Số liệu của Tổng cục Hải quan về lượng ô tô nhập khẩu cho thấy, trong 9 tháng năm 2017 đã có hơn 33.500 ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống nhập về Việt Nam. Cùng kỳ năm 2016, lượng ô tô dưới 9 chỗ nhập về là hơn 32.300 chiếc.
Lượng ô tô nhập giảm mạnh về cuối năm. |
Như vậy lượng xe nhập trong 9 tháng của năm 2017 tăng hơn 1.000 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, lượng ô tô nhập càng về cuối năm 2017 càng giảm mạnh. Tháng 9, chỉ có 918 chiếc ô tô dưới 9 chỗ nhập về Việt Nam. Trong khi đó, tháng 8 vẫn còn tới gần 3.700 chiếc nhập về Việt Nam.
Như vậy lượng xe nhập trong tháng 9 giảm hơn hơn 300% lần so với tháng 8.
Tính chung các loại ô tô nhập về Việt Nam trong 9 tháng năm 2017 (bao gồm ô tô dưới 9 chỗ, ô tô tải, ô tô trên 9 chỗ) là 71.559 chiếc, giảm 7,7% về lượng và 13,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Lượng ô tô nhập về cuối năm giảm mạnh một phần là do tâm lý chờ đợi việc giảm thuế nhập khẩu ô tô vào đầu năm 2018. Theo đó, từ năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong ASEAN sẽ giảm từ 30% về 0%. Như vậy giá xe ô tô nhập được hy vọng có thể giảm.
Thời gian gần đây, những chính sách để hạn chế ô tô nhập khẩu liên tiếp được các bộ, ngành đưa ra.
Trước hết, phải kể đến việc Bộ Công Thương đang hoàn thiện Nghị định về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô. Nghị định này được xây dựng để thay thế cho Thông tư 20/2011/TT-BCT vốn bị đánh giá là hạn chế quyền nhập khẩu ô tô đối với nhiều thương nhân trong nhiều năm qua.
Từng được hy vọng sẽ “cởi trói” cho hoạt động nhập khẩu ô tô, nhưng khi dự thảo này từng bước xây dựng và hoàn thiện, giới kinh doanh ô tô đã phải thốt lên rằng những điều kiện nhập khẩu đưa ra tại dự thảo Nghị định này “không nhiều doanh nghiệp đáp ứng được”.
Đơn cử dự thảo nghị định quy định: “Doanh nghiệp nhập khẩu phải có giấy xác nhận của nhà sản xuất ô tô nước ngoài về việc chỉ định doanh nghiệp nhập khẩu ô tô và chứng nhận ô tô nhập khẩu sẽ được bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi theo đúng quy định của nhà sản xuất”. Giấy chứng nhận này xét cho cùng không khác gì quy định các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền chính hãng, như tại Thông tư 20 của Bộ Công Thương trước đây.
Trong khi đó, Bộ Tài chính đang tìm cách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe bán tải (pick up) từ mức thấp nhất 15%, cao nhất 25% lên mức trung bình 33%.
Lý do là trong những năm qua, số lượng xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng nhập khẩu và tiêu dùng tăng nhanh. Cụ thể, năm 2012 lượng xe tiêu thụ mới là gần 3.300 chiếc, thì đến năm 2016 lượng xe tiêu thụ lên đến hơn 28.200 xe, tăng gấp hơn 8,5 lần. Dòng xe bán tải này chủ yếu là nhập khẩu từ Thái Lan. Do loại xe này có thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thấp hơn so với xe ô tô chở người có cùng số chỗ ngồi (xe SUV thuế Tiêu thụ đặc biệt là 55%) nên một số người tiêu dùng đã chuyển sang mua xe bán tải, thay vì mua xe SUV.
Vì thế, việc tăng mạnh thuế với xe bán tải sẽ khiến giá xe bán tải về Việt Nam sẽ đội thêm hàng trăm triệu đồng. Người dùng sẽ phải đắn đo khi “xuống tiền” sở hữu một chiếc xe loại này.
Chưa hết, để tạo thêm thị trường cho xe sản xuất trong nước, Bộ Tài chính còn đề xuất tăng mạnh thuế nhập khẩu ô tô cũ lên gấp 2 lần. Điều này có thể dẫn đến nghịch lý là ô tô cũ nhập khẩu về có giá cao hơn giá bán xe mới nhập khẩu cùng loại. Vì vậy, chính sách này ra đời, ô tô cũ sẽ hết đường về Việt Nam.
Tác giả: L.Bằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet