông không muốn mình được “sống chậm”, bởi những người bệnh đang chờ ông. Chưa khi nào ông làm việc với mục đích để tiến thân, để được vinh danh. Đích đến của ông là những người bệnh có được một cuộc sống như bao người bình thường khác, để nỗi đau ngày một giảm đi và nụ cười nhân lên gấp bội.
Trên hành trình nhân ái ấy, ông may mắn có được người bạn đời đồng cảm, sẻ chia, luôn yêu thương và tận tụy chu toàn mọi việc gia đình để ông yên tâm cống hiến. Ông bảo mọi thành công ông có đều có công sức, có sự hy sinh của bà… Ân đức và tâm huyết của ông đang được tiếp nối bởi bao thế hệ học trò ông đang đào tạo, trong đó có cả cậu con trai duy nhất của ông, theo gương cha sẽ khoác áo thầy thuốc chữa bệnh cứu người.
30 năm gắn bó với ngành da liễu, PGS. TS. Trần Hậu Khang đã có nhiều cống hiến, đóng góp cho ngành da liễu Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế. Ông là cố vấn về bệnh phong của Tổ chức Y tế Thế giới từ năm 1996 – 2006 tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Hiện nay ông là thành viên Ban cố vấn điều trị bệnh vẩy nến, bệnh trứng cá… trong khu vực. Ông cũng là Hội viên của nhiều Hội Da liễu Quốc tế và biên tập viên của tạp chí LASER THERAPY. Ông là chủ nhiệm 3 đề tài cấp bộ, 1 đề tài cấp Quốc gia và nhiều đề tài cấp cơ sở, đề tài hợp tác với các tổ chức quốc tế.
Ông vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động Hạng 3; Huy chương Sáng tạo tuổi trẻ của TW Ðoàn; Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục; Huy chương Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ: Danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.
Ông nhận được Giải thưởng xuất sắc báo cáo khoa học quốc tế tại Nhật Bản. Ông cũng là người Ðông Nam Á đầu tiên được trao Giải thưởng cống hiến của Liên đoàn Da liễu Thế giới.
Lê Thanh Thúy