Những người đàn bà đang tuyệt vọng
Chúng tôi trở lại những xóm làng xa xôi ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình lần này gặp họ – những người đàn bà một năm tròn hằng đêm vẫn quệt những giọt nước mắt mặn chát, uất nghẹn, những người đàn bà nuôi nấng những trụ cột vâm váp, nay phải nằm một chỗ, yếu ớt, tính khí như trẻ thơ, “sống mà như đã chết”…
Bà Nguyễn Thị Vinh (xóm Trung Sơn, xã Công Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) tay cặp nách, tay dắt hai đứa cháu nội là con của nạn nhân Phạm Công Sơn bước từng bước khó nhọc trên con đường bêtông. Bà trông yếu ớt, già nua đi nhiều. Vừa đến đầu ngõ, bà Vinh đã mếu máo, hai hàng nước mắt chảy thành dòng trên đôi gò má khi nhắc đến con trai xấu số. Bà Vinh kể, lúc còn sống, anh Sơn là hiền lành, biết lo, biết nghĩ. “Thằng Sơn sang làm bên Vũng Áng tròn hai năm, tiền lương tháng được bao nhiêu nó chắt bóp gửi về lo cho con ăn học. Tết năm kia, nó bảo nhà ta sống như cái ổ chuột khổ quá, thôi thì vay mượn xây nhà rồi con đi làm trả dần. Nhà đang xây dở, tin dữ báo về, thằng Sơn bị giàn giáo đè chết. Bà nghe mà chân tay bủn rủn, như sét đánh bên tai. Còn con dâu ôm đứa con gái út lúc đó chỉ mới tròn 4 tháng thều thào như điên dại” – bà Vinh nhớ lại.
Nhiều đêm liền, bà Vinh thức trắng, đứng trước di ảnh con trai mà khóc. Bà trách móc con vì lo nghĩ không biết rồi đây con dâu sẽ phải làm gì để nuôi cháu nội. “Bà nhớ thằng Sơn. Số hắn đoản, nhưng như rứa còn sướng chứ như vợ hắn bây chừ một nách bốn con, không nghề ngỗng chi cả, mần răng mà nuôi con nên người được đây”, lời bà Vinh như giằng xé tâm can. Hằng ngày, bà Vinh trông cháu để chị Nguyễn Thị Minh đi làm đồng. Đằng nội, đằng ngoại mỗi bên cho một sào ruộng nước để mẹ con làm có cái ăn. “Ruộng ít ỏi lại xấu nên chẳng đủ lúa mà ăn. Bốn đứa con tuổi cụng đầu nhau thì có 3 đứa đang đi học, một mình con dâu xoay như chong chóng mà vẫn thiếu trước hụt sau. Những lúc bế tắc, con dâu bà ôm con khóc rưng rức suốt đêm” – bà Vinh kể. Trong cảnh cùng cực, tuyệt vọng, mẹ con bà được dân làng giang tay giúp đỡ. “Người giúp cho ít gạo, ít tiền, thợ xây, thợ mộc làm nhà không lấy tiền công. Nhờ rứa mà mẹ con bà có ngôi nhà mới. Bà mang ơn họ nhiều lắm” – bà Vinh nói. Nhưng rồi nghĩ về những tháng ngày sắp tới, gương mặt bà Vinh đượm buồn, rướm lệ.
Ẩn mình sau con hẻm nhỏ, ngôi nhà chị Chu Thị Kiều (huyện Diễn Châu, Nghệ An) cửa đóng suốt ngày, buồn và vắng lặng. Chiếc bàn thờ lập tạm ở một góc nhà, hôm ấy bạn bè đến thăm và thắp cho anh Lâm Hữu Chính nén nhang vào cái ngày tròn một năm anh mất. Mẹ anh, bà Cao Thị Ba (70 tuổi) tóc đã bạc, lưng còng, cúi mình trước di ảnh con mà khóc vì nhớ con trai.
Bà kể: “Con Kiều đi làm công nhân may từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà. Hai đứa con học lớp hai và mẫu giáo, cả ngày vất vơ vất vưởng không ai chăm nom, dạy dỗ. Con dâu đi làm lương chỉ chưa tới ba triệu mỗi tháng, nhưng không tiếp tục làm thì lấy chi mà ăn, lấy chi mà đóng học cho con, tiền nợ xây nhà nhiều năm chưa trả hết”.
Anh Chính là người con có hiếu, dù đồng lương công nhân ít ỏi, nhưng lần nào về nhà đều mua áo, mua quà cho mẹ. “Tui nói mẹ già rồi, sống nay chết mai nên ăn gì, mặc gì cũng được. Nghe rứa hắn cười hiền nói lại mẹ như rứa thì con càng phải càng chu đáo để lỡ mẹ có mệnh hệ gì con không thấy áy náy trong lòng” – bà Ba kể về con trai với ánh mắt tự hào.
Tương lai mịt mù, không lối thoát
Những công nhân ở nhiều miền đến Formosa với ước mong kiếm được khoản tiền nào đó về trang trải nợ nần, nuôi con cái ăn học tử tế. Thế nhưng, có những người chưa kịp cầm trong tay tiền lương tháng đầu tiên thì thần chết đã cướp đi mạng sống, dồn đẩy thêm nhiều gia đình vào cảnh đối mặt với cái đói, cái nghèo và sự thất học, tương lai mịt mù không lối thoát.
Xã Lâm Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), đã quá nửa chiều, chị Dương Thị Phương (34 tuổi, vợ nạn nhân Nguyễn Văn Dũng) bắc ghế ngồi, ôm đứa con trai vào lòng, mắt đăm đăm nhìn ra con đường đất đỏ chạy ngay trước cổng nhà. Ngôi nhà phên gỗ, tuềnh toàng, liêu xiêu theo từng cơn gió thốc, bên trong không có thứ gì đáng giá ngoài chiếc giường đã cũ kỹ. Anh Dũng, chị Phương nên vợ chồng năm 1999. Nhà không có đất rừng nên quanh năm canh tác trên mười thước đất lúa, năm thước đất màu, lúa trên đồng chưa kịp trổ bông thì nhà đã hết gạo ăn, cái “nghèo bền vững” cứ bám riết sau lưng. “Ra giêng, mùa bóc vỏ cây keo chưa tới, ăn không ngồi rồi cũng chán nên chồng bảo nộp đơn đi làm công nhân ở Vũng Áng, phần nữa thấy những người trong thôn sang đó cũng có tiền đem về nên cũng hy vọng lắm. Chồng đi làm đâu được 25 ngày thì mất. Hôm đưa anh về, nhà không có gạo, đứa em phải chạy khắp thôn mượn từng nhà để lo tang cho anh. Áo tang họ hàng, làng xóm cũng phải góp cho” – chị Phương kể.
Hằng ngày chị Phương theo người dân trong thôn đi bóc vỏ cây keo. Nhưng công việc này một ngày làm hai ba ngày nghỉ, có khi cả tháng chẳng có ai gọi đi, nên thu nhập cũng chẳng đáng là bao. “Đi từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm mới được về nhà, bóc vỏ được trả công trăm ngàn mỗi ngày, vác cây được trăm rưỡi – hai trăm ngàn, nhưng đó là công việc của đàn ông” – chị Phương nói. Sau ngày tang anh Dũng, đứa con đầu Nguyễn Thị Hà (lớp 9, Trường THCS Lâm Trạch) đã phải nghỉ học.
“Khổ quá nên khi con xin nghỉ tui cũng thuận theo ý con. Chừ nó chỉ ở nhà trông em, nấu cơm chứ nó đang còn nhỏ quá không thể thả ra ngoài đi làm thuê làm mướn được” – chị Phương kể. Nguyễn Văn Đức (6 tuổi) đang ngồi trên đùi mẹ bất giác nói: “Con thích đi học, không thích ở nhà mô. Mạ đừng bắt con nghỉ học”. Con trai vừa dứt lời, chị Phương gật đầu “mẹ hứa, mẹ hứa”, rồi đưa tay quệt hai dòng nước mắt.
Đã không biết bao ngày, bà Hoàng Thị Hiều (60 tuổi, thôn 1, xã Lâm Trạch) ôm chiếc mũ công nhân màu xanh, ngồi tựa cửa. Cái chết tức tưởi của anh Nguyễn Văn Bảo là điều khủng khiếp bà không thể nguôi ngoai. Cha mất sớm nên học xong lớp 9, anh Bảo ở nhà với mẹ. Hằng ngày anh lên rừng làm thuê để có tiền nuôi mẹ. “Thấy thằng Bảo chăm làm, mãi không có người yêu nên sau khi làm nhà xong, tui tính kiếm cô nào đó trong xã để hắn cưới vợ cho yên chuyện, nhưng con nói thư thư thời gian để đi làm có tiền rồi hẵng tính. Hôm sang đó ký hợp đồng xong, thằng Bảo gọi về khoe người ta trả lương 8 triệu mỗi tháng. Hắn cười hả hả trong điện thoại, còn dặn tui là khi mô có lương gửi về, một ít dành dụm để trả nợ xây nhà, còn cứ mua đồ mà ăn chứ đừng tiết kiệm quá. Tui nghe con nói rứa chừ nhớ lại vẫn còn mừng” – người mẹ nghèo khổ hồi tưởng. Đứng nép mình sau cánh cửa, chị Nguyễn Thị Niềm (chị Bảo) mắt đỏ hoe. Ba người con còn lại bà Hiều cũng nghèo khổ, đông con nên cũng chẳng giúp mẹ được gì. Riêng chị Niềm làm dâu ở Huế, sống bằng nghề phụ việc ở quán hàng giải khát. Ngày giỗ đầu em trai, chị Niềm xin nghỉ vài hôm về lo việc, ở nhà động viên mẹ.
Cũng như những nạn nhân xấu số khác, bà Hiều cũng được phía nhà thầu SamSung đền bù thiệt hại hơn 400 triệu đồng. Số tiền này, sau khi lo ma chay cho con, trả nợ xây nhà, bà Hiều đem một ít gửi ngân hàng. Bà Hiều bảo rằng sự sẻ chia của cộng đồng, trách nhiệm nhà thầu khiến bà phần nào được an ủi: “Nhưng dù có đền tiền tỉ tui cũng muốn con trai tui được sống. Chứ như bây giờ hễ nhìn thấy ảnh thằng Bảo cười trên bàn thờ là tui nhớ, ruột gan tui ray rứt không chịu thấu…” – bà Hiều bật khóc.
(còn nữa)