Thế giới

Nỗi ám ảnh của những cô dâu 'mất trinh' trước ngày cưới

Phụ nữ trẻ tuổi Hồi giáo đang bỏ ra hàng ngàn đô-la để khôi phục lại “trinh tiết” của mình trước những đe dọa mang tính sống còn.

Ở Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia châu Á khác, quan niệm về trinh tiết vốn được coi trọng. Khi phụ nữ quan hệ ngoài giá thú, họ được coi là không còn trinh trắng cho người chồng trong đêm tân hôn, và thường gặp phải thái độ coi thường, dè bỉu và thậm chí là chối bỏ từ gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, ở nhiều nền văn hóa khác, áp lực về trinh tiết còn lớn hơn rất nhiều. Nhiều phụ nữ đã tìm đến các cơ sở y tế để thực hiện thủ pháp “vá màng trinh” sau khi đã quan hệ trước hôn nhân. Ghi nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy độ phổ biến ngày càng tăng và những góc khuất trong “ngành công nghiệp” trinh tiết này.

Ở nhiều quốc gia châu Á và Ảrập, trinh tiết là khái niệm rất được coi trọng. Ảnh: ice News

Amsterdam, Hà Lan

“Tôi thấy những người phụ nữ này thật tội nghiệp. Họ phải chịu áp lực rất lớn từ những người đàn ông trong gia đình họ, và họ sợ bị chối bỏ - hay tệ hơn là trở thành nạn nhân của bạo lực thân thể nặng nề và thậm chí là bị giết hại”, bác sĩ Walter, người từng thực hiện nhiều cuộc tiểu phẫu “vá trinh” cho phụ nữ cho biết.

Trong nhiều năm, bác sĩ thẩm mĩ này đã liên tục nhận các bệnh nhân có nhu cầu tái tạo màng trinh. Họ thường là những phụ nữ Hồi giáo trẻ. Trinh tiết là một khái niệm rất quan trọng trong tôn giáo này. Kinh Quran nghiêm cấm quan hệ tình dục ngoài hôn nhân ở phân đoạn Surah 17.

Theo bác sĩ Walter, xét về mặt y học, thủ pháp này là không hề cần thiết. Màng trinh là một lớp màng mỏng bao bọc một phần của cửa âm đạo. Quan niệm phổ biến về màng trinh ở các quốc gia Á Đông hay Ảrập thường sai lệch với khoa học. Theo truyền thống ở các quốc gia này, người phụ nữ phải chảy máu từ âm đạo trong đêm tân hôn thì mới chứng tỏ họ còn trinh trắng, vì màng trinh sẽ rách ra trong “lần đầu làm chuyện ấy”.

Tuy nhiên, thực tế là màng trinh của nhiều phụ nữ không hề rách sau khi quan hệ, trong khi có những phụ nữ có thể bị rách màng trinh khi thực hiện các hoạt động thể chất mạnh như đạp xe hay cưỡi ngựa, mà không cần phải quan hệ tình dục. Nhiều phụ nữ thậm chí khi sinh ra đã không có màng trinh.

Dù vậy, các gia đình truyền thống thì luôn trông đợi phải có máu trên tấm ga giường trong đêm tân hôn. Rất nhiều bệnh nhân đến phòng mạch của bác sĩ Walter cùng bạn trai của mình. Họ thường là những cặp đôi sắp cưới, nhưng đã quan hệ tình dục từ trước. Điều này đồng nghĩa với việc áp lực hoàn toàn chỉ từ phía gia đình. Bác sĩ Walter đôi khi tự hỏi sao họ không dùng kim chọc vào ngón tay để có một chút máu. “Chắc vì một lí do nào đó, họ muốn làm mọi thứ một cách ‘đúng’ nhất”, bà nói.

Thủ pháp “vá” màng trinh này khá đơn giản, có thể được thực hiện chỉ trong khoảng nửa tiếng đồng hồ và bệnh nhân không cần phải nhập viện. Nếu có thể, phần còn lại của màng trinh thật sẽ được tận dụng. Các bác sĩ sẽ kéo các tế bào này lại với nhau để đóng lại vết rách. Nếu phần còn lại không đủ, họ sẽ cắt vào từ ngoài âm đạo và dùng chỉ khâu lại.

Các tế bào sẽ tái tạo khá nhanh và một vài mạch máu còn lại có thể sẽ gây hiện tượng chảy máu khi quan hệ. Một phương án nữa là đưa vào một lớp màng nhân tạo làm từ chất liệu sinh học. Khi quan hệ, chất liệu này sẽ rách và có thể gây ra chảy máu như màng trinh thật. Nhưng điều này không được đảm bảo, không phải màng trinh của phụ nữ nào, dù thật hay giả, sẽ gây chảy máu.

Các bác sĩ khi được yêu cầu thực hiện thủ pháp này thường phải đối mặt với một nghịch cảnh: Một mặt, họ không muốn gia cố quan niệm truyền thống sai lệch về trinh tiết. Nhưng ngược lại, họ biết bệnh nhân của họ sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng thế nào nếu họ từ chối.

Khái niệm rằng dương vật của đàn ông phải xuyên qua lớp màng trinh để vào được âm đạo đại diện cho quan niệm gia trưởng truyền thống về quan hệ tình dục. Tuy nhiên, khái niệm này là hoàn toàn sai lệch. Theo một khảo sát năm 2013, khoảng 50% phụ nữ không chảy máu trong lần đầu của mình.

Hơn nữa, với những người như bác sĩ Walter, việc đồng ý thực hiện thủ pháp vá trinh đồng nghĩa với việc đặt mình vào nguy hiểm. Bà đã từng bị gia đình của các bệnh nhân dọa giết, thường là từ một người anh trai hay anh họ giận dữ muốn biết bà đã làm gì với em gái mình.

Áp lực đặt lên vai những phụ nữ trẻ cũng rất nặng nề. “Các cô gái liên hệ với chúng tôi qua rất nhiều số điện thoại bí mật”, bà Walter nói. “Họ dùng những cách gián tiếp để tiếp cận chúng tôi”. Nhiều phụ nữ tìm đến các diễn đàn Y tế để tìm các dịch vụ. Các bác sĩ cũng có thể liên lạc với họ một cách ẩn danh qua các diễn đàn này.

Theo bác sĩ Walter, có nhiều rủi ro trong việc này. Các cô gái trẻ có thể tìm đến những bác sĩ trả giá đến vài ngàn đô-la và không thèm thuyết phục họ rằng có những phương án khác. Tệ hơn là sẽ có những bác sĩ không hề có kinh nghiệm hay được đào tạo về thủ pháp này nhưng vẫn đồng ý thực hiện để lấy tiền.

Theo một nghiên cứu của Bộ Y tế Hà Lan về những phụ nữ tìm đến thủ pháp vá trinh, 12% phụ nữ nói rằng họ sợ việc có thể bị xử tử vì danh dự, và 6% nói rằng họ đã cố tự tử khi không còn trinh trắng nữa.

Kuala Lumpur, Malaysia

Câu chuyện tương tự được ghi nhận ở một bệnh viện tư nổi tiếng ở Kuala Lumpur, thủ đô quốc gia Hồi giáo Malaysia. “Các cô gái không đến đây một mình. Họ thường đến cùng bạn trai – họ đã quan hệ tình dục trước hôn nhân”, một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ cho biết.

Vì nhiều lí do văn hóa và tôn giáo, họ bắt buộc phải là gái còn trinh khi kết hôn. “Với họ, có một màn trinh nguyên vẹn không chỉ là một giá trị hôn nhân lớn, mà chính mạng sống của họ phụ thuộc vào nó”, bác sĩ này cho biết.

Trong nhiều thập kỉ qua, nền văn minh nhân loại đã ghi nhận những bước tiến vượt bậc. Chúng ta đã đưa người lên mặt trăng, cấy ghép nội tạng và tạo ra sự sống trong những ống nghiệm.

Thế nhưng, điều đó chẳng thể làm thay đổi những vụ việc được ghi nhận khi phụ nữ ở nhiều nước châu Phi hay Trung Đông bị giết hại hay tra tấn dã man bởi chính những thành viên trong gia đình, nếu họ bị phát hiện không còn trinh tiết trong đêm tân hôn.

Tấm ga giường dính máu là bằng chứng cho trinh tiết


Ít nhất, rất nhiều cuộc hôn nhân đã bị hủy bỏ khi tân nương không thể trình diện một tấm ga dính máu cho gia đình nhà chồng. Đó chính là lí do các cô gái Hồi giáo đổ xô đến các bệnh viện hay cơ sở y tế để vá lại màng trinh.

“Tôi đã phạm sai lầm và quan hệ một lần với bạn trai cũ. Tôi không muốn chồng tương lai của mình nghĩ tôi là một người không ra gì chỉ vì một đêm lầm lỡ”, một sinh viên quản trị kinh doanh đồng ý phát biểu khi được che giấu danh tính. Cô bỏ ra 2500 R.M (khoảng 600 đô-la Mỹ) để thực hiện thủ pháp này – số tiền cô tiết kiệm được từ việc dạy thêm.

Paris, Pháp

Ở Pháp, dù chính thức không được khuyến khích, nhu cầu cho những ca tiểu phẫu này ngày một tăng cao. Bệnh nhân thường là du học sinh, hoặc thậm chí là người địa phương đến từ các gia đình gốc Hồi giáo.

Ở một cơ sở y tế được ghi nhận ở Paris, thủ pháp vá trinh có giá khoảng 2.000 Euro. Những bệnh nhân đến đây hầu hết là người châu Á hoặc Ảrập, những người có thể sẽ bị khai trừ khỏi cộng đồng hoặc thậm chí là giết hại vì đã vi phạm một điều cấm kỵ tuyệt đối: quan hệ tình dục trước hôn nhân.

Áp lực từ xã hội lớn đến nỗi nhiều phụ nữ đã tự lấy đi mạng sống của mình.

Sonia, một cô gái trẻ đang học ở một đại học nghệ thuật ở Paris, yêu cầu được giữ kín danh tính. Dù được sinh ra ở Pháp, văn hóa và truyền thống Ảrập vẫn đóng vai trò rất lớn trong cuộc đời cô. “Tôi đã nghĩ đến việc tự tử sau khi quan hệ tình dục lần đầu tiên”, Sonia nói, “vì tôi không thấy có lối thoát nào khác.” Nhưng cuối cùng cô đã tìm ra giải pháp.

Sonia đã tìm đến cách tự tử sau khi quan hệ tình dục lần đầu tiên. Ảnh: BBC

Cô đến phòng mạch của bác sĩ Marc Abecassis ở Paris để thực hiện phẫu thuật vá màng trinh. Cô cho biết sẽ không bao giờ nói bí mật này cho bất cứ ai, nhất là chồng tương lai của mình. “Đây là đời sống tình dục của tôi và tôi sẽ không nói cho ai cả”, Sonia nói. Theo cô, chính những người đàn ông là những người ép cô phải nói dối.

Bác sĩ Abecassis cho biết, ông thực hiện thủ pháp vá màng trinh khoảng 2-3 lần một tuần. Bệnh nhân có độ tuổi trung bình khoảng 25, và có nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Dù thủ thuật này được thực hiện ở khắp nơi trên thế giới, bác sĩ Abecassis là một trong số ít bác sĩ người Ảrập trao đổi cởi mở về vấn đề này. “Những người phụ nữ có thể đang gặp nguy hiểm vì đôi khi nó là vấn đề truyền thống và gia đình”, ông nói, “tôi nghĩ bác sĩ không có quyền quyết định hộ họ hay đánh giá họ”.

Giờ đây còn có các lựa chọn trên thị trường mà không cần đến phẫu thuật, với các nhà sản xuất Trung Quốc đang đi đầu. Một trang web rao bán màng trinh giả chỉ với giá 23 Euro. Màng trinh đến từ Trung Quốc này được làm từ nhựa dẻo và chứa máu giả. Khi được đưa vào âm đạo, phụ nữ có thể gây ra hiệu ứng như khi màng trinh bị rách, công ty sản xuất cho biết.

Với Nada, 40 tuổi, một phụ nữ lớn lên ở ngoại ô Lebanon, đây không phải là một phương án. Khi còn là một thiếu nữ, cô đã yêu và mất đi trinh tiết của mình. “Tôi sợ gia đình mình sẽ phát hiện ra, đặc biệt là khi họ không đồng ý với mối quan hệ của tôi”, Nada nói. “Tôi rất sợ họ sẽ giết tôi”.

Sau 7 năm trong mối quan hệ, gia đình bạn trai cô muốn anh ta lấy một người khác. Nada đã cố tự tử. “Tôi mua một lọ Panadol và một lọ hóa chất tẩy rửa”, cô kể. “Tôi uống chúng và nghĩ, ‘Thế là hết’”.

Damascus, Syria

Không phải chỉ có thế hệ đi trước mới có quan niệm truyền thống về tình dục trước hôn nhân. Anh Noor, một doanh nhân trẻ làm việc ở Damascus là đại diện cho thế hệ đàn ông trẻ tuổi không theo tôn giáo ở Syria. Và dù anh Noor ủng hộ bình đẳng giới, anh cho biết sẽ từ chối kết hôn với một cô gái nếu phát hiện ra họ đã thực hiện vá màng trinh.

“Tôi biết nhiều phụ nữ đã thực hiện thủ pháp này và bị chồng phát hiện trong đêm tân hôn. Ngay cả nếu xã hội chấp nhận việc này, tôi vẫn sẽ từ chối kết hôn với một cô gái như vậy”, anh Noor cho biết.

Các mục sư Hồi giáo thì khẳng định trinh tiết không phải là một vấn đề tôn giáo. “Nên nhớ rằng khi người ta chờ để nhìn thấy máu của một cô gái còn trinh trên ga giường, đây đều là các truyền thống văn hóa”, mục sư người Syria, Sheikh Mohamad Habash cho biết. “Việc này không liên quan đến luật Sharia”.

Trên thực tế, các cộng đồng người Thiên Chúa giáo ở Trung Đông cũng giữ quan điểm vững chắc về việc phụ nữ phải còn trinh khi kết hôn.

Theo Sana Al Khayat, một nhà xã hội học người Ảrập, vấn đề này liên quan đến khái niệm “kiểm soát” phụ nữ. Nếu còn trinh trắng, cô ta sẽ không thể so sánh được chồng mình với bất kì người đàn ông nào khác. Còn khi cô ta đã quan hệ với người khác, cô ta sẽ có kinh nghiệm. Việc có kinh nghiệm sẽ khiến phụ nữ có quyền lực và sức mạnh hơn. Và đàn ông thì không muốn điều đó.

Giữa thế kỉ 21, quan niệm về trinh tiết trong văn hóa Ảrập và Á Đông vẫn là một vấn đề sống chết, đặc biệt là với những phụ nữ như Sonia và Nada.

Và trong khi y học có thể vá được màng trinh một cách nhanh chóng, nó không thể nối được khoảng cách giữa những quan niệm truyền thống đã hằn sâu trong nhiều thế kỉ và thái độ của xã hội hiện đại ngày nay.

Tác giả: Linh Nguyễn

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP