Thế giới

Nơi nạn nhân bị cưỡng hiếp vẫn phải trải qua kiểm tra âm đạo

Theo một báo cáo mới, tại Ấn Độ, Nepal và Sri Lanka, nạn nhân thường phải trải qua việc bị kiểm tra phụ khoa bằng tay để xác định xem đã bị cưỡng hiếp hay không.

Báo cáo cho biết thêm bài kiểm tra này cũng thường được sử dụng để xác định nạn nhân đã từng quan hệ tình dục trước đó hay chưa. Đây được coi là bằng chứng để nghi ngờ về tính chính xác cáo buộc hiếp dâm của nạn nhân, theo Guardian.

Mặc dù không được khoa học công nhận, hay thậm chí còn bị cấm tại Ấn Độ, cách kiểm tra này vẫn phổ biến tại nhiều nơi trong khu vực Nam Á. Một số thẩm phán cũng công nhận cách kiểm tra này trong các phán quyết tại tòa.

Luật sư nhân quyền và là một trong các tác giả của bài báo cáo - Divya Srinivasan - cho rằng cách kiểm tra này đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

“Hành vi này không những vô nhân đạo mà còn hạ thấp nhân phẩm của các nạn nhân. Phương thức này không giúp ích gì cho quá trình điều tra mà giống như việc kiểm tra trinh tiết vậy”, Giám đốc điều hành của tổ chức Women for Human Rights của Nepal Sumeera Shrestha khẳng định.

Báo cáo là công trình của các nhóm hoạt động vì quyền phụ nữ Equality Now và Dignity Alliance International, được trích dẫn trên Guardian hôm 22/4.

Một cuộc biểu tình ở Dhaka, Bangladeesh để đòi công lý cho các nạn nhân bị hãm hiếp. Ảnh: Guardian.


Cách kiểm tra này còn liên quan đến định kiến về “danh dự” và niềm tin tại một số quốc gia rằng phụ nữ và trẻ em gái “phải trong trắng”.

Nạn nhân và gia đình phải đối mặt với áp lực và kỳ thị từ xã hội và sự đe dọa từ phía hung thủ. Những người đấu tranh cho phụ nữ cũng bị đe dọa. “Khi chúng tôi làm việc với các góa phụ bị chính các thành viên gia đình cưỡng hiếp, họ không dám công khai danh tính hung thủ vì (thủ phạm) đe dọa con cái của họ”, bà Sumeera Shrestha nói.

Tại Bangladesh, Bhutan, Maldives, Nepal và Sri Lanka, tòa án cho phép sử dụng bằng chứng nêu chi tiết lịch sử quan hệ tình dục của nạn nhân bị cưỡng hiếp.

“Bộ luật hình sự ở Sri Lanka và Bangladesh quy định trong các trường hợp hiếp dâm, nạn nhân có thể được coi là 'vô đạo đức' vì các mối quan hệ trong quá khứ", bà Srinivasan cho hay.

Tỷ lệ kết án vì tội hiếp dâm tại Bangladesh là 3%, trong khi ở các nước khác trong khu vực, con số này cũng rất thấp.

Nạn nhân phải đối mặt với sự chậm trễ của hệ thống tư pháp. Các vụ án có thể mất tới vài năm trước khi được đưa ra xét xử trong khi các quan chức thường nhận hối lộ từ phía hung thủ. Nhân viên cảnh sát từ chối đơn khiếu nại hoặc không điều tra các cáo buộc là chuyện thường xuyên xảy ra tại Bangladesh, Ấn Độ, Nepal và Sri Lanka.

Ở Bangladesh, Ấn Độ và Nepal, hơn 60% nạn nhân được phỏng vấn cho biết họ đang chịu áp lực thỏa hiệp. Báo cáo cũng nói rằng trong một số trường hợp, nạn nhân còn không nhận được khoản tiền bồi thường như đã hứa trong các cam kết tự thỏa thuận giữa nạn nhân và thủ phạm.

Nạn nhân của các cuộc bạo lực tình dục bị xã hội bài trừ, thậm chí còn phải đối mặt với những rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ công. Đây chính là hậu quả từ những định kiến về giới, sắc tộc hoặc tôn giáo.

Bản báo cáo đã nêu ra một số giải pháp cho vấn đề này. Giải pháp bao gồm việc các sĩ quan cảnh sát cần chịu trách nhiệm và đào tạo các quan chức tư pháp và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe trong các vụ hiếp dâm.

Các thẩm phán cần thực thi lệnh cấm đối với các bài kiểm tra trinh tiết bằng tay. Ở các quốc gia đã thực thi lệnh cấm, cần đảm bảo các bác sĩ tuân thủ nghiêm ngặt quy định này. Tòa án cần ngừng công nhận bằng chứng từ các bài kiểm tra.

Tác giả: Linh Nguyễn

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP