Năm 1925,ông cùng cháu là Lê Duy Điếm là những người sớm gia nhập Hội Phục Việt( tức là Hội Hưng Nam, sau đổi tên Đảng Tân Việt) mục đích vận động nhân dân khôi phục nền độc lập của dân tộc Việt Nam. Khi những đảng viên cấp tiến trong Đảng Tân Việt ở Nghi Xuân gia nhập vào Đông Dương cộng sản liên đoàn, sau sự kiện hợp nhất 3 tổ chức cộng sản, khoảng tháng 6 năm 1930, ông Lê Tính được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam, sinh hoạt ở chi bộ xã Tiên Cầu. Kể từ đó ông tích cực hoạt động lãnh đạo quần chúng sục sôi khí thế đấu tranh cách mạng , thành lập “xã hội” nông để quản lý chính trị, kinh tế, văn hóa ở Tiên Cầu. Hoạt động cách mạng ông và các đảng viên đã làm cho bọn hào lý Tiên Cầu tê liệt, phải làm đơn cam kết trước dân làng thực hiện mọi chủ trương của “xã hội” đề ra và phải trả lại 5 mẫu ruộng công điền ở đồng Chuôm mà bọn hào lý chiếm đoạt. “Xã hội” nông Xô – viết ban bố thực hiện quyền tự do dân chủ, nam nữ bình đẳng, ai cũng có quyền hội họp, bàn bạc và tham gia việc làng xã và vận động nhân dân tích cực đi học chữ quốc ngữ.
Tháng 7 / 1931, mật thám Pháp khủng bố trắng, phong trào Cách mạng ở Tiên Cầu bị đánh phá, cơ sở cách mạng bị vỡ nhiều, ông Tính và một số đảng viên bị bắt. Hôm đó, chi bộ Tiên Cầu triệu tập cuộc họp ở xóm Mai để bàn kế hoạch chống địch khủng bố phong trào nhưng bọn chánh tổng, lý trưởng , hương doãn dò biết được đã chỉ điểm cho mật thám đưa lính đồn Khải Mông vây bắt, đánh phá. Ông Tính nhanh trí ra ngả ba đường đứng vờ hóng mát đánh lạc hướng cho địch bắt giữ giúp các đồng chí bên mình thoát hiểm. Mật thám Pháp giải ông về nhà giam huyện Nghi Xuân, rồi đưa vào nhà lao Hà Tĩnh dùng cực hình tra hỏi. Mặc dù bị địch dùng đủ cực hình tra tấn tàn bạo, dùng roi cá đuối , dùi lim đánh vào chổ hiểm, nung sắt đốt da thịt, phơi nắng cả ngày, nhưng chúng đã thất bại trước ý chí sắt đá kiên cường, bất khuất của ông Lê Tính. Tên chánh mật thám Pháp hỏi ông: “ Ai bảo mày đi làm Cách mạng?” Ông thẳng thắn trả lời: “ Đảng bảo, nhân dân bảo tao.” Nó hỏi: “ Mày làm Cách mạng để làm gì ?” Ông đanh thép nói: “ Để đánh lại quân cướp nước chúng bây”. Chúng kết luận ông : Tên cộng sản cứng đầu rất nguy hiểm. Chúng lập tòa án xử ông và gán tội ông làm “ quốc sự chính trị phạm” và đày Lê Tính vào nhà lao Buôn-Mê- Thuột.
Tháng 6 /1936, chính phủ Mặt trận bình dân Pháp cầm quyền ra lệnh thả tù chính trị ở thuộc địa, ông Lê Tính được trả tự do, trở về Tiên Cầu. Để tạo vỏ bọc hoạt động cách mạng, ông làm đơn xin quan huyện Nghi Xuân cho phép đi các làng trong huyện làm nghề buôn bán trâu bò, song mục đích chính là bắt liên lạc với những đảng viên thuộc các tổng bộ Đảng ở Nghi Xuân, tỉnh ủy Hà Tĩnh, xứ ủy Trung Kỳ để tiếp tục hoạt động. Cuối năm 1936, tại nhà ông Lê Tính ở Tiên Cầu đã diễn ra cuộc họp của 10 đảng viên trung kiên, tổ chức thành lập ban cán sự lâm thời huyện ủy Nghi Xuân. Tại cuộc họp này, ông Tính được bầu làm Bí thư huyện ủy lâm thời. Bấy giờ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của bí thư huyện ủy, phong trào cách mạng đòi quyền lợi dân chủ, dân sinh ở Nghi Xuân lại phát triển. Ông Lê Tính có nhiều sáng kiến trong việc tổ chức các trạm liên lạc dưới hình thức hiệu buôn thuốc bắc, buôn bè ở chợ Giang Đình, chợ Ang và chợ Cổ Đạm. Là một bí thư huyện ủy mẫu mực rất cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư và đức hi sinh cao cả vì sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Để có tài chính cho Đảng hoạt động, ông vận động gia đình bán trâu, bò và một phần ruộng đất để có tiền ủng hộ huyện ủy lúc khó khăn, hoạn nạn . Tháng 12 / 1937, đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nghi Xuân tổ chức tại Tiên Cầu đã chính thức bầu ông Lê Tính giữ cương vị bí thư Huyện ủy Nghi Xuân. Trong phong trào cách mạng 1936 – 1939, ông được lịch sử đánh giá là điển hình tiên tiến: “Đồng chí bí thư Huyện ủy Lê Tính, một cán bộ Đảng hết lòng vì phong trào cách mạng của nhân dân, một lòng, một dạ hy sinh, chiến đấu cho quyền lợi của dân. Người cộng sản ưu tú đó thực sự được dân tin, dân mến” – Lịch sử Đảng bộ huyện Nghi Xuân- trang 85.
Sau đại chiến thế giới thứ 2, phong trào cách mạng cả nước gặp khó khăn do thực dân Pháp đồng lõa với phát xít Nhật điên cuồng ráo riết khủng bố, bắt bớ giam cầm các chiến sỹ cộng sản, vơ vét sức người, sức của phục vụ cuộc chiến tranh thế giới phi nghĩa . Ông Lê Tính và nhiều đảng viên cộng sản bị địch bắt, hoạt động cách mạng ở Nghi Xuân đã đình trễ, giảm sút. Mãi đến sau ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp, là tù chính trị ông Lê Tính phá nhà lao của Pháp về Tiên Cầu, huyện Nghi Xuân tiếp tục hoạt động cách mạng. Ông đã bắt liên lạc với ban vận động Việt Minh liên tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh do ông Nguyễn Xuân Linh làm trưởng ban. Rồi khắc phục thiếu thốn vật chất, bệnh tật để hoạt động xây dựng cơ sở, kết nối với các đảng viên, nhân sĩ trí thức, học sinh và các tầng lớp nhân dân, đi khắp 5 tổng tuyên truyền, phổ biến chủ trương xây dựng mặt trận Việt Minh, chuẩn bị mọi lực lượng để khởi nghĩa giành chính quyền địch về tay nhân dân . Tháng 7 / 1945, ông Lê Tính tổ chức thành lập Đoàn Thanh niên cứu quốc huyện Nghi Xuân tại nhà ông Hà Văn Viện. Ngày 14 / 8 / 1945, ông Lê Tính chủ trì tổ chức cuộc hội nghị đại biểu Việt minh huyện Nghi Xuân tại nhà cụ Lê Văn Hy ở xã Xuân Viên. Tại đây, ông báo cáo kế hoạch chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa, chờ đón lệnh tổng khởi nghĩa của Việt minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh. Tại hội nghị này ông Lê Tính được cử làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa huyện Nghi Xuân.
Nhận được lệnh tổng khởi nghĩa của Việt minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh và điện khẩn của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Hà Tĩnh, sáng ngày 19 /8 /1945, tại nhà mình ở Tiên Cầu , ông Tính chủ trì cuộc hội nghị của Ủy ban khởi nghĩa Nghi Xuân triển khai kế hoạch tổng khởi nghĩa . Nhưng do tình hình cách mạng chuyển biến mau lẹ, chiều 19 / 8 /1945, hơn 1000 người dân các tổng Xuân Viên, Phan Xá, Đan Hải…kéo về biểu tình bao vây huyện lỵ . Thời cơ đến khi lính đồn Khải Mông đã đầu hàng cách mạng và tại huyện đường tri huyện Nguyễn Dữ đang chia tay lý trưởng, chánh tổng các xã để chuyển đi nơi khác . Chớp thời cơ thuận lợi , ông Tính dẫn đầu tiểu đội tự vệ tiến thẳng vào công đường. Lúc đó, tại huyện đường các quan lại, chức sắc chính quyền địch đang ăn tiệc chia tay tri huyện. Trước cuộc vui sắp tàn, ông Tính lịch sự nói: “ Các ông đang ăn tiệc chia tay nhau cứ ăn cho xong đã ”.
Tuy nhiên tri huyện Nguyễn Dữ đã vội cho mời Ủy ban khởi nghĩa vào để thưa chuyện. Đứng trên chiếc ghế cao ông Lê Tính tuyên bố bằng giọng đanh thép : “ Thay mặt Ủy ban khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh huyện Nghi Xuân, tôi tuyên bố kể từ giờ phút này mọi quyền bính trong huyện đều thuộc về nhân dân”. Ông ra lệnh bắt giam tri huyện Nguyễn Dữ và một số tên mật thám, bang tá có nợ máu với cách mạng, tuyên bố mở của nhà tù thả hết người bị giam cầm, tịch thu triện đồng, sổ sách, tiền bạc công quỹ, tước vũ khí của bọn lính lệ. Mặt khác ông giao trách nhiệm cho bọn chánh tổng , lý trưởng các xã nhanh chóng về quê quán chuẩn bị sổ sách, tiền bạc, công quỹ, triện đồng để bàn giao cho Ủy ban khởi nghĩa các tổng, xã.
Cách mạng tháng 8 / 1945 thành công, ông Lê Tính được cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh . Ngày 17 /2 / 1946, nhân dân ở các xã nô nức đi bầu hội đồng nhân dân xã khóa 1. Sau đó ủy ban nhân dân các xã họp phiên đầu tiên bầu ra ủy ban hành chánh huyện và ủy ban hành chách xã, ông Lê Tính được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chánh huyện đầu tiên của huyện Nghi Xuân. Về công tác Đảng, tháng 9 /1945, Tỉnh ủy Hà Tĩnh chỉ định ông làm trưởng ban cán sự Đảng huyện Nghi Xuân. Tháng 12 /1945, ông được bầu vào Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh. Hai khóa tiếp theo, ông vẫn giữ cương vị Tỉnh ủy viên, được điều động lên tỉnh lảm trưởng ban Thanh tra Tỉnh ủy . Năm 1955, ông mắc bệnh lao phổi nặng, do bị đòn roi dã man của bọn mật thám tra tấn trong các thời kỳ hoạt động cách mạng 1930 – 1945. Mặc dù được Đảng và Chính phủ quan tâm đưa ra Hà Nội chữa bệnh, được các bác sỹ tận tình cứu chữa và đề xuất chuyển sang Trung Quốc điều dưỡng nhưng ông Lê Tính đã mất tại một bệnh viện ở thủ đô Hà Nội.
Ông Lê Tính là người mẫu mực, hội tụ đủ những đức tính thủ lĩnh trong cuộc tổng khởi nghĩa long trời lở đất ở Nghi Xuân. Một đảng viên cộng sản gan dạ, kiên cường, bất khuất, khôn khéo trước kẻ thù. Đối với Đảng, với cách mạng tuyệt đối trung thành, giàu sáng tạo trong công tác, đem của cải vật chất ủng hộ cách mạng. Đối với nhân dân trung hậu , bao dung, độ lượng, được dân tin yêu, mến trọng và khâm phục đức độ một đời đã từng chiến đấu, hy sinh cho Đảng quang vinh, vĩ đại ./.
Đặng Viết Tường
Khối 1 – Thị trấn Nghi Xuân
Hà Tĩnh