Xe

Ô tô tiền tỷ còn mới nguyên bị phá nát không thương tiếc

Những chiếc xe mới vừa xuất xưởng, chưa một lần lăn bánh trên đường, được mang ra để đâm nhau, khiến những người chứng kiến không khỏi xót xa, nuối tiếc. Mặc dù rất tốn kém, nhưng tất cả các hãng ô tô trên thế giới đều phải xây dựng "trung tâm phá xe" bài bản và hiện đại.

Ngôi nhà bí ẩn

Tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của tập đoàn Hyundai Motor Hàn Quốc, cách Seoul khoảng 1 giờ xe chạy, có một ngôi nhà lớn đầy bí ẩn, ít khi mở cửa cho người ngoài. Đó là nơi dùng để thử nghiệm an toàn ô tô.

Trang bị tại đây vô cùng hiện đại, với hệ thống máy quay phim tốc độ cao, các thiết bị đo điện tử, bố trí khắp nơi, cùng đài quan sát và các phòng chức năng ghi nhận dữ liệu.

Điều đặc biệt ấn tượng là hệ thống người nộm. Hyundai sở hữu hàng trăm người nộm, cả Âu, Á, cả người già, nam giới, phụ nữ có thai, trẻ em trong các độ tuổi khác nhau. Giá một người nộm từ 100.000 150.000 USD. Những người nộm này được gắn các thiết bị cảm biến và đặt vào từng vị trí trên xe trong mỗi lần thử nghiệm để mô phỏng lại toàn bộ quá trình va chạm.

Những chiếc xe mới xuất xưởng, chưa một lần lăn bánh trên đường, được dùng để đâm nhau.

Đây là nơi là nơi tạo ra các vụ va chạm ô tô thật, cho phép các kỹ sư của Hyundai thiết lập những tình huống tai nạn thật giữa hai xe hoặc, giữa xe với các vật cản khác.

Tọa lạc dưới chân núi Phú Sỹ, Trung tâm kỹ thuật Higashi Fuji cách "đại bản doanh" của tập đoàn Toyota Motor Nhật Bản 3 giờ đi xe. Đây là trung tâm nghiên cứu và phát triển xe, cũng như nơi diễn ra hầu hết các cuộc kiểm tra chất lượng xe Toyota. Higashi-Fuji bao gồm một loạt trung tâm kỹ thuật và nghiên cứu với hơn 3.000 nhân viên, được trang bị rất nhiều thiết bị phục vụ cho các thí nghiệm và kiểm tra.

Ở Higashi Fuji, có một khu vực luôn gây sự quan tâm lớn của mọi người, nơi không mấy khi rộng cửa chào đón những người bên ngoài. Đó là Khu vực thử nghiệm đâm xe. Đây là nơi tạo ra các vụ va chạm xe ô tô thật, cho phép các kỹ sư thiết lập những tình huống tai nạn giữa hai xe hoặc giữa xe với các vật cản khác.

Trung tâm của khu vực thử nghiệm được trang bị hệ thống đèn chiếu công suất lớn, các máy quay tốc độ cao, bao gồm cả dưới gầm xe. Phía dưới sàn, nơi vụ va chạm xảy ra, Toyota đào một hố ngầm có diện tích khoảng 10m2, đặt nhiều thiết bị qua sát phần gầm xe, bên trên mặt gắn một tấm kính trong suốt dày 280 mm và một tấm khác dày 6mm ở phía trên. Khi bị trầy xước, họ sẽ thay thế lớp trên cùng để đảm bảo tầm nhìn tốt nhất. Lớp kính dày có thể chịu tải trọng động lên tới 22 tấn hoặc một tải trọng tĩnh tới 10 tấn.

Một nhiệm vụ quan trọng khác mà Trung tâm Higashi Fuji thực hiện từ lâu là tạo ra mô hình “người nộm” (Total Human Model For Safety - THUMS) để sử dụng trong các thử nghiệm về va chạm. Toyota hiện có hơn 200 người nộm, mỗi người có tới 2 triệu phần tử, có thể gắn 200 thiết bị cảm biến theo dõi và có chi phí từ 110.000-150.000 USD/ người.

Mặc dù rất tốn kém, nhưng tất cả các nhà sản xuất ô tô trên thế giới đều xây dựng "trung tâm phá xe" bài bản và hiện đại.

An toàn đối với những người ngồi trên xe là quan trọng nhất. Không ai muốn tai nạn xảy ra, nhưng nhiệm vụ và trách nhiệm của nhà sản xuất là phải tạo ra những chiếc xe đảm bảo độ an toàn cao nhất, gây tổn thất ít nhất. Chính vì vậy, việc đầu tư 1 trung tâm thử nghiệm va chạm luôn được quan tâm và đầu tư hàng đầu, cho dù rất tốn kém, ông Euisun Chung, Phó Chủ tịch tập đoàn Hyundai Motor nói.

Chi phí tốn kém

Để thực hiện một vụ tai nạn thử nghiệm rất tốn kém, bởi tất cả đều là xe thật và mới tinh. Nhìn những chiếc xe mới xuất xưởng, chưa một lần lăn bánh trên đường đâm vào nhau, khiến nhiều người không khỏi xót xa nuối tiếc.

Có rất nhiều bài thử nghiệm khác nhau như đâm trực diện, đâm 2 bên thân xe, ở các góc từ 15-180 độ, cho 2 xe các loại khác nhâu va chạm với nhau, cho xe va chạm với các bức tường bê tống kiến cố, với các tảng đá lớn,... với tốc độ từ 50-80 km/h. Chứng kiến những màn va chạm như vậy luôn để lại cảm xúc với người xem.

Nhìn một chiếc Crosover Hyundai Kona cỡ nhỏ, chạy tốc độ 56km/h đâm thẳng vào bức tường bê tông kiên cố, hay 2 chiếc Toyota Avalon và Yaris đâm trực diện nhau, ở tốc độ 55 km/h, nhiều người phải bịt tai, để tránh nghe thấy những âm thanh ghê rợn. Sau một tiếng nổ chát chúa vang lên là khói mờ mịt và mùi khét lẹt bốc ra từ những chiếc xe va chạm.

Những chiếc BMW, Mercedes,... sang trọng có giá tới cả trăm ngàn USD, cũng vẫn hàng ngày đâm nhau bẹp dúm, chỉ để tái hiện những va chạm.

Kết quả là toàn bộ phần đầu xe bẹp dúm, lazăng bánh trước gãy gập, lốp trước nổ tung. Toàn bộ phần trước xe như dàn làm mát, động cơ, nắp capo,... bị biến dạng hoàn toàn. Các mảnh sắt, nhựa văng tung tóe xung quanh, bên trong khoang ngồi. Túi khí trước của xe đều nổ bung. Cảnh tượng ai nhìn thấy cũng kinh hoàng. Tuy nhiên, khung xe vẫn không bị biến dạng. Các kỹ sư đã mở cửa xe một cách dễ dàng.

Hyundai cho biết, mỗi mẫu xe khi sản xuất ra, phải thực hiện đủ 100 vụ va chạm, tương đương với 100 chiếc xe mới bị phá hỏng. Họ đang sản xuất gần 20 mẫu xe, vì vậy mỗi ngày tại đây có từ 3-4 vụ thử va chạm, tức gần 10 chiếc đem ra "phá". Tính ra, mỗi năm có hơn 1.000 vụ va chạm như thế. Bất kể từ xe giá rẻ như i10 cho tới những mẫu hạng sang như Genesis, hay Equus,... Nếu tính bình quân 1 chiếc xe có giá khoảng 20.000 USD thì mỗi năm, trung tâm này cũng "phá" hàng chục triệu USD.

Với Toyota cũng tương tự. Mỗi năm, hãng này thực hiện tới 1.600 thử nghiệm về các va chạm xe, tương đương khoảng 4-10 chiếc xe mới các loại bị phá mỗi ngày. Nếu tính bình quân một chiếc xe Toyota có giá khoảng 30.000 USD, thì mỗi ngày trung tâm này “phá” từ 120.000-300.000 USD, một năm “phá” từ 50-100 triệu USD.

Tất cả các thông số ghi lại được chuyển về trung tâm nghiên cứu. Trung tâm này sẽ xử lý các số liệu, hình ảnh và đưa ra những thông tin quan trọng của vụ va chạm, để các kỹ sư dựa vào đó nghiên cứu, tìm ra các phương án, giúp tăng sự an toàn, mỗi khi xe va chạm, ông Euisun Chung cho biết.

Theo các kỹ sư của Hyundai, tùy khả năng bảo vệ của mỗi xe mà kết quả cuối cùng sẽ được quy ra số sao tương ứng. Cao nhất là 5 sao, 4 sao đạt mức khá, 3 sao trung bình, 2 sao kém, 1 sao là cực kém.

Mặc dù rất tốn kém, nhưng không chỉ riêng Hyundai hay Toyota, tất cả các nhà sản xuất ô tô trên thế giới đều làm như vậy. Những chiếc BMW, Mercedes,... sang trọng có giá tới cả trăm ngàn USD, cũng vẫn hàng ngày đâm nhau bẹp dúm, chỉ để tái hiện những va chạm. Từ đó, nhà sản xuất sẽ phát triển những công nghệ mới nhằm nâng cao tính năng an toàn của xe, mang tới sự tin cậy cho khách hàng.

Tác giả: Trần Thủy

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP