Theo chân ông Lê Quang Hồ, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hương Sơn, chúng tôi được “mục sở thị” các mô hình sản xuất mới, trong đó có mô hình HTX chăn nuôi lợn nái liên kết Đá Bạc tại xã Sơn Long. Đây là mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại liên kết đứng đầu của huyện Hương Sơn với quy mô 450 con lợn nái ngoại, bình quân mỗi năm HTX thu về trên 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương, với thu nhập 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại của HTX chăn nuôi lợn nái liên kết Đá Bạc.
Sau hơn 5 năm xây dựng NTM, Hương Sơn đã phát triển trên 1.749 mô hình sản xuất kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, trong đó có 82 mô hình lớn, doanh thu trên 1 tỷ đồng; 122 mô hình cho doanh thu từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng và 1.545 mô hình nhỏ có doanh thu từ 100 – 500 triệu đồng. Trong tổng số mô hình đó có 1.554 mô hình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực.
Là một trong những cây ăn quả chủ lực của huyện, cam bù Hương Sơn đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Cam bù được trồng tập trung ở các xã Sơn Mai, Sơn Trường, Sơn Thủy, Sơn Phúc, … Cam bù Hương Sơn rất được ưa chuộng trên thị trường bởi màu sắc đẹp, nhiều nước, ngọt, lại cho thu hoạch vào đúng dịp Tết Nguyên đán nên cho giá trị kinh tế cao. Những năm qua, nhiều hộ gia đình ở Hương Sơn đã mạnh dạn chọn cây cam làm cây trồng chủ lực. Bình quân một hécta cam bù thu về lợi nhuận 80-95 triệu đồng/năm.
Nhờ chính sách kích cầu của huyện, tỉnh, anh Bạch Văn Lim, thôn Kim Thành, xã Sơn Tây xây dựng chuồng trại chăn nuôi hươu tập trung với quy mô gần 100 con. Cuối năm 2015, đàn hươu thu trên 100kg nhung. Ngoài nuôi hươu, anh Lim còn tập trung nuôi bò, lợn rừng và đà điểu. Từ các sản phẩm đó, bình quân mỗi năm trang trại anh cho thu doanh thu trên 1,2 tỷ đồng..
Nghề nuôi hươu đang phát triển mạnh ở Hương Sơn.
Ông Nguyễn Quang Thọ, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: Xác định tiềm năng, lợi thế của cây cam bù trong phát triển kinh tế,xóa đói giảm nghèo bền vững, huyện đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển cây cam bù”, năm 2015, phát triển diện tích trồng cây cam bù khoảng gần 1.000ha. Huyện cũng khuyến khích đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, xây dựng các trang trại trồng cam bù có quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu trong nước và vươn ra thị trường thế giới.
Cùng với cây cam bù, chăn nuôi hươu ở Hương Sơn cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây được xem là hướng đi chủ lực trong phát triển kinh tế, đến nay, toàn huyện có trên 8.000 hộ chăn nuôi hươu, tổng đàn hươu trên toàn huyện gần 39.000 con, năm nay sản lượng nhung đạt khoảng 13 tấn, tương đương 130 tỷ đồng.
Xác định chăn nuôi hươu là ngành chăn nuôi chủ lực nên ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện cũng hỗ trợ thêm để tạo động lực cho người nuôi mạnh dạn đầu tư. Đến nay, toàn huyện có 6 cơ sở chăn nuôi hươu từ 50-70 con, 448 cơ sở chăn nuôi hươu từ 10-30 con, đặc biệt có một mô hình 100 con đã đăng ký và đang tiến hành thả giống, cho vay vốn lãi suất ưu đãi, hỗ trợ trồng cỏ từ đó sản lượng các hàng hóa nông nghiệp chủ lực như: cam bù, nhung hươu, lợn, bò… ngày càng tăng.
Bên cạnh phát triển sản phẩm hàng hóa chủ lực, có thương hiệu, Hương Sơn đang chú trọng đầu tư vào các mô hình sản xuất trang trại có liên kết, hỗ trợ như mô hình chăn nuôi lợn tập trung, liên kết với Tập đoàn chăn nuôi CP Việt Nam, trồng chè, cây công nghiệp, …
Ngô Thắng