Phong Thuỷ

Những loại hoa nên và không nên cắm trên ban thờ ngày Tết

Không phải ai cũng biết rõ loại hoa nào mang đến may mắn, loại hoa nào không nên dâng cúng trên ban thờ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn điều đó.

Bên cạnh mâm cơm truyền thống, bát hương, chén nước cúng, ngũ quả,… trên ban thờ của gia đình lúc nào cũng cần phải có một bình hoa đẹp để dâng kính. Hoa thể hiện lòng thành, sự trân trọng gia tiên, cầu mong mọi điều bình an tốt lành đến với gia đình. Chính vì những ý nghĩa đó, người Việt luôn chọn hoa tươi để thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên, không phải ai trong chúng ta cũng biết rõ loại hoa nào mang đến may mắn, loại hoa nào lại kiêng kị không nên sử dụng.

Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn nắm rõ hơn về các loại hoa nên và không nên dâng cúng trên ban thờ của gia đình trong những ngày đầu năm mới.

I. Những loại hoa nên chọn
1. Hoa cúc vàng
Ngày Tết, người ta thường mua những chậu hoa cúc vàng để trang trí phòng khách, cửa ra vào nhờ vẻ đẹp rực rỡ của chúng. Hoa cúc vàng là biểu tượng của phúc lộc, sự sống, giúp ổn định phúc khí trong nhà. Vì vậy, đây cũng là loại hoa thích hợp dâng cúng trên bàn thờ tổ tiên.
hatinh (2)
2. Lay ơn (huệ ta)
Những nhành lay ơn (huệ ta) thơm ngát, thể hiện sự thanh tao là lựa chọn quen thuộc của nhiều gia đình khi cắm trên bàn thờ dịp Tết. Hoa có nhiều màu như trắng, vàng, đỏ, cam,… nhưng bạn chỉ chọn bó một loại màu để tạo sự trang nghiêm. Nên chọn bó tươi, đều màu, nhánh thẳng tắp, vươn cao để thờ cúng.
3. Hoa đào
Cái Tết của người miền Bắc luôn gắn liền với hình ảnh hoa đào tươi thắm. Đào được xem là tinh hoa của ngũ hành, không chỉ có tác dụng xua đuổi tà ma mà còn mang đến nguồn sinh khí đem lại yên bình trong năm mới. Hoa đào để thờ cúng cần mua trước Tết 3 – 5 ngày, cành nhiều nụ và cánh hoa nhỏ mịn.
4. Hoa mai
Người miền Trung và miền Nam thường chọn chậu hoa mai to để trang trí phòng khách và những nhánh mai vàng để đặt trên bàn thờ tổ tiên. Hoa mai tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý. Nên chọn mua nhánh mai có nụ to, điểm lá non mơn mởn, nếu hoa nở rộ trong ngày đầu xuân còn là điềm báo của may mắn, tốt lành.
5. Hoa hồng đỏ
Bên cạnh hoa Tết nở theo mùa thì hoa hồng được xem là “nữ hoàng của các loài hoa” khi nở quanh năm, kèm theo ý nghĩa hạnh phúc ngập tràn, vĩnh cửu. Lưu ý khi chọn hoa hồng để thờ cúng là hoa phải có màu đỏ tươi (tránh màu nhạt, hồng phớt, trắng,…) và không xen lẫn các hoa nhiều màu khác để tỏ sự tôn nghiêm.
II. Những loại hoa kiêng kị
1. Cúc vạn thọ
Nếu hoa cúc vàng là lựa chọn hoàn hảo cho bàn thờ thì cúc vạn thọ lại không được ưa chuộng bởi mùi hương nồng, có mùi hôi. Trong khi hoa thờ cúng cần chọn loại có mùi thơm dịu nhẹ, thanh khiết để tăng thêm phần trịnh trọng, thể hiện lòng thành của gia chủ.
2. Hoa sứ, hoa nhài
Hoa sứ (hay còn gọi là hoa đại) và hoa nhài đều mang màu trắng xinh đẹp và mùi hoa rất thơm nhưng lại bị liệt vào danh sách hoa không nên thờ cúng bởi những câu chuyện dân gian liên quan đến chuyện trai gái không đứng đắn.
3. Hoa ly
Hoa ly là loại hoa có vẻ quyến rũ, hoa rực rỡ kiêu sa nhưng vì tránh tên gọi “ly tán”, “chia ly”… nên tốt nhất chúng ta không dùng để đặt trên bàn thờ để mối quan hệ gia đình, dòng họ không vì thế mà ảnh hưởng, kể cả các Phật tử cũng thường tránh dùng hoa ly lễ Phật.
4. Hoa phù dung
Hoa phù dung tuy đẹp nhưng vì đặc tính “sớm nở tối tàn”, lại thay đổi màu sắc theo từng thời điểm trong ngày, từ trắng muốt sang hồng, đỏ, rồi sậm dần và lụi tàn. Chính vì thế, nó đã trở thành loại hoa kiêng kị cho việc thờ cúng.
5. Hoa phong lan
Những chậu phong lan, giò treo phong lan có thể được sử dụng để trang trí phòng khách, treo ban công, cửa sổ ngày Tết. Tuy nhiên, vài ý kiến cho rằng chữ “phong” trong “phong lan” gợi đến sự phong tình, phóng đãng nên không dùng để dâng Phật, kính tổ.
6. Râm bụt, hoa cúc áo
Hoa râm bụt (dâm bụt) và hoa cúc áo (dân gian gọi là hoa cứt lợn) có màu tươi, nhưng người ta không sử dụng để đặt trên bàn thờ, đơn giản vì tên gọi của chúng không đẹp, không thích hợp ở nơi cần sự tôn nghiêm.

 Theo Hạ Mạt / Trí Thức Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP