Đầu phiên giao dịch chiều 25/3, áp lực bán bất ngờ trở lại khiến đồ thị các chỉ số trên thị trường đều đồng loạt đi xuống. Tiền vẫn đổ vào bắt đáy, tuy nhiên tình trạng "đơ", "nghẽn" đã khiến các nỗ lực hồi phục của thị trường bất thành.
Điểm tích cực là VN-Index vẫn đóng cửa ở trạng thái "xanh", tăng 1,29 điểm tương ứng 0,11% lên 1.163,1 điểm. HNX-Index ngược lại giảm 1,5 điểm tương ứng 0,56% còn 267,19 điểm. UPCoM-Index giảm 0,12 điểm tương ứng 0,15% còn 80,38 điểm.
Lực cầu có xu hướng quay trở lại cũng giúp 2 chỉ số VNMidcap-Index và VNSmallcap-Index chỉ còn giảm nhẹ, lần lượt đánh mất 0,03% và 0,21%.
Hầu hết chỉ số trên thị trường giảm điểm (Ảnh chụp màn hình). |
Như vậy, VN-Index vẫn là chỉ số duy nhất trên thị trường có được trạng thái tăng nhờ nâng đỡ của "ông lớn" VIC. Cổ phiếu Vingroup trong ngày hôm qua "cân" cả thị trường. Với mức tăng mạnh 2,3% lên 110.400 đồng/cổ phiếu, VIC đóng góp cho VN-Index tới 2,23 điểm.
VIC đã có phiên thứ hai tăng mạnh. Trước đó, cổ phiếu này cũng đã tăng 1.400 đồng tương ứng 1,31% trong phiên 24/3 dù chứng khoán giảm sâu. Với mức tăng của hai phiên này, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng trên thị trường chứng khoán tăng thêm 7.474,8 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu VIC khởi sắc sau khi VinFast công bố nhận đặt hàng mẫu ô tô điện đầu tiên VF e34 (thuộc phân khúc C) với giá 690 triệu đồng, mức phí đặt cọc 10 triệu đồng/xe.
Đáng chú ý, VinFast cho biết đang triển khai xây dựng hệ thống trạm sạc trên khắp cả nước, với mục tiêu đến cuối năm 2021 sẽ có khoảng 40.000 cổng sạc ô tô điện phủ khắp 63 tỉnh thành.
Sự trở lại của cổ phiếu VIC (Ảnh chụp màn hình). |
Trở lại với thị trường, chỉ số cũng nhận được sự hỗ trợ bởi trạng thái tăng tại STB (tăng 1,9%), MSN (tăng 1,1%); PNJ (tăng 1,1%); CTG (tăng 1%)… Tân binh SSB tăng trần lên 21.550 đồng cũng là cổ phiếu có đóng góp tích cực, mang lại 0,46 điểm cho VN-Index.
Theo nhận định của giới phân tích, đà hồi phục bị cản trở bởi thông tin ca nghi nhiễm Covid-19 mới.
Tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Dù thị trường đã lùi về vùng giá hấp dẫn, nhiều cổ phiếu đã vào "vùng nền" (giá rẻ), một bộ phận lớn nhà đầu tư vẫn ưu tiên nắm giữ tiền mặt để đề phòng rủi ro.
Sự thận trọng này thể hiện rõ nét với việc thanh khoản trên thị trường trong phiên hồi phục hôm qua có phần sụt giảm.
Trên HSX, khối lượng giao dịch đạt 690,72 triệu cổ phiếu tương ứng 17.434,13 tỷ đồng, trong đó, khớp lệnh giảm 6,7% về mức 591,2 triệu đơn vị và giảm 8,9% về khoảng 13.400 tỷ đồng đối với giá trị giao dịch khớp lệnh.
Đáng chú ý, khối ngoại đã mua ròng trở lại với tổng giá trị đạt 267,74 tỷ đồng sau 24 phiên bán ròng liên tục, phần lớn đến từ thỏa thuận mua ròng 6,84 triệu cổ phiếu VIC, tương đương 756,3 tỷ đồng.
Tuy vậy, nếu tính về khối lượng thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng 8,5 triệu cổ phiếu và vẫn bán ròng 561 tỷ đồng trên HSX tại phương thức khớp lệnh. Những mã bị khối ngoại bán ròng mạnh là VNM, CTG, SSI, HPG…
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Dân Trí