“Mất mùa liên tiếp nhiều năm nhưng trận đói lịch sử nhất là năm 1978, đói đến rụng rời tay chân, chúng tôi không đi ăn xin thì có việc nhìn nhau chết”, 1 cụ cao niên trong xã nhớ lại.
Những mùa đói kinh hoàng
Ông Nguyễn Văn Huế, 80 tuổi (trú thôn Thống Nhất), từng là Chủ Tịch xã Ích Hậu nhiệm kì (năm1979-1983), trải lòng về một thời đói khổ khiến Đảng viên cũng đi ăn xin.
Sức khỏe ông Chút bây giờ đã yếu khiến cho việc đi lại khó khăn, những câu chuyện về lần tha hương năm đó khiến ông nhớ mãi. |
Theo ông, Hậu Lộc thuộc vùng đất vùng chiêm trũng nhưng hệ thống thủy lợi không được chú trọng nên đồng chua nước mặn, đất nông nghiệp không sản xuất được, đói kém xảy ra liên miên. Trong làng không còn một thừ gì để ăn được, đến rau ra má người dân cũng đào ăn hết, số người chết đói trong xã rất nhiều.
“Năm 1978 đó là trận đói lịch sử khiến cả xã đói rụng rời, nhà ai cũng dắt nhau đi ăn xin, đến nỗi số dân trong xã chỉ còn trên đầu ngón tay”. ông vẫn nhớ như in những ngày đầu phong trào “tay bị tay gậy” đi ăn xin của dân làng.
Cụ Huế nhắc lại năm tháng cả làng đi lang bạt kiếm ăn |
Bà Trần Thị Hồng, 78 tuổi,(trú thôn Bắc Kinh), tâm sự: “Đói đến nỗi chân bước đi không vững, nhà tôi toàn ăn gốc cây chuối nhiều ngày liền, nhìn đàn con nheo nhóc thương con, gửi con lại hai vợ chồng dẫn nhau ra Bắc ăn xin về nuôi con”.
Trong xã lúc bây giờ, chỉ còn trẻ nhỏ và các cụ già, những người khỏe mạnh ai cũng cuốc bộ hàng chúc km để đi ăn xin, kiếm từng bát gạo, đồng tiền lẻ để duy trì sự sống.
Tình người trong hoạn nạn
Người dân Hậu Lộc kéo nhau đi hành khất chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc như: Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nội…
“Người ngoài Bắc ai cũng tốt bụng, nói đến dân Hậu Lộc là họ rất thương vì biết làng chúng tôi luôn đói kém, không chỉ cho gạo còn cho quần áo cũ mặc khỏi rét, cho ngủ nhờ qua đêm”, bà Hồng tâm sự.
Trụ sở UBND xã được đầu tư xây dựng khang trang. |
Ông Nguyễn Đức Chút ,76 tuổi), trú thôn Lương Trung là người may mắn nhất thời đói khổ đó: “Nếu không có mùa đói đó, làm chi tui có vợ”, ông bắt đầu những câu chuyện đã đi qua nữa hồi ức.
Trong xã, năm đói nghèo ai cũng đi ăn xin, nhưng trai tráng như ông Chút mà phải đi ăn xin thì chỉ có số ít. Ông Chút mồ côi bố mẹ đất canh tác nông nghiệp không có, chỉ làm mướn trong thôn nay xã đói kém không ai thuê nên ông đành đi ăn xin.
Vì gia cảnh nghèo khó, đất nông nghiệp không có để sản xuất, nên ngoài 40 tuổi ông vẫn chưa có vợ. Trong một lần đi ăn xin có gia đình bà Hòa, ông Thành quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, cho nhờ tá túc nhiều ngày, dần ông cảm mến cô gái tốt bụng lại dễ mến Trương Thị Hà (con gái vợ chồng ông Thành).
“Tụi tư ti lắm không dám ngỏ lời, khi ra về tui cảm ơn ông bà, rồi cười bảo con mếm em Hà, không ngờ ông bà Thành nói “nếu thương Hà thì cho tui dắt về Hà Tĩnh”, ông Chút cười hiền nhớ lại.
Gia đình ông bà Thành có làm mân cơm cúng tổ tiên, rồi cho ông thêm ít gạo, hai vợ chồng dắt nhau về quê. Lần đó ông bỏ nghề đi ăn xin mà thay vào đi bè chặt củi thuê ở Hương Sơn( Hà Tĩnh), về nuôi vợ con.
Ông Chút cũng chia sẻ, có lần ông đi ăn xin cùng người bạn ở chợ tỉnh Thái Bình, lúc đó bạn ông bị đau ruột thừa, may mà có rất nhiều người tốt họ cho tiền và chở bạn ông vào bệnh viện cứu sống kịp thời.
Theo ông Trung (78 tuổi), trú thôn Ích Mĩ, có nhiều trường hợp người dân đi ăn xin nhưng không may bị mất mà người thân không ai biết thì chính quyền nơi họ đi qua vẫn dành đất cho họ yên nghỉ.
Đối với cụ Lê Bé, 83 tuổi, (trú thôn Thống nhất), suốt cuộc đời cụ luôn cảm kích tâm lòng hảo tâm một gia đình ở Hà Nội.
Nhà chỉ còn ba mẹ con, lúc đi ăn xin cụ phải dắt theo đứa con nhỏ đi cùng, thấy tình cảnh đáng thương của cụ, nên gia đình đó nhận nuôi đứa con gái, sau này khi cuộc sống đỡ khổ hơn, cụ ra Bắc xin nhận lại con, gia đình đó vẫn vui vẻ cho mẹ con đoàn trụ.
“Thời đó ai cũng khó khăn cả, những ai cũng tốt bụng, người ngoài Bắc gúp đỡ làng Hậu chúng tôi rất nhiều, để vướt qua mùa đói năm đó” – Cụ Bé chia sẻ.
“Ăn xin” đã là quá khứ, nỗi đau còn day dứt
Quà khứ đã lùi xa, dân Hậu Lộc đã đã có cuộc sống no đủ, một thời đói khổ đó không ai còn muốn nhắc lại.
Năm nay đã 81 tuổi, cụ Trần Thị Mệ (trú thôn Lương Trung), đau đớn về trận đói năm 1978, khiến cho gia đình cụ một lúc mất đi 3 người con. Hoàn cảnh cơ cực lúc bấy giờ, cụ để ba đứa con thơ ở nhà, tay xách bị gậy ra Nghệ An xin gạo, vì đường xa, 1 tuần sau cụ mới về đến nhà thì 3 đưa con đã chết vì đói.
Cụ Qúy xúc động nhớ lại những ngày tháng cơ cực. |
Khó khăn lắm cụ mới nhắc lại chuyện cũ, cụ chia sẻ rất nhiều câu chuyện đau lòng về những người bạn, người thân bỏ làng đi hành khất.
“Làm nghề này khổ lắm, luôn lo sợ bị người khác xua đuổi, có khi chết rét, chết đói nơi đất khách cũng không ai biết”.
Không riêng cụ mất con khi mẹ để con ở nhà để đi ăn xin, mà trong xã cũng có rất nhiều trường hợp thương tâm, con không chết vì đói cũng chết vì bệnh tật khi không có ai bên. Vì đặc thù của ăn xin là mỗi người mỗi phương, nên nhiều khi người dân làng Hậu bị bệnh giữa đường bỏ mạng nơi đất người cũng không ai biết mà tìm về.
Cổng làng được đầu tư đẹp của thôn Lương Trung thuộc xã Ích Hậu bây giờ. |
Rồi những lúc xin được ít gạo, ít tiền công sức ròng rã nhiều ngày trời bị người xấu cướp mất giữ đường. Cũng chỉ vì vợ đi ăn xin cứu sống gia đình mà chồng bị cắt tuổi Đảng, câu chuyện của ông Trần Đình Qúy, 85 tuổi (trú thôn Lương Trung).
“Chính quyền xã cắt tuổi Đảng của tôi thì tôi cũng đành chịu, vì lý do tôi là Đảng viên mà để vợ phải đi ăn, nhưng kì thực lúc đó không đi ăn xin cả nhà có chết đói”.
Ông Qúy cũng nói thêm, từ năm 1988 ăn xin chấm dứt hoàn toàn, người dân đã cải tạo đất nông nghiệp để sản xuất, buôn bán đưa lại cuộc sống no đủ.
Chạnh lòng vì biệt danh “xã ăn mày”
Nhắc lại chuyện cũ, ông Đặng Quang Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Ích Hậu, nói: “Đó là quá khứ thôi, giờ Ích Hậu đã đổi khác nhiều rồi, thay vì đi ăn xin như trước đây người dân trong xã đi xuất khẩu lao động, người ở nhà tích cực sản xuất nông nghiệp, buôn bán, dịch vụ, đưa lại cho người dân cuộc sống sung túc”.
Hiện tại trong xã đang có khoảng 200 người xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cho thu nhập rất khá. Những năm gần đây người dân trong xã qua Thái Lan làm thuê cũng đông, có thời điểm 600 – 700 người, còn lao động vào miền Nam có khoảng 700 – 800 người. Nói chung Ích Hậu có 8.300 nhân khẩu thì chỉ có 5.000 người ở nhà, còn lại đi làm ăn xa.
Một góc con đường liên xã Ích Hậu ngày nay. |
Nhìn từ những con đường dẫn vô xã Ích Hậu, cứ ngỡ “nhà trong phố”, quá khứ đã lùi xa, đưa Ích Hậu sang một trang mới.
Tuy nhiên, tên gọi “xã ăn mày” của mấy chục năm về trước vẫn đeo đẳng. Nhắc tới Ích Hậu, không ai nói nói tên chính danh của xã, mà người ta thường gắn với biệt danh “ăn mày, hay là “Hậu đùm”.
Trẻ em ở xã này đi học đều bị trêu chọc là “dân ăn xin” hay “Hậu đùm”… Người dân Hậu Lộc đi làm ăn xa thì bị coi người “làng cái bang”. Những lời đồn thổi về “làng ăn xin”, những câu chuyện được thêu dệt vẫn không được dập tắt.
Trãi lòng với chúng tôi, ông Bắc tâm sự : “Khi nghe người khác nói xã mình là “làng ăn mày” bản thân ông cũng buồn bởi xúc phạm danh dự tới cả một cộng đồng, bây giờ thời thế đã đổi thay nên cái tên làng ăn xin nên lùi với quá khứ”.
Ông chia sẻ thêm, vì nhiều người không hiểu nên chỉ trỏ bảo người xã tôi là lười lao động nên đi ăn xin, chính vì thế có nhiều đối tượng quê ở Can Lộc (Hà Tĩnh), Thanh Hóa lợi dụng điều này để khi đi ăn xin bị chính quyền, người dân hỏi quê ở đâu, thì khai bừa là dân Hậu Lộc (Ích Hậu).
Đậu Tình/ VietNamNet