Trong nước

NÓI THẲNG: VFF bán vé thôi mà cũng không xong!

Hàng trăm người đã kéo đến trụ sở của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) trên đường Lê Quang Đạo (Hà Nội) lúc gần trưa 28-11 để đòi mua cho được vé xem trận lượt về Việt Nam - Philippines, giải AFF Suzuki Cup 2018.

Bức xúc. La mắng. Quát tháo. Chửi tục. Họ phản đối cách bán vé của VFF và trong mấy tiếng đồng hồ đã biến khu vực trụ sở cơ quan này thành cái chợ. Theo các báo mô tả, vài người còn leo lên tầng 3 của trụ sở, mang theo cả đồ ăn, thức uống đòi "đóng đô" ở đó đến khi nào mua được vé mới thôi.

Để xảy ra cảnh phản cảm này hoàn toàn không hay và không nên chút nào. Nhưng trách người hâm mộ một thì phải trách VFF mười vì hồi 10 giờ sáng cùng ngày, VFF bắt đầu mở bán vé qua một số cổng trực tuyến, số lượng khoảng 25.000 vé. Chỉ 2-5 phút sau, toàn hệ thống tê liệt, báo "chờ thanh toán" hoặc "hết vé". Người mua đặt nghi vấn về sự minh bạch trong khâu phân phối vé của VFF vì 25.000 vé không thể "khớp lệnh" thanh toán quá nhanh như vậy, trong khi hỏi phe vé chợ đen thì kiểu gì cũng có, tất nhiên là giá được thổi lên nhiều lần.

Dù chiều 28-11, VFF lên tiếng phân trần rằng việc mua bán vé trực tuyến trục trặc là do có quá đông, đến hàng chục ngàn người truy cập hệ thống cùng lúc nên nghẽn mạng; đồng thời khẳng định vé vẫn còn, mới có 5.000 tấm đã được bán ra trong buổi sáng, sẽ bán cho đến khi hết mới thôi.

VFF nói vậy nhưng thực tế thì người hâm mộ vẫn không mua được vé hoặc rất chật vật. Hầu hết là người trẻ, khá rành công nghệ mà mua vé trực tuyến trần ai như thế thì người già hay người khuyết tật làm sao có cửa để vào sân xem đội nhà thi đấu!?

Bất luận vì lý do gì mà người hâm mộ không tiếp cận được vé xem bóng đá đều là lỗi của VFF. Hôm 10-11, VFF bán vé trực tiếp (Việt Nam - Malaysia, ở Mỹ Đình) mà cũng vỡ trận, bị người hâm mộ cáo buộc "phe chợ đen gom vé hết cả rồi" (!?); và đòi VFF phải thay đổi cách bán. Nay bán vé trực tuyến cũng không xong. Thế thì VFF không thể đổ lỗi cho yếu tố bất ngờ hoặc do nhu cầu lớn ngoài dự kiến được.

Chuyện bán vé nói lên nhiều điều. Đó là sự ù lì tồn đọng quá lâu trong não trạng những người lãnh đạo, điều hành VFF. Đã hàng chục năm làm bóng đá mà vẫn bán vé trực tuyến bằng phần mềm cổ lỗ sĩ và phương thức phân phối vé chẳng có gì sáng tạo, không theo kịp xu thế thì những chuyện xảy ra như vừa rồi là chẳng có gì lạ. Cung cách làm việc đó đi ngược lại niềm tin yêu của người hâm mộ dành cho bóng đá nước nhà, nhất là vào thời kỳ bóng đá nam khởi sắc thấy rõ qua các giải đấu trẻ cấp châu lục và khu vực từ năm ngoái đến nay.

Thể thao không chỉ đơn thuần là trò chơi mà là sợi dây kết nối sự đoàn kết, là tinh thần dân tộc, là động lực phát triển kinh tế - du lịch. Sức mạnh nội tại của một đất nước cũng có thể được hun đúc một phần không nhỏ từ thể thao, từ bóng đá. Thế bóng đá của nước nhà đang lên mà VFF không biết nắm bắt thời cơ, cụ thể là chinh phục trọn vẹn sự tin yêu của người hâm mộ, thì có lẽ phải tiến hành đại phẫu tổ chức này, bắt đầu từ Đại hội VFF lần thứ VIII vào ngày 8-12 tới.

Tác giả: A.Q

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: VFF bán vé , NÓI THẲNG

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP