Các bị cáo tại phiên tòa. |
Ngày 23/7, TAND TP Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo: Lâm Thị Hồng Tâm (SN 1973, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng); Hoàng Quang Huy (SN 1989, trú quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) cùng về tội “Tham ô tài sản".
Bị cáo Đoàn Quang Vinh (SN 1962, trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) bị xét xử về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
2 bị cáo Phạm Thị Huỳnh Như (SN 1987, trú quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) và Nguyễn Khánh Dương (SN 1997, trú quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nội dung cáo trạng thể hiện, trong khoảng thời gian từ 15/7/2020 đến 10/2/2023, Lâm Thị Hồng Tâm - Thủ quỹ Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Hoàng Quang Huy - Trưởng phòng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Kế toán trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) có trách nhiệm giúp chủ tài khoản trong công tác quản lý tài sản, tài chính của Trường.
Tâm và Huy đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi lấy tiền của nhà trường từ quỹ tiền mặt, từ tài khoản ngân hàng (thông qua rút séc) chiếm đoạt số tiền 186,2 tỷ đồng của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) sử dụng vào mục đích cá nhân.
Để che giấu hành vi trên, Lâm Thị Hồng Tâm và Hoàng Quang Huy hợp thức hồ sơ, sổ sách, chứng từ kế toán.
2 bị cáo này đã lập hồ sơ thanh toán khống để tăng số tiền chi, giảm số tiền tồn quỹ cho phù hợp với số tiền tồn quỹ thực tế sau khi đã bị chiếm đoạt; đăng nhập vào điều chỉnh số liệu của tài khoản tiền gửi ngân hàng trên phần mềm quản lý kế toán của trường; hợp thức các biên bản kiểm quỹ hàng tháng vào cuối năm (trên thực tế không có tổ chức kiểm tra).
Điều chỉnh số dư trong phiếu đối chiếu tài khoản ngân hàng rồi đưa vào hồ sơ quyết toán; lập báo cáo tài chính năm trên cơ sở số liệu đã được chỉnh sửa, không công khai tài chính.
Bị cáo Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) trong giai đoạn từ 1/7/2020 đến 31/12/2022 đã có hành vi ký séc chi không ghi số tiền cụ thể, không tổ chức kiểm tra kế toán trong nội bộ đơn vị, ký hợp thức các biên bản kiểm tra quỹ hàng tháng của trường vào cuối năm… buông lỏng quản lý tài sản của nhà trường, dẫn đến việc Tâm và Huy chiếm đoạt tiền của nhà trường, gây thất thoát tài sản của Nhà nước với tổng số tiền 179,9 tỷ đồng.
Từ 12/2018 đến 10/2/2023, với ý định chiếm đoạt tài sản, Phạm Thị Huỳnh Như đã có hành vi đưa ra thông tin gian dối mở tiệm nail, đầu tư chứng khoán, nuôi tôm, buôn gỗ, thắng đánh bạc… để lừa đảo chiếm đoạt tiền của Lâm Thị Hồng Tâm với tổng số tiền 203 tỷ đồng.
Trong đó, chuyển vào tài khoản của Nguyễn Khánh Dương 192,7 tỷ đồng và chuyển vào tài khoản Trần Tấn Hùng là 10,3 tỷ đồng.
Từ 9/2020 đến 10/2/2023, Nguyễn Khánh Dương biết Phạm Thị Huỳnh Như đưa ra các thông tin gian dối để chiếm đoạt tiền của Lâm Thị Hồng Tâm nhưng vẫn đồng ý thực hiện các hành vi gian dối đóng giả đối tượng tên Hùng nói chuyện với Tâm để Tâm tin tưởng chuyển tiền cho Như qua tài khoản của Dương, giúp Như chiếm đoạt của Tâm số tiền 181 tỷ đồng.
Về dân sự, bị cáo Đoàn Quang Vinh đã khắc phục số tiền hơn 9 tỷ đồng, Huy và Tâm đã tác động gia đình bồi thường, khắc phục số tiền 70 triệu đồng (trong đó Huy 20 triệu đồng, Tâm 50 triệu đồng).
Đại diện theo pháp luật của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) yêu cầu Lâm Hồng Tâm, Hoàng Quang Huy, Đoàn Quang Vinh liên đới bồi thường số tiền 177 tỷ đồng theo quy định.
Tại phiên tòa xét xử, các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội của mình, thể hiện sự ăn năn hối cải.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt bị cáo Lâm Thị Hồng Tâm mức án tử hình; tuyên phạt bị cáo Hoàng Quang Huy mức án chung thân tù cùng về tội “Tham ô tài sản”.
Tòa tuyên phạt bị cáo Đoàn Quang Vinh 4 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Tòa cũng tuyên phạt các bị cáo Phạm Thị Huỳnh Như mức án chung thân và Nguyễn Khánh Dương mức án 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tác giả: Hoàng Vinh
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại