Cộng đồng mạng

Dân mạng phẫn nộ vì “cò” vẫn có vé dù trang web mua vé của VFF bị “sập”

Chỉ trong vòng 10 phút sau khi mở bán vé qua trang web của VFF, toàn bộ số vé trận đấu bán kết giữa Việt Nam và Philippines đã gần như được bán hết, nhưng điều đáng nói là nhiều “cò vé” vẫn có thể sở hữu được những tấm vé này và nhanh chóng rao bán lại với giá cao hơn gấp nhiều lần.

Theo kế hoạch đúng 10 giờ sáng ngày 28/11, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) chính thức bán vé xem trận bán kết lượt về giữa Việt Nam và Philippines tại AFF Cup 2018 trên trang web của mình. Tuy nhiên tình trạng quá tải trang web đã nhanh chóng diễn ra khiến người hâm mộ bóng đá không thể truy cập được các trang web của VFF để đặt mua vé.

Nhiều người may mắn truy cập được vào trang bán vé trực tuyến của VFF thì gặp tình trạng không thể đặt hàng mua vé.

Chỉ sau ít phút được mở bán, các mệnh giá vé trên trang web của VFF đều được thông báo bán hết

Sau hơn 10 phút mở cửa bán vé trực tuyến, trang web của VFF đã dần ổn định và có thể truy cập được, nhưng lúc này khi người dùng thực hiện chức năng mua vé thì đều nhận được thông báo các mệnh giá vé đã được bán hết, đồng nghĩa với việc không còn vé để phân phối.

Việc VFF bán vé trận bán kết giữa Việt Nam và Philippines (diễn vào ngày 6/12) qua hình thức trực tuyến để giảm tình trạng “cò vé”, tuy nhiên thực tế đã cho thấy rằng tình trạng này không hề giảm. Không lâu sau khi VFF mở cửa bán vé trực tuyến, trên các trang mạng xã hội đã bắt đầu xuất hiện “cò vé” rao bán lại vé của trận đấu này với mức giá cao hơn gấp nhiều lần so với mức giá gốc. Đặc biệt số lượng vé mà các “cò” này sở hữu dường như là rất nhiều chứ không chỉ giới hạn ở một, hai tấm vé.

Nhiều cư dân mạng đã đặt ra câu hỏi tại sao việc truy cập và mua vé trên trang web của VFF gặp nhiều khó khăn như vậy mà những “cò vé” này lại có thể sở hữu được những tấm vé của trận đấu ngay sau khi được mở bán? Phải chăng những “cò vé” này có biện pháp gì đó để “lách luật” và sở hữu được những tấm vé xem trận đấu mà không cần phải mua thông qua trang web của VFF?

“Sáng dậy sớm, chuẩn bị máy tính, trình duyệt web cũng update mới nhất, bật mỗi trình duyệt web, tắt các thiết bị khác kết nối với wifi. Mạng cáp quang mình 80MB/s. Mà 10h01 phút vào đã sập?”, một cư dân mạng chia sẻ về hành trình “canh” vé từ VFF. “Không hiểu họ lấy đâu ra vé mà có thể rao bán sớm như vậy? Phải chăng họ hack vào hệ thống của VFF để mua được vé sớm?”, một cư dân mạng đặt câu hỏi.

“Và đến ngày ra sân các cô chú ‘phe vé’ dù không biết sử dụng máy tính vẫn cầm trên tay cả cọc vé và hét giá trên trời”, một cư dân mạng hài hước chia sẻ.

Một hình ảnh “chế” của dân mạng về tình trạng mua vé trực tuyến trên trang web của VFF (Ảnh: Troll bóng đá)

Nhiều cư dân mạng cũng kêu gọi nhất quyết không mua vé từ các “cò vé”. Nhiều người cho biết họ chấp nhận ở nhà xem truyền hình trực tiếp hoặc các địa điểm công cộng như quán cafe để theo dõi trận đấu cùng những người hâm mộ bóng đá khác, thay vì bỏ ra một số tiền lớn như vậy để làm giàu cho các “cò vé”.

“Nghe quảng cáo thì rất có vẻ chuyên nghiệp, mà lần nào vào cũng thấy thông báo hết vé, canh giờ để vào sớm cũng thấy hết vé... Không biết mọi người thế nào chứ mình thì nhất quyết không mua vé chợ đen. Thấy ở khu vực Đông Nam Á, vé xem AFF Cup không đắt, thậm chí ở Malaysia còn rẻ hơn mình, dân mình nghèo hơn dân người ta mà phải trả một cái giá chợ đen quá phi lý để được xem ĐTQG thi đấu”, một cư dân mạng nhận định.

“Một lần nữa lòng hâm mộ bóng đá của người Việt Nam lại bị lợi dụng. Quyết tâm không mua vé chợ đen. Không cần đến sân vẫn có thể cổ vũ các cầu thủ nước nhà mà”, một cư dân mạng khẳng định.

VFF đã tự tin về hệ thống của mình trước khi sự cố xảy ra

Một điều đáng nói là trước thời điểm mở cửa trang web bán vé trực tuyến, trả lời thắc mắc của người hâm mộ bóng đá Việt Nam về khả năng xảy ra tình trạng quá tải, đại diện của VFF đã cho biết hệ thống được vận hành bởi GMO Internet - Tập đoàn Internet hàng đầu của Nhật Bản nên hệ thống có thể đáp ứng được nhu cầu của người hâm mộ bóng đá, nhưng thực tế lại không phải như vậy

VFF đã từng tự tin về hệ thống bán vé trực tuyến của mình

Sau khi sự cố về trang web mua vé trực tuyến xảy ra, nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự phẫn nộ trực tiếp trên trang Facebook chính thức của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Không ít cư dân mạng còn hài hước so sánh rằng VFF là trang... thương mại điện từ hiệu quả nhất thế giới khi hàng chục ngàn vé được bán sạch chỉ sau ít phút, thậm chí còn hiệu quả hơn các trang thương mại điện tử lớn như Amazon hay Alibaba.

Tác giả: T.Thủy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP