Thế giới

Nữ bệnh nhân đầu tiên khỏi HIV nhờ phương pháp mới

Một phụ nữ Mỹ đã trở thành người thứ 3 trên thế giới được điều trị khỏi căn bệnh thế kỷ HIV. Cô được chẩn đoán khỏi bệnh sau khi được điều trị bằng phương pháp mới.

Theo bản tóm tắt từ Hội nghị về Retrovirus và Nhiễm trùng Cơ hội, người phụ nữ đang ở độ tuổi trung niên và thuộc nhóm người có nhiều chủng tộc. Cô được xác định nhiễm HIV vào tháng 6.2013. Thuốc kháng virus đã giữ cho tải lượng virus của bệnh nhân luôn ở mức thấp trong suốt thời gian dài. Đến tháng 3.2017, bệnh nhân tiếp tục được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy. Cô muốn được giữ kín danh tính vì các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư.

Một phụ nữ Mỹ đã khỏi HIV sau khi được điều trị bằng phương pháp mới (Ảnh: Reuters)


Để điều trị HIV cho bệnh nhân trên, các bác sĩ đã sử dụng phương pháp cấy ghép mới liên quan đến máu dây rốn. Tín hiệu tích cực sau quá trình điều trị đã mang đến hy vọng chưa khỏi HIV cho nhóm người thuộc các chủng tộc.

Trước khi được cấy ghép, người phụ nữ phải trải qua quá trình hoá trị. Sau đó, cô được cấy ghép tế bào gốc từ một thành viên trưởng thành trong gia đình để bổ sung lượng tế bào máu. Điều này đóng vai trò như cầu nối để duy trì các tế bào máu khi cô được cấy ghép tế bào gốc.

Máu từ dây rốn được cho là có đột biến giúp các tế bào kháng lại virus HIV. Sau hoá trị, các bác sĩ đã lựa chọn tế bào gốc thông qua máu dây rốn từ một trẻ sơ sinh không có quan hệ huyết thống với bệnh nhân. Chỉ hơn 3 năm sau khi ca cấy ghép diễn ra vào năm 2017, cô đã được ngưng dùng thuốc kháng virus HIV. Đồng thời, các bác sĩ đã nhận thấy virus HIV không còn tồn tại trong cơ thể cô.

Sau khi có dữ liệu đánh giá chính thức, người phụ nữ trên đã trở thành người thứ 3 trên thế giới được chữa khỏi HIV. Trước đó, chỉ có 2 bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị thành công và đều là nam giới. “Bệnh nhân Berlin” Timothy Ray Brown không còn bị nhiễm HIV trong suốt 12 năm cuối đời cho tới khi ông qua đời năm 2020 do ung thư. Năm 2019, một bệnh nhân khác là Adam Castillejo, được báo cáo là đã chữa khỏi HIV.

Cả 2 bệnh nhân này đều được cấy ghép tủy xương từ những người hiến tặng mang đột biến có khả năng ngăn chặn HIV. Đột biến hiếm có này chỉ được xác định có ở khoảng 20.000 người hiến tặng, hầu hết là người gốc Bắc Âu.

Tuy nhiên, phương pháp cấy ghép tuỷ xương để điều trị HIV không phải lựa chọn của đa số bệnh nhân vì có rất nhiều rủi ro và tác dụng phụ không mong muốn. “Bệnh nhân Berlin” đã suýt tử vong bởi biến chứng nặng nề. Tình trạng của Castillejo bớt nguy kịch hơn nhưng anh bị sút khoảng 30kg, mất thính giác và đối mặt với nhiều lần nhiễm trùng.

Ngược lại với nữ bệnh nhân, cô không gặp bất kỳ biến chứng nào sau ca phẫu thuật. Theo TS. Yvonne Bryson, Trưởng khoa Truyền nhiễm Nhi khoa tại Trường Y David Geffen Bryson, khoảng 50 người nhiễm HIV và ung thư máu mỗi năm có thể được hưởng lợi từ phương pháp này. Sở dĩ, con số có phần khiêm tốn so với số bệnh nhân hiện nay là vì các bác sĩ cho rằng, không phải ai cũng có đủ điều kiện thực hiện phương pháp cấy ghép mới.

Tương tự TS. Marshall Glesby, Phó trưởng Phòng Các bệnh Truyền nhiễm tại Weill Cornell Medicine, thành viên của nhóm nghiên cứu nhận định. “Đây không phải là phương pháp điều trị thích hợp cho những người không đủ điều kiện y tế để cấy ghép. Kiểu cấy ghép này có thể gây tử vong ở 20% số người được điều trị hoặc gây ra các vấn đề sức khỏe khác”.

Tác giả: ĐÌNH TOÁN

Nguồn tin: Báo Văn Hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP