Có lẽ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 (diễn ra vào ngày 11/2 vừa qua tại Văn Miếu Quốc Tử Giám) sẽ rất thành công nếu không xảy ra những nhầm lẫn tai hại theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” trong phần chú thích ảnh các nhà thơ lớn của Việt Nam.
Trước khi Ngày thơ Việt Nam diễn ra, hội Nhà văn đã rất hào hứng cho biết, sự kiện năm nay sẽ có nhiều thay đổi, trong đó lần đầu tiên xuất hiện Con đường thi nhân nhằm tôn vinh các tác giả, tác phẩm thi ca nổi bật của nước nhà.
Xem thêm: >>
Thế rồi con đường mong đợi đó cũng xuất hiện và nó khiến người xem nhanh chóng thất vọng. Thơ và phần chú thích ban tổ chức ghi là Hàn Mặc Tử nhưng lại in ảnh nhà thơ Yến Lan. Thơ và phần chú thích ban tổ chức ghi là Nguyễn Khuyến nhưng lại in ảnh Phan Thanh Giản – một đại thần của vương triều Nguyễn.
Thế rồi thơ của đại thi hào Nguyễn Du cũng bị trích dẫn sai (Câu thơ bị trích sai là: Đời (câu đúng phải là Trời) còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời). Thật là con đường tai hại!
Chưa hết, triển lãm ảnh “60 năm Hội Nhà văn Việt Nam đồng hành, sáng tạo cùng đất nước” do bảo tàng của hội Nhà văn thực hiện trong 2017 tại Văn Miếu cũng có nhiều chi tiết cẩu thả như: chú thích sai chính tả, chú thích không rõ ràng, sai nhân vật …
Ngay như chú thích ảnh nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch hội Nhà văn cũng được điền bổ sung bằng bút dạ. Tất cả những sự cố đáng tiếc nêu trên đã vô tình che lấp đi những cố gắng và thành công mà Ngày thơ năm nay đã đạt được.
Tấm pano chú thích ảnh một đằng, thông tin một nẻo |
Và dẫu rằng nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam đã lên tiếng thừa nhận những sai sót nhưng nhiều người vẫn không thể hài lòng với cách đổ lỗi cho những nhầm lẫn trên là do các tấm pano ghi thông tin nhà thơ (ở Con đường thi nhân) được làm vào ban đêm và kinh phí thiếu thốn. Thậm chí nhiều người còn cho rằng đây là hành vi thiếu tôn trọng tiền nhân ngay trước miếu đường của giới văn chương.
Ngẫm ra lời phê phán nặng nề kia có phần thái quá nhưng rõ ràng, với một hội quy tụ toàn dân chữ nghĩa mà để xảy ra tình trạng ghi sai chính tả, chú thích sai tên nhà thơ thì đáng trách lắm thay! Và cho dù hội Nhà văn có đổ lỗi cho tối giời, cho kinh phí ít, cho người tổ chức không phải dân văn chương … thì vết ố cũng đã loang lổ trong cộng đồng dư luận.
Nó làm người ta liên tưởng tới người nông dân mà không biết cấy cày; người thợ mộc mà không biết đục, trạm; người đi buôn mà không biết tính toán vậy. Dù sai lầm có thể đến bất cứ lúc nào và xảy ra với bất kì ai nhưng có những sai lầm khó nhận được sự cảm thông.
Chính vì thế mà những thành quả mà Ngày thơ năm nay đạt được đều ít được chú ý. Dù số lượng người tham gia đông đảo, cách bài trí khung cảnh và các sự kiện được đánh giá cao nhưng dư luận bao giờ cũng thế, họ chỉ chú tâm vào chấm mực đen trên tờ giấy trắng mà thôi.
Tất nhiên những lỗi sai này có thể bắt nguồn từ sự tắc trách, thiếu kiểm soát của ban tổ chức, cũng có thể bắt nguồn do khối lượng công việc nhiều mà người ta “sơ ý” … nhưng giữa miếu đường của giới văn nhân ngàn đời, lỗi lầm này có nên coi là hi hữu?
Thiết nghĩ, người viết văn bao giờ cũng đặt yếu tố câu chữ lên hàng đầu. Và thực tế nhiều nhà văn đã viết đi viết lại tác phẩm của mình tới hàng chục lần sao cho thật ưng ý. Họ không cầu nhanh, không cầu nhiều mà cầu sự hoàn hảo.
Giá mà sự kiện văn chương trên cũng được thực hiện theo tinh thần đó thì thật tốt biết bao! Chỉ tiếc rằng trong cuộc sống xô bồ này, văn chương có vẻ đang mất dần mục đích tối thượng đó và hàng loạt sự cố tại sự kiện lần này giống như một lời cảnh báo.
Phạm Văn