Xe

Những thiết kế cực kỳ quan trọng trên ô tô ít người lái biết

Trên những chiếc ô tô con, có những chi tiết thiết kế rất quan trong, đặc biệt hữu ích khi xe gặp nạn hoặc sự cố, nhưng đa phần chủ xe lại không biết công dụng và cách sử dụng nó.

Lịch sử ô tô đã tồn tại hơn trăm năm và sự “tiến hóa” đã tạo nên những chiếc xe ngày càng hiện đại, thậm chí công nghệ còn tiến tới “tự hành”, tài xế chả cần phải làm gì ngoài việc chọn lộ trình cần đến. Có thể sự hiện đại trong tương lai càng khiến chủ xe chẳng cần phải quan tâm tìm hiểu ô tô có những chi tiết và công dụng ra làm sao. Nhưng trên nhiều mẫu xe hiện tại, có những cụm chi tiết đã tồn tại từ rất lâu mà nhiều người chưa chắc đã biết công dụng.

Cùng Xe VietNamNet điểm danh những cụm chi tiết dưới đây ít được đề cập đến trong cuốn hướng dẫn sử dụng.

Cửa sổ “chết”, chi tiết chẳng bao giờ sử dụng

Cửa sổ “chết” là cách gọi nôm na chỉ về ô kính ở cột C trên các dòng ô tô du lịch, kể cả một số loại xe tải. Sự xuất hiện của ô kính này thường khiến chúng ta lầm tưởng rằng ở cửa sổ hàng ghế thứ 2 có đến 2 ô cửa sổ, trong đó ô sát đuôi cố định và chẳng bao giờ hạ xuống được.

Cửa sổ "chết" trên mẫu Ford Model T 1925

Thực tế sự ra đời của ô cửa sổ “chết” cũng gần như đồng thời với sự có mặt của kính cửa sổ ô tô. Điển hình như mẫu Ford Model T ra đời năm 1908 với thiết kế ban đầu giống như một cỗ xe ngựa không mui gắn động cơ, nhưng đến năm 1925, thiết kế mới cho thấy độ kín của khoang bên trong được cải thiện nhờ có thêm kính cửa sổ. Bên cạnh kính cửa sổ có thể nâng hạ xuống bằng tay, một ô cửa sổ thứ hai nhỏ hơn gắn cố định với mái và thân xe.

Bước sang thập niên 50 và 60 của thế kỷ trước, xu hướng thiết kế ô tô xuất hiện nhiều đường cong hơn so với kiểu hộp. Từ đó, cụm cửa sổ hàng ghế thứ hai cũng bị biến đổi với nhiều kiểu dáng.

Cửa sổ kính có cơ cấu di chuyển tịnh tiến trên hai đường ray song song nên sẽ khó thiết kế cả mảng ở cửa hàng ghế thứ hai

Cửa kính ôtô lên xuống nhờ chuyển động tịnh tiến trên hai đường ray song song ẩn trong cửa xe, do đó khi áp dụng vào hàng ghế sau, sẽ có một phần diện tích do thiết kế không đủ để chứa hết kính xe. Đó cũng là lý do xuất hiện thêm một cửa sổ nhỏ gần cột C, chia cửa sổ hàng ghế sau thành hai phần tách biệt.

Vị trí cửa sổ chết trên mẫu Toyota Camry 2019

Ngoài việc tăng góc quan sát ra bên ngoài cũng nhưng làm đẹp thiết kế đuôi xe, cụm “cửa sổ chết” này gần như còn tác dụng nào khác. Thế nhưng trong trường hợp phải phá cửa kính xe (cứu người kẹt bên trong), chúng ta cũng không nên phá cửa kính “chết” vì chi phí thay thế nó đắt hơn cửa kính điện dù kích thước của nó nhỏ.

Cửa thoát hiểm cuối cùng trên ô tô

Trên các dòng xe con (du lịch) thường có một cụm chi tiết mà chỉ có thể quan sát được ở bên trong và ít khi sử dụng. Nó được gọi là lẫy cửa thoát hiểm cuối cùng. Thực tế đây là một loại nắp tháo mở được bằng tay, giúp người bên trong ô tô có thể tác động được vào cơ cấu khóa cửa cốp sau. Nhờ đó mà dù bị kẹt trong xe, chỉ cần dùng ngón tay mở nắp và ấn vào chốt là có thể thoát ra ngoài.

Nắp đậy chốt cửa sau chỉ có thể quan sát được từ bên trong xe

Cụm chi tiết này thực sự hữu ích ở trên các dòng SUV hoặc hatchback, trong trường hợp xe rơi xuống nước và kẹt hai cửa chính, người bên trong có thể thoát ra cửa sau qua cách mở nắp đậy chốt cửa đặc biệt này.

Sau khi mở nắp đậy, có thể dùng tay gạt chốt để mở cửa sau từ bên trong xe

Tại Mỹ, chi tiết cửa thoát hiểm cuối cùng này được yêu cầu bắt buộc phải có trên các loại xe du lịch. Lý do chính quyền Mỹ đưa vào luật bắt buộc nhằm tăng thêm cửa thoát hiểm cho người dân, đồng thời ngăn chặn nguy cơ bắt cóc hoặc bị nhốt kẹt trong xe.

Nắp nhỏ trước mũi xe

Phía mũi ô tô nếu quan sát kỹ sẽ thấy một chi tiết nắp ốp nhỏ có hình dạng tròn, vuông hoặc đa giác tùy theo thiết kế của hãng xe. Đây chính là nắp nhựa để che đi móc kéo cáp cứu hộ ẩn bên trong.

Khác với nắp của chi tiết rửa đèn tự động, cụm nắp che móc kéo cáp thường ở ngay bên dưới cụm tản nhiệt, bên trái hoặc phải vì vị trí này phù hợp với chiều cao khung gầm xe.

Vị trí nắp che móc kéo cáp xe trên Mazda CX-5

Khi xe bị chết máy, tài xế có thể lật nắp này ra sẽ tìm thấy móc để móc cáp vào xe khác để kéo đi trong trường hợp không có xe nâng cứu hộ giao thông.

Nút mở khóa cần số xe số tự động

Trong tình huống nguy hiểm cần di chuyển ô tô mà không có chìa khóa, ở xe số sàn chỉ việc đẩy cần số về “mo” (nếu tài xế cài số để khóa bánh), thì ở xe số tự động (cần số ở vị trí P) cần phải chuyển về N. Tuy nhiên, để an toàn thì cần xe số tự động có cơ cấu khóa, chỉ có thể di chuyển được nếu xe nổ máy.

Chính vì vậy, thiết kế trên bệ cần số xe số tự động thường có thêm một khe mở khóa bí mật, gọi là nút Shift Lock.

Nắp nhỏ trên bệ cần số ẩn chứa nút Shift Lock

Trên một số xe, nút Shift Lock được làm nhô cao, tài xế ấn giữ vào đó để di chuyển cần số. Nhưng nhiều hãng xe làm nó ẩn đi vừa mang tính thẩm mỹ và cũng để tránh trẻ nhỏ tò mò. Lúc này để ấn được Shift Lock, cần lấy móng tay hoặc vật cứng gỡ nắp đậy ra và và gạt lẫy nhỏ bên trong rồi mới di chuyển được cần số.

Bí mật ở ký hiệu bình xăng trên đồng hồ

Không phải chiếc ô tô nào cũng có vị trí bình xăng bên người lái mà tùy theo thiết kế của nhà sản xuất. Vì vậy nhiều tài xế mới sử dụng chiếc ô tô lần đầu dễ bị nhầm vị trí khi đưa xe vào nơi đổ xăng. Có một cách hết sức đơn giản để nhận biết được vị trí nắp bình xăng mà không cần phải bước ra ngoài.

Bên cạnh biểu tượng bình xăng trên bảng đồng hồ là một hình vẽ tam giác ẩn chứa thông điệp "chỉ điểm" vị trí nắp bình nhiên liệu

Nếu quan sát kỹ ký hiệu bình xăng trên bảng đồng hồ, chúng ta sẽ nhận ra một hình vẽ tam giác nhỏ bên cạnh. Tam giác chỉ về phía bên nào, thì bên đó chính là nơi đặt nắp bình xăng. Nếu hiểu ám hiệu này, tài xế không cần phải lo lắng khi lái xe lạ mà vẫn nắm được quy tắc thiết kế nơi đặt nắp bình nhiên liệu.

Tác giả: Đình Quý

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP