Chăm sóc sức khỏe

“Ôm hận” vì không có bảo hiểm y tế

Bị trọng bệnh, nhiều người mới thấy giá trị của bảo hiểm y tế (BHYT) khi được chi trả hàng tỷ đồng, khỏi bệnh mà gia đình không “tán gia bại sản”. Các bác sĩ cũng vui lây khi có BHYT “chống lưng”, yên tâm giành giật sự sống cho bệnh nhân từ tay thần chết.

Được trả tiền tỷ

Chị Lê Thị Thanh Thủy (43 tuổi, trú tại Hà Nội) là nhân viên văn phòng nên được công ty hỗ trợ mua BHYT, chồng chị mua BHYT tại phường. Bình thường chị chẳng ốm đau gì nên “quên” luôn thẻ. Cũng có lúc chị bị cảm cúm, đi khám bên ngoài cũng chỉ mất 200.000 – 300.000 đồng nên chị cũng không dùng thẻ BHYT. Nhưng mới đây chị bị viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính, cơ thể dần dần tê bì. Theo các bác sĩ, nếu không điều trị kịp thời, chị có nguy cơ liệt vĩnh viễn hoặc có khỏi cũng rất khó phục hồi như trước. Vào điều trị tại khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai), chị phải lọc máu liên tục, mỗi lần 15 triệu đồng. Chỉ ít ngày viện phí đã lên đến gần 70 triệu đồng. “Cũng may có BHYT chi trả nên gia đình chỉ phải chi 14-15 triệu đồng, không phải vay mượn. Lúc này mới thấy thẻ BHYT quý giá thế nào” – chị Thủy thắc thỏm.“om han” vi khong co bao hiem y te hinh anh 1

Người bệnh có bảo hiểm y tế, các bác sĩ cũng yên tâm tiến hành việc điều trị (Ảnh chụp tại Bệnh viện Bạch Mai). BSCC

BHYT là loại hình bảo hiểm “lúc khỏe mua thẻ để tích lũy cho lúc ốm”, nhưng đa số người dân Việt Nam đến lúc ốm mới đi mua BHYT. Điều này dẫn đến việc quỹ BHYT cho đối tượng tự nguyện luôn bội chi. Bệnh tật, tai nạn sẽ không chừa một ai, không biết lúc nào đổ bệnh. Nếu người dân không ý thức tham gia BHYT từ sớm sẽ dễ bị nghèo hóa vì bệnh tật”.

Ông Phạm Lương Sơn –
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm
xã hội Việt Nam

Bác sĩ Phạm Thế Thạch (khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, căn bệnh của chị Thủy phải lọc máu nhiều lần, có bệnh nhân như chị phải lọc máu 15-20 lần, nằm viện 2-3 tháng, chi phí có thể lên đến 300-400 triệu đồng. Nếu không có thẻ BHYT, bệnh nhân sẽ rất khốn đốn.

Nằm bên cạnh, bà Lăng Thị Sáu (68 tuổi) cũng không phải lo bán nhà vì nằm viện. Bà bị viêm phổi, viêm phúc mạc do vỡ ruột thừa, viện phí đã lên đến 308 triệu đồng BHYT giúp chi trả tới 247 triệu đồng, nên bà cũng yên tâm điều trị. Bà Sáu cho biết đã tham gia BHYT nhiều năm nay.

Bà Trần Thị Tuyết – nhân viên BHYT “thường trực” tại khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trung bình một ca cấp cứu tại đây thường được BHYT chi trả 300 – 400 triệu đồng, không ít ca 600 – 700 triệu đồng. Cá biệt từ đầu năm 2016 đến nay, bà Tuyết đã làm hồ sơ cho 2 ca bệnh mà BHYT chi trả hơn 1 tỷ đồng. “Chỉ trừ một số dịch vụ kỹ thuật cao bị giới hạn chi trả còn hầu hết các dịch vụ điều trị cần thiết, thuốc men đều được BHYT chi trả. Nếu bệnh nhân bệnh nặng, nằm điều trị vài tháng thì viện phí có thể lên đến cả tỷ đồng” – bà Tuyết cho biết. Theo bà Tuyết, mỗi năm khoa Hồi sức tích cực có khoảng 1.800-1.900 bệnh nhân nặng, trong đó hơn 70% được BHYT chi trả.

“Hiệp sĩ” bất đắc dĩ“om han” vi khong co bao hiem y te hinh anh 2

Người không có BHYT sẽ gặp khó khăn lớn khi phải cấp cứu, điều trị chi phí lớn (cấp cứu tai nạn giao thông tại Bệnh viện Việt Đức). Ảnh: Diệu Linh

Bác sĩ Lưu Quang Thùy (Bệnh viện Việt Đức) cho biết: 50% số ca bệnh tại Trung tâm Gây mê hồi sức Bệnh viện Việt Đức không có BHYT, trong khi đó, đã vào đến đây là tốn hàng trăm triệu, thậm chí nửa tỷ đồng. Nếu bệnh nhân có BHYT thì các bác sĩ cũng yên tâm cứu chữa, không phải phân tâm lo “điều đình” với người nhà trong việc cứu hay không cứu, có đủ tiền không hoặc lại phải tham gia đi kêu gọi tài trợ, trong khi không phải trường hợp nào cũng khiến người hảo tâm thương cảm.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – phụ trách khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cũng cho biết, mới đây, một người dân tộc ở Lào Cai bị nhiễm nấm huyết, viêm màng não do nấm, phải điều trị hơn 2 tháng. Tổng viện phí lên đến hơn 500 triệu đồng nhưng được hưởng chế độ BHYT chi trả 100% nên gia đình chỉ phải lo tiền ăn. “Nếu họ không có BHYT chi trả chắc chắn chỉ chịu chết. Đã rất nhiều người hối hận vì lúc khỏe mạnh không mua BHYT” – bác sĩ Cấp cảm thán.

Khi người bệnh có BHYT các bác sĩ có thể yên tâm dồn sức để cứu chữa. Nhưng khi bệnh nhân không có BHYT, bệnh nặng, gia đình khó khăn, đứng trước tính mạng của bệnh nhân, các bác sĩ phải trở thành các “hiệp sĩ bất đắc dĩ”, đi kêu gọi, “xin xỏ” sự trợ giúp của các cá nhân, nhà hảo tâm. Tuy nhiên, bác sĩ Cấp cũng tâm sự rất thật lòng, chỉ những trường hợp trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn thực sự mới có khả năng xin tiền tài trợ. Đối với những bệnh nhân khỏe mạnh bỗng dưng đổ bệnh hoặc mắc các bệnh viêm gan, nhiễm trùng có nguyên nhân từ rượu chè thì rất khó xin. “Người hảo tâm sẽ bày tỏ thái độ “lúc khỏe không có trách nhiệm với sức khỏe, bớt tiền ăn, tiền nhậu đi mua BHYT, đến lúc bệnh làm sao có người thương xót”. Các bác sĩ chỉ có thể miễn được tiền công điều trị, còn xin sao được tiền thuốc, tiền máy móc, hóa chất của các công ty” – bác sĩ Cấp cho biết.

Theo bác sĩ Cấp, không ít trường hợp gia đình xin cho bệnh nhân “về” vì không có tiền chi trả viện phí. “Nhóm đáng tiếc nhất là các cháu sinh viên. Các cháu thường được cha mẹ cho tiền đóng BHYT nhưng lại “cậy” mình trẻ khỏe, lại cần tiền để chi trả cho các thú vui khác nên không đóng BHYT. Mới đây có 1 sinh viên bị viêm não Nhật Bản, cũng “quên” đóng BHYT, cha mẹ phải vay mượn, bán cả nhà ở quê mới đủ hơn 200 triệu đồng trả viện phí”- bác sĩ Cấp nhận định.

Bà Phạm Thị Bích Mận – Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho biết, giữa tháng 8 vừa qua, Phòng Công tác xã hội cũng đã phải xin trợ giúp cho một sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội bị viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn nặng. Chỉ trong 3 ngày điều trị lọc máu liên tục, viện phí lên đến hơn 200 triệu đồng. Đáng tiếc, bạn này tham gia công tác Đoàn rất tích cực, nhà ở Hà Nội, nhưng lại không mua BHYT. Hoàn cảnh gia đình tuy không thuộc diện khó khăn nhưng cũng không dễ chi trả được số tiền viện phí lớn như vậy. May nhờ sự chung tay chia sẻ của bạn bè và nhiều nhà hảo tâm, bạn gái này đã qua được cơn hiểm nghèo. “Rất cảm ơn sự cứu giúp của cộng đồng. Nhưng cũng thật đáng tiếc cho bạn sinh viên này. Giá như bạn ấy biết bảo hiểm cho sức khỏe của mình” – bà Mận cho biết.

Theo bà Mận, sau hơn 1 năm thành lập, Phòng Công tác xã hội đã phải kêu họi trợ giúp cho hơn 30 bệnh nhân bị bệnh nặng có hoàn cảnh khó khăn, không có BHYT nên không lo được viện phí, với tổng số tiền hỗ trợ lên đến hơn 3 tỷ đồng. Các bệnh nhân đều đổ bệnh đột ngột, bệnh trọng như viêm cơ tim, viêm não, nhiễm trùng huyết, sốc đa phủ tạng… Thấy bệnh nhân có cơ hội sống, các bác sĩ vẫn tận tình cứu chữa, nhưng sau đó lại phải cùng gia đình tìm kiếm các nguồn hỗ trợ. Như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị H (Ba Vì, Hà Nội) bị nhiễm độc thai nghén, điều trị hết 247 triệu đồng viện phí, gia đình khó khăn, chỉ lo được 60 triệu đồng. Sau đó, Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Bạch Mai đã kêu gọi hỗ trợ. Đến nay cả hai mẹ con chị H đã qua “cửa tử” và tiền viện phí cũng đã trang trải xong. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào sự kêu gọi trợ giúp cũng có hiệu quả.

“Nhiều gia đình không phải hộ nghèo, tuy nhiên kinh tế cũng hạn hẹp nên còn lần lữa không mua BHYT. Họ cho rằng mình khỏe mạnh, không ốm, hoặc có ốm cũng chỉ cảm cúm, mất 200.000-300.000 đồng tiền khám, tiền thuốc. Chỉ vì tiếc 650.000 đồng BHYT mà gia đình phải bán nhà, bán đất, vay tiền, nợ tình khắp nơi. Các thầy thuốc, nhân viên y tế, bác sĩ cũng phải vất vả kêu gọi trợ giúp kinh phí vì không muốn người bệnh mất đi cơ hội được cứu sống” – bà Mận chia sẻ.

  Từ khóa: BHYT , Bảo hiểm y tế

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP