Du lịch

Những lễ hội đầu Xuân được mong đợi nhất trong dịp tết Nguyên Đán

Theo quan niệm dân gian Việt Nam, tháng Giêng vốn được coi là tháng ăn chơi nên trên khắp mọi vùng miền của đất nước, đây cũng là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội lớn nhất trong năm.

Mùa xuân, thời điểm bắt đầu của năm mới cũng là lúc nhiều lễ hội lớn trải dài từ bắc đến nam diễn ra. Hãy lựa chọn cho mình những lễ hội phù hợp để du xuân ngày đầu năm, cầu an cho gia đình và gặp nhiều may mắn.

Lễ hội chùa Hương, Hà Nội

Chùa Hương nằm trong khu thắng cảnh Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Trong hành trình trẩy hội chùa Hương được coi là về miền đất Phật. Cùng lễ hội chùa Yên Tử và lễ hội chùa Bái Đính, đây là một trong những lễ hội nổi tiếng nhất ở miền Bắc, thể hiện qua sự quá tải về lượng Phật tử tham gia hành hương.

Lễ hội chùa Hương diễn ra trong 3 tháng, từ mồng 6 tháng 1 tới tháng 3 âm lịch, đỉnh cao ngày lễ trong khoảng rằm tháng giêng tới 18 tháng 2 âm lịch. Hàng năm, lễ hội thu hút hàng triệu Phật tử từ khắp nơi tới tham gia hành trình cõi Phật.

Không chỉ là danh thắng nổi tiếng với phong cảnh hữu tình từ non nước mênh mông của suối Yến tới chảnh sắc hùng vỹ của động Hương Tích, chùa Hương còn tập hợp nhiều đền chùa, hang động gắn liền với núi rừng, trở thành quần thể thắng cảnh rộng lớn, một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên. Đã từ lâu, nơi này trở thành Di tích quốc gia, đồng thời mang nhiều giá trị văn hóa tâm linh trong tín ngưỡng đạo Phật của người Việt từ xa xưa tới nay.

Lễ hội đền Trần, Nam Định

Một trong những ngày hội xuân nổi tiếng nhất Việt Nam là lễ khai ấn đền Trần, Nam Định, tổ chức từ ngày 14 tháng Giêng hàng năm. Ngày hội được tổ chức nhằm tri ân công đức của 14 vị Vua Trần.

Điểm nhấn trong ngày hội là lễ khai ấn thu hút hàng vạn người từ khắp nơi tới để xin một năm mới phát tài, thành đạt. Lễ hội bắt đầu bằng lễ khai ấn từ giờ Tý giữa đêm. Sau lễ khai ấn sẽ tới những nghi thức quan trọng như rước nước, tế cá. Ngày hội còn tổ chức xen kẽ nhiều hoạt động truyền thống như hát chèo, mùa rồng, hát chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật…

Lễ hội Yên Tử, Quảng Ninh

Bắt đầu từ mồng 10 tháng Giêng tới hết tháng 3 âm lịch, khách thập phương lại nô nức tới Quảng Ninh đi trẩy hội Yên Tử.

Chùa Yên Tử nằm ở độ cao hơn 1000m so với mực nước biển, không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp hữu tình, còn là nơi hình thành nên thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Yên Tử đã trải qua hơn 1000 năm lịch sử với nhiều công trình kiến trúc đa dạng từ chùa tháp, những di vật cổ quý có giá trị còn được lưu giữ. Nơi này trở thành bảo tàng kiến trúc văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Bởi vậy, lễ hội xuân Yên Tử hàng năm mang ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện nét đẹp hòa quyện giữa lịch sử và thiên nhiên.

Hội cầu ngư, Huế

Cứ 3 năm một lần vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, tới ngày 12 tháng Giêng âm lịch, lễ hội cầu ngư lớn nhất của Huế lại được dân chài ở Thái Dương Hạ, Thuận An, thành phố Huế, tổ chức.

Ngày hội là dịp để người dân tưởng nhớ công ơn của Trương Quý Công - người làm nghề chài lưới, đánh bắt rồi truyền dạy lại cho các thế hệ sau đã hơn 700 năm. Để ghi nhớ công đức của Ngài và cầu mưa thuận gió hòa, ngày hội diễn ra vào đúng ngày mất của ông - 12 tháng Giêng âm lịch.

Lễ hội Đống Đa - Tây Sơn, Bình Định

Vào chiều mồng 4 và mồng 5 tết âm lịch, người dân Bình Định cùng du khách cả nước lại náo nức đón chào lễ hội Đống Đa - Tây Sơn để tưởng nhớ người anh hùng áo vải Quang Trung và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, đánh 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Đây là một trong những ngày hội lớn nhất cả nước vào dịp đầu xuân. Ngoài nghi thức truyền thống, ngày hội còn có những hoạt động văn hóa dân gian như biểu diễn võ thuật Tây Sơn, đua thuyền, hát tuồng, tái diễn các trận đánh lịch sử như ngày vua Quang Trung ra trận…

Lễ hội đền Bà Đen, Tây Ninh

Lễ hội đền Bà Đen diễn ra từ ngày mồng 10 đến 15 tháng Giêng, và là một trong những lễ hội mùa xuân lớn nhất ở khu vực phía nam.

Trước khi khai hội, từ chiều 30 tết hàng năm, hàng vạn người đổ về đây hành hương, lễ bái và tham quan rất đông. Trên đường leo núi, du khách có thể dừng chân ở đền Linh Sơn Thánh Mẫu hoặc Miếu Sơn Thần, vừa có dịp vãn cảnh hùng vỹ, vừa tham dự các hoạt động văn hóa tâm linh.

Lễ đền miếu Bà Chúa Xứ, An Giang

Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ là một trong những lễ hội lớn nhất miền tây nam bộ, cũng là dịp để người dân bày tỏ lòng thành kính với Bà Chúa Xứ. Ngày hội tổ chức từ đêm 23/4 đến 27/4 âm lịch tại miếu Bà Chúa Xứ thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Mỗi ngăm, ngày hội thu hút trên 2 triệu lượt khách về hành hương.

Tác giả: Huy Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP