Năm 2009, Ethecon – một tổ chức phi chính phủ về bảo vệ môi trường của Đức – đã bình chọn giải “Hành tinh đen” cho gia đình Wang, chủ tịch Lee Chih-tsuen và các lãnh đạo khác của Tập đoàn Formosa Plastics (Đài Loan) vì những thành tích xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Để lý giải cho việc bình chọn này, trên trang chủ, Ethecon đã liệt kê hàng loạt những bê bối liên quan đến hành động xả thải gây ô nhiễm môi trường của Formosa Plastics. “Các nhà máy sản xuất của Formosa gây nguy hại đến con người và môi trường trên khắp thế giới”, Ethecon nhận định.
Theo Ethecon, năm 1998, Formosa bị phát hiện xả gần 3.000 tấn nước thải độc hại ra vùng biển gần cảng biển Sihanoukville của Campuchia.
Sự việc xảy ra từ ngày 4-6/12/1998, khi Formosa cho đem sang cảng Sihanoukville khối chất thải nhiễm độc, và gây nhiễm độc cho nước biển, đất ven bờ và cả người dân địa phương. Trước đó, theo một báo cáo của Tổ chức nhân quyền (HRW), chính Cơ quan Bảo vệ Mội trường Đài Loan (EPA) đã nhận được đơn của Formosa xin phép đem 5000 tấn chất thải chứa thủy ngân sang Campuchia nhưng bác đơn này. Tuy nhiên, đến tháng 12/1998, tàu container Chang Shun từ Đài Loan đã vào cảng Sihanoukville và đem đến 2.799 tấn chất thải.
Hai tuần sau khi vụ việc bị phanh phui, đại diện của Formosa Plastics đã phải lên tiếng xin lỗi, nhưng phải 4 tháng sau đó công ty này mới thu lại số chất thải độc hại đó để chuyển sang bãi xử lý ở Westmoreland, California, Mỹ. Tuy nhiên, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ đã rút lại quyết định trước đó cho Formosa nhập chất độc vào Mỹ, với lý do hàm lượng độc tố cao hơn chuẩn mà luật Mỹ cho phép.
Về phía Đài Loan, chính quyền ở đây đã yêu cầu Formosa nộp phạt 48.000 USD. Đài Loan cũng mở cuộc điều tra về hành động của Formosa Plastics.
Đây không chỉ là vụ việc đầu tiên và duy nhất liên quan đến “thành tích” xả thải của Formosa. Tháng 9/2009, chính quyền bang Texas và Louisiana của Mỹ đã buộc Formosa Plastics chi hơn 10 triệu USD để xử lý vi phạm thải chất độc ra không khí và nguồn nước.
Formosa cũng phải đồng ý nộp khoản tiền phạt dân 2,8 triệu USD vì các vi phạm luật về nước sạch, không khí sạch và luật về kế hoạch công nghiệp của Mỹ.
Formosa Plastics thành lập năm 1954. Kể từ đó đến nay, tập đoàn này đã trở thành một trong những doanh nghiệp quy mô toàn cầu với nhiều công ty con ở Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc đại lục, Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Tập đoàn này chuyên về các lĩnh vực như hóa mỹ phẩm, công nghệ sinh học, điện tử, linh kiện ô tô và dược phẩm.
Tuy nhiên, Formosa cũng có những “thành tích bất hảo” do các bê bối gây ô nhiễm môi trường. Theo đánh giá năm 2010, Formosa nằm trong top 10 doanh nghiệp gây ô nhiễm nhất Đài Loan, chiếm 25% khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở Đài Loan.
Minh Phương
Tổng hợp