Vậy là số phận của hàng nghìn hộ dân ở Thạch Hà còn phải chờ quyết định của cổ đông Cty CP sắt Thạch Khê.
3 năm di dời được 8 hộ dânÔng Thái Văn Hóa – Trưởng ban Quản lý mỏ sắt Thạch Khê báo cáo dự án đã đền bù được hơn 743ha, chi trả bồi thường di chuyển cho 103 hộ dân, 8.685 ngôi mộ. Còn Cty CP sắt Thạch Khê thông báo số tiền chi cho GPMB và TĐC luỹ kế đến thời điểm 31.6 là 281,3 tỉ đồng/3.478 tỉ đồng, nghĩa là đạt 8%. Báo cáo của hai đơn vị trên chỉ nhắc đến số hộ đã được nhận tiền bồi thường GPMB, chứ không nhắc đến số hộ dân đã được di chuyển đến khu TĐC. Không nhắc đến cũng phải, bởi cho đến nay vẫn chưa có một khu TĐC nào được hoàn thành. Ông Nguyễn Quốc Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà khẳng định: “Sau hơn 3 năm, dự án mới hoàn thành được một nghĩa trang Cồn Hát Chung. Còn trong tổng số 19 khu TĐC mới tiến hành xây dựng 4 khu và chưa có khu nào được hoàn thành”. Trong thời gian đó mới chỉ có 8 hộ dân được di dời đến nơi ở mới nhưng bằng quỹ đất của huyện (có 11 trường hợp khác tự TĐC). Cả 8 hộ này đều thuộc xóm 1, xã Thạch Đỉnh, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của khu vực moong khai thác. Nằm gần khu vực khai thác của mỏ nên xóm 1, xã Thạch Đỉnh được “nếm trải” đủ đau khổ đến từ mỏ sắt. Ông Bùi Quang Chiến – Trưởng xóm 1, xã Thạch Đỉnh tố khổ: “Cả xóm đã nhận tiền đền bù nhưng nào đã được đi đến nơi ở mới. Mùa hè thì mất nước, cát bay đầy nhà, mỗi khi trời mưa lại có nước bùn đổ xuống ruộng vườn. Chúng tôi đồng tình xây dựng mỏ sắt nhưng hãy di dời người dân đến nơi khác đảm bảo được cuộc sống”. Do moong khai thác rút hết nước ngầm nên các hộ dân phải khoan giếng sâu gần 30m mới có nước. Thiếu đất sản xuất, lời hứa nhận con em trong xóm vào mỏ làm việc cũng chưa thấy đâu nên người dân sống dựa vào tiền lãi ngân hàng của số tiền đền bù đất – ông Chiến cho hay. Khổ nhất là các hộ dân đã di dời đến nơi ở mới do không thể chịu đựng được hệ lụy từ mỏ. Hộ nào còn đất thì về canh tác, nếu không chỉ còn nước “ngồi trong nhà ngó ra”.Thiếu vốn kèm thiếu sót trong điều hànhCty CP sắt Thạch Khê cho rằng thiếu vốn trầm trọng là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt thực trạng đáng buồn kể trên. Cty ra mắt năm 2007 với 9 cổ đông sáng lập trong đó Tập đoàn CN Than – Khoáng sản VN chiếm tỉ lệ góp vốn lớn nhất (30%). Đến tháng 11.2011 tổng số vốn các cổ đông đóng góp mới đạt hơn 1.000 tỉ đồng bằng 42,08% vốn điều lệ, trong đó hơn 707 tỉ đồng bằng tiền mặt, còn lại góp bằng tài sản và tài liệu dự án. Theo Cty hiện còn 4 cổ đông nợ chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ góp vốn từ năm 2008 đến 2010 là trên 146 tỉ đồng. Từ đó dẫn đến hàng loạt hệ quả là: Chậm tiến độ GPMB, thiếu tiền thanh toán cho nhà thầu tư vấn lập thiết kế kỹ thuật, thiếu tiền xây dựng khu TĐC… Được biết số nợ của Cty đã lên đến hơn 200 tỉ đồng. Trong khi đó, dự án khai thác và chế biến quặng sắt Thạch Khê cần số vốn lên đến 3,2 tỉ USD. Ngoài nguyên nhân thiếu vốn, bản thân Cty CP sắt Thạch Khê cũng thừa nhận còn nhiều thiếu sót trong quá trình thực hiện dự án. Tháng 7.2011, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tái cơ cấu Cty CP sắt Thạch Khê. Theo đó, Chính phủ giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), TCty Thép Việt Nam và TCty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh là doanh nghiệp nhà nước, có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản làm nòng cốt để triển khai thực hiện tổ hợp hai dự án lớn: Khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê và nhà máy sản xuất phôi thép 2 triệu tấn/năm là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều bất cập, bộ máy tổ chức chưa hợp lý, triển khai dự án chưa bài bản, trình tự về đầu tư xây dựng chưa triển khai đúng, để xảy ra tình trạng chậm, kéo dài, huy động vốn cho dự án thấp. Chính phủ đã yêu cầu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN thoái vốn tại Cty CP sắt Thạch Khê. Đồng thời, Cty CP sắt Thạch Khê dừng việc bóc đất tầng phủ. Theo thông tin từ Ban quản lý khu vực mỏ sắt Thạch Khê, 4 cổ đông kể trên đã chấp thuận thoái vốn và Vinacomin với tư cách là cổ đông chủ trì đang thực hiện việc nhận chuyển nhượng. Sau khi nhận phần vốn của 4 cổ đông kể trên, Vinacomin sẽ có 49% vốn. Ông Nguyễn Nhật – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định phía tỉnh sẵn sàng chuyển nhượng 2% vốn thuộc quyền quản lý để Vinacomin nắm giữ 51% cổ phần, có quyền quyết định điều hành dự án. Khi đó, người dân trong vùng ảnh hưởng mới có thể biết được cụ thể tiến độ dự án và tương lai của mình ra sao.
Vinh Hải – Tâm Đao
Lao Động