Hà Tĩnh Bình Yên

“Nước mắt của rừng” và những giọt mồ hôi của phóng viên

Nhóm phóng viên truyền hình Công an Hà Tĩnh đã nhiều lần “mục sở thị” ghi lại nhiều hình ảnh xúc động của lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng Hà Tĩnh dũng cảm cứu dân trong mưa lũ; tinh thần “thép” của người dân Hà Tĩnh trong những cơn lũ dữ, lũ chồng lên lũ…; cả những mất mát, tang thương…hậu quả do thiên tai, bão lũ gây ra.



Trong bão lũ thiên tai, nhiều người đã đi tìm nguyên nhân, tìm lời giải cho những hiện thực phũ phàng đó. Một trong những lý do được đưa ra là tình trạng chặt phá rừng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, từ rừng bị “xẻ thịt” đến rừng bị phá để làm thủy điện, và rồi rừng không còn đủ sức để giữ nước, giữ làng, giữ sự sống con người trước những cơn đại hồng thủy…


Đến những ngày đầu tháng 3/2012, phóng viên truyền hình Công an Hà Tĩnh nhận được thông tin, đại ngàn biên giới ở xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn bị tàn phá nặng nề, hàng trăm m3 gỗ được các lực lượng chức năng phát hiện. Lúc này, ý tưởng cho một phóng sự về đề tài rừng được ê kíp đưa ra bàn bạc. Rừng đầu nguồn bị tàn phá, hậu quả sẽ ra sao? Và rồi chúng tôi ấp ủ, thai nghén cho phóng sự “Nước mắt của rừng”.


Để kịp cho “nước mắt của rừng” bấm máy khi hiện trạng rừng còn “chứng cứ” mới bị tàn phá, còn “dấu vết” của lâm tặc, tôi cùng trung tá Nguyễn Đình Vũ, đại úy Dương Ngọc Hùng bàn bạc kỹ lưỡng, lên kịch bản thật chi tiết, chuẩn bị nội dung cho chuyến hành trình làm phim về đề tài “nóng”- lâm tặc lúc bấy giờ không bị trùng dẫm với những thông tin mà phóng viên các cơ quan báo chí khác đã đưa. Tiêu chí của chúng tôi là phản ánh chân thực, khách quan, nhân văn. Để, dẫu hôm nay rừng có chảy máu, nước mắt có rơi thì người dân vùng rừng, lực lượng kiểm lâm mãi thủy chung với “yêu rừng xanh xanh thắm” giữ màu xanh của rừng, màu xanh cho quê hương, đất nước.


Xác định cho chuyến đi “dài hơi”, “cự ly xa”, nhiều dốc cao, suối sâu, địa hình hiểm trở nên thiếu úy Võ Ánh Hồng, thượng sỹ Nguyễn Sỹ Quý đã chuẩn bị đầy đủ các loại pin cho máy quay “xơ – cua”. (Ở giữ rừng lấy đâu ra điện để “sạc”!). Ngoài ra, các chiến sỹ đã tìm chọn đèn pin, nước uống, bánh mì, xúc xích cho đoàn làm phim. “Sơn Hồng vắt lắm, sên nhiều”, đồng chí quay phim trẻ Sỹ Quý đã liên lạc với Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh “vay” 5 đôi tất chống sên vắt cho ê kíp. Và, không biết Sỹ Quý đã học được “bài thuốc trừ sên, vắt” từ khi nào mà đã chuẩn bị cho chúng tôi mỗi người một lọ muỗi giã nhỏ trộn ớt để chống sên, vắt trước khi đoàn làm phim “xuất hành”…


Như mọi khi chúng tôi lên Hương Sơn từ quốc lộ 8A, con đường đẹp nhất Việt Nam năm 1999 đang bị “vá chằng, vá chịt” bởi “nâng cấp, cải tạo” cả những hư hỏng do phải oằn mình chịu đựng sức nặng của hàng chục chuyến xe tải trong ngày vì chở vật liệu đi xây dựng các công trình, dự án khác. Đoạn đường từ thị trấn Phố Châu vào trung tâm xã Sơn Hồng dài khoảng 30 km. Đi qua các xã khác chúng tội tận mắt chứng kiến tại Trạm Kiểm lâm địa bàn Sơn Lĩnh, Hạt Kiểm lâm Hương Sơn, Trạm Biên phòng Đá Gân (đóng tại Sơn Hồng)… những bê gỗ rộng 30-40 cm, thậm chí là 50 cm, dài 3-4m và những lóng gỗ to hơn cột nhà, dài 4-5m nằm la liệt như một công trường gỗ! (nằm trong các nhóm 2, 4, 5 và 6). Chắc hẳn, Gỗ chồng lên gỗ thế kia thì trong phía rừng sâu thẳm ấy, biết bao cây rừng đã bị đốn hạ. Chắc chắn trong cánh rừng đầu nguồn đã có nhiều khoảng trống…


Từ UBND xã Sơn Hồng, chúng tôi tiếp tục theo những cán bộ, chiến sĩ biên phòng vượt khoảng 25 km đường rừng để lên khu vực rừng Khe Sinh (thuộc địa phận xã Sơn Hồng – Hương Sơn), do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn quản lý. Con đường rừng độc đạo về tháng 3 lầy lội bùn. Ê kíp làm phóng sự đã đùa vui với nhau rằng: dù có bị ngã cũng phải giữ máy quay đến cùng, máy mà bị “nhuốm bùn” thì coi như chuyến đi thành công cốc. Biết địa bàn rừng, hiểm trở, nên trung tá Vũ chọn máy quay cơ động nhất vừa tiện bấm máy, vừa tiện bảo quản. Men theo con đường độc đạo ấy, ai cũng xót xa trước cảnh cả một vạt rừng phòng hộ đầu nguồn nay chỉ còn trơ lại hàng trăm gốc cây có đường kính từ 50 – 90 cm. Dấu tích để lại ở nhiều gốc cây, vết cắt và mùn cưa vẫn còn tươi mới.


Khắp các vùng rừng bị triệt hạ ngổn ngang với hàng trăm m3 gỗ. Hàng trăm cây gỗ nằm ngổn ngang chồng chéo kéo dài hàng trăm mét sâu vào trong con đường độc đạo. Xung quanh đó, những gốc cây cổ thụ hai người ôm không xuể nằm trơ trọi, có gốc còn ứa nhựa tươi mới. Nhiều cây lớn cũng đã được lâm tặc khắc dấu, nhưng chưa kịp khai thác. Những phiến gỗ vuông rộng khoảng 30-40 cm, dài 3-4m, những khúc gỗ tròn cỡ bằng cột nhà… nằm rải rác khắp rừng. Rất vất vả chúng tôi mới phát hiện những đống gỗ lớn được lâm tặc tập kết lại một nơi trong cửa hang rậm rạp, phủ lên dày đặc một lớp lá khô.

Đường lên Sơn Hồng

Đi bộ cả ngày trời ai nấy đều rất đói và mệt. Nhưng tận trong rừng sâu, những cán bộ, chiến sỹ Biên phòng vẫn đang miệt mài vật lộn đưa những phiến gỗ to kia ra khỏi rừng, trung tá Vũ, đại úy Hùng không bỏ lỡ những cảnh quay “đắt” cho phóng sự. Đó là lúc Trung tá Võ Trọng Hải – Phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh chỉ đạo hai thượng úy Nguyễn Thế Phùng, Phạm Văn Yên, đội trưởng, ở Đồn 563 nổi danh là “vua sáng kiến”, đã cho đặt 3 tời 3 khúc kéo chuyền nhau. Tời dài, gỗ chạy nối nhau , không phải dừng, vừa đỡ mất thời gian lại kiệm công sức bộ đội…


Gỗ ngày càng khó tìm, khó vận chuyển, lại nằm dấu rải rác khắp nơi từ Tiểu khu 2,3,5 cho đến tận Tiểu khu 22 xa đến hơn 13km (tính từ Trạm Kiểm soát Đá Gân vào). Cùng các chiến sỹ biên phòng chúng tôi vào tận hang ổ của lâm tặc, phá dỡ lán trại, dụng cụ hành nghề, thu được 4-5 chiếc cưa xăng do chúng tháo chạy vứt lại. Đi sâu vào các cánh rừng tại các tiểu khu 2, 12 sát ngay mốc km số 0 (cột mốc số 464, bên kia là nước bạn Lào), cũng như tại nhiều tiểu khu khác chúng tôi không thể tin nổi vào mắt mình nữa, rất nhiều phiến gỗ người ôm không xuể được lâm tặc cất dấu khắp nơi. Ở đây xuất hiện chi chít những “đường máu”, những con đường đã được lâm tặc làm sẵn từ lâu để vận chuyển gỗ. Hai bên những tuyến đường xương cá này, hàng chục phiến gỗ đã được cưa vuông thành sắc cạnh được ngụy trang, chở ngày vận chuyển.


Trong chuyến hành trình ngược ngàn này, nhóm phóng viên phải dùng những chiếc gậy tre để bám trụ không bị trượt ngã. Không ít những đoạn đèo cao núi dốc gậy tre như “vị cứu tinh” cho cả đoàn. Trong rừng, nên khá nhiều cảnh quay không đủ sáng, nhiều khi muốn quay những giọt mồ hôi ướt đẫm trên những tấm áo phóng viên, đại úy Hùng phải dùng đến ánh sáng đèn pin… Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của đoàn là những buổi ăn trưa, ăn tối. Lúc này, cơm vắt, bánh mì, xúc xích là những thực phẩm xa xỉ đối với chúng tôi. Trong mồ hôi nhễ nhại, trong thổn thức của vang vọng tiếng rừng bị tàn phá, ê kíp làm phim ai cũng đắng lòng…


Để kịp phóng sự lên sóng mang tính thời sự, khi đại ngàn bị chảy máu, nhóm phóng viên kịp thu thập tài liệu liên quan đến chủ rừng, bảo vệ, lực lượng kiểm lâm, đến cả những đầu nậu “sừng sỏ” ở chốn rừng biên giới. Thật không dễ gì tìm ra “đường dây móc nối” giữa những bạt ngàn gỗ đã bị thu hồi. Lực lượng chức năng đã ước tính con số đó lên đến 198m3… Và, khi “nước mắt của rừng” chính thức lên sóng, bài học giữ rừng đầu nguồn được lên tiếng, những hình ảnh rừng bị tàn phá, hình ảnh làng mạc, quê hương nhấn chìm trong bão lũ được đan xen, ai được hưởng lợi từ phá rừng, ai ghánh chịu hậu quả nặng nề đó? Khi lực lượng Công an vào cuộc, những gương mặt “mắt xích” trong đường dây “lâm tặc” được phát giác, người thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, kẻ vi phạm các quy định bảo vệ rừng…Người có tội phải chịu trừng phạt của pháp luật, nhưng những cây xanh hàng trăm năm tuổi bao giờ được tái sinh? Một khoảng trống trong rừng phòng hộ Sơn Hồng, Hương Sơn; một khoảng trống trong quản lý nhà nước về bảo vệ rừng.


“Nước mắt của rừng” không chỉ là những giọt nước mắt đau đớn khi rừng chảy máu, khi sai lầm phải trả giá, mà có cả nước mắt vì hậu quả nặng nề, mai này, rừng sẽ ra sao…



Xuân Lý – Đình Vũ; ảnh: Ánh Hồng, Văn Hùng

CAHT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP