Trương Thanh Thủy đã từng được hãng thông tấn BBC (Anh) gọi là "nữ hoàng khởi nghiệp" của Việt Nam. Ảnh: FORBES |
Thất bại một lần và nối tiếp những thành công
Sinh ra tại Việt Nam, Thủy cùng gia đình chuyển đến Mỹ sinh sống vào năm 2003. Sau khi tốt nghiệp Đại học Nam California, cha mẹ muốn cô ở lại Mỹ làm việc. Nhưng Thủy đã quay về Việt Nam. Năm 2008, cô về quê hương Biên Hòa để thành lập một hãng sản xuất sữa chua đông lạnh với vài người bạn.
Tuy nhiên, cô gái này đã không may mắn với dự án khởi nghiệp đầu tiên. Mặc dù từ đầu, Trương Thanh Thủy đã cùng bạn bè huy động được vài trăm nghìn USD, làm marketing thành công và xây dựng được thương hiệu khá tốt. Tuy nhiên, như lời Thủy thừa nhận, do thiếu kinh nghiệm và khả năng duy trì sự phát triển bền vững, công ty này đã đóng cửa sau 3 năm”, Thủy nói.
Nhưng kể cả khi Công ty sản xuất sữa chua đang hoạt động, Thủy cũng đã lập thêm một doanh nghiệp khác trong ngành công nghệ thông tin. Thủy cùng một người bạn góp vốn lập ra Công ty có tên GreenGar- một Công ty khá nổi tiếng với ứng dụng vẽ có tên Whiteboard (tiền thân của Smartboard), phát triển rất nhanh trong thời kỳ đầu.
Ứng dụng Smartboard đã giúp Greengar lọt vào vòng chung kết cuộc thi PITCH SF Startup 2013. PITCH SF Startup là cuộc thi thường niên được tổ chức từ năm 2007 nhằm vinh danh các cá nhân, tổ chức có sản phẩm Startup xuất sắc trên toàn thế giới.
Như báo chí đã đưa tin, Whiteboard được hơn 9 triệu lượt tải chỉ trong 4 năm đầu, và được sử dụng bởi học sinh các trường tại hơn 100 nước khác nhau.
"Chúng tôi đã kiếm được hơn một triệu USD. Việc kinh doanh rất thành công. Nhưng chúng tôi lại không biết cách mở rộng quy mô”, Thủy cho biết.
Tuy nhiên, giới công nghệ đều thừa nhận, thành công lớn nhất của cô gái này là với việc thành lập và vận hành doanh nghiệp ứng dụng nhắn tin có tên Tappy, ứng dụng trên điện thoại để tìm kiếm và tương tác với những người xung quanh. Khoảng 10 tháng sau khi hoạt động, Tappy được Weeby – một công ty game di động tại Thung lũng Silicon mua lại, với “mức giá 7 con số”.
Trương Thanh Thủy cũng đã làm việc tại Weeby với vai trò Giám đốc Phát triển Kinh doanh khu vực châu Á.
Không đầu hàng
Trao đổi với các thanh niên trẻ đang làm việc ở Viettel tuần trước, Trương Thanh Thủy cho biết, trong khi hoạt động kinh doanh vẫn đang rất thuận lợi thì cô được biết mình mắc căn bệnh quái ác- ung thư phổi sau một buổi luyện Gym.
"Lúc đó tưởng người ta đùa em. Em vẫn tuần 4 ngày đi tập Gym mà. Nhưng họ nói là thực sự rất nghiêm trọng. Phổi em đã tràn đầy dịch rồi. Lúc đó em còn nghĩ, ờ phổi đầy dịch thì hút ra thôi. Nhưng họ nói, đó cũng là một việc nguy hiểm. Khi xác định mình thực sự ung thư rồi thì em mới nghĩ, mình có điều gì phải hối tiếc không ta? Hình như không, những gì em muốn làm, em đều đã làm hết rồi. Em không có gì phải tiếc nữa. Trời kêu ai nấy dạ thôi à", cô trả lời câu hỏi của một cán bộ Viettel.
Nhưng cả khi biết mình mắc căn bệnh nan y đó và đến nay, "nữ hoàng khởi nghiệp" Trương Thanh Thủy vẫn không ngừng làm việc, cống hiến.
"Nữ hoàng khởi nghiệp" không đầu hàng trước bệnh tật và thậm chí lập dự án mới giúp những bệnh nhân ung thư ở Việt Nam |
Thủy tiết lộ hiện vẫn đang làm quản lý dự án cho trường ĐH USC - Mỹ. "Em cũng đang thúc đẩy quá trình cho ra đời một ngành học mới - ngành ung thư. Tức là em muốn đào tạo ra những người cả bác sỹ, dược sỹ, điều dưỡng, tâm lý thậm chí là cả truyền thông nữa nhưng chỉ liên quan đến ung thư thôi", Thủy cho biết
Thủy nói thêm rằng, ý định của cô đã có sự nhất trí từ Ban lãnh đạo trường và vẫn đang phải thúc đẩy. Nhưng Thủy cũng rất quan tâm đến việc phòng, chống ung thư ở Việt Nam.
Cô gái này nói: "Ở Việt Nam mình, những người ung thư mới thực sự là thiếu thốn. Ngay cả em đây, khi em biết mình bị ung thư mà em cũng không biết phải tin vào thông tin nào, không có bất kỳ một tổ chức nào hướng dẫn, hỗ trợ cho mình".
"Em gặp vấn đề này, chắc chắn hàng trăm ngàn bệnh nhân ung thư ở VN cũng đang như vậy. Thế là em thành lập một tổ chức phi lợi nhuận có tên gọi Salt Cancer Innifiative - SCI - chuyên giúp đỡ các bệnh nhân ung thư", Thủy bày tỏ.
Thủy trong một lần giao lưu với các sinh viên tại Mỹ |
Thủy cho biết ở cô mong muốn lập dự án hỗ trợ phòng chống bệnh ung thư ở Việt Nam bằng cách cung cấp thông tin cho bệnh nhân, hỗ trợ tư vấn thông tin và dạy người bệnh tập yoga dành cho bệnh nhân ung thư.
"Cả những em bé bị ung thư nữa. Bọn em dạy cho các bé vẽ. Nghĩa là bọn em sẽ giúp họ mọi cách để có thể chung sống với căn bệnh này. Có nhiều người sẽ sống với căn bệnh này cả chục năm. Họ cần phải biết cách sống, sống vui vẻ và vẫn tận hưởng cuộc sống. Em cũng đang làm một phần mềm hỗ trợ bệnh nhân ung thư. Khi ấy mọi hoạt động thường nhật sẽ được cập nhật vào và phần mềm sẽ tính toán khoảng thời gian hợp lý cho các hoạt động trị liệu", cô chia sẻ kế hoạch còn ấp ủ của mình.
Thủy đặt niềm tin rất lớn cho kế hoạch đầy hào hứng của mình tại Việt Nam và tự tin rằng, mình vẫn "tiếp tục là nữ hoàng khởi nghiệp". Cô gái đầy nghị lực này cho biết SCI đã vận hành theo một quy trình tốt và cô sẽ tập trung vào việc xin tài trợ, vận động các doanh nghiệp trả lương hàng tháng cho các nhân viên của SCI để họ làm công việc thiện nguyện của mình.
"Không cái gì kể cả căn bệnh ung thư có thể đánh gục được em", cô khẳng định.
Tác giả: Hà Nguyễn
Nguồn tin: Báo Dân trí