Rác nilon “xuống đồng” cùng…lúa!
Một số xã ở các huyện như Can Lộc, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Nghi Xuân… người nông dân thường dùng bạt nilon làm “nhà kính” cho lúa vào những ngày thời tiết lạnh giá trong các vụ đông xuân hàng năm. Do dùng số lượng nhiều lại không được thu gom nên hiện nay nhiều cánh đồng của các huyện nói trên đã “ngập ngụa” loại rác thải này.
Rác thải nilon sau khi sử dụng nằm ngổn ngang từng lớp |
Tại các xã như Song Lộc, Yên Lộc, Kim Lộc, Trường Lộc (Can Lộc), bạt nilon được vứt bừa bãi trên bờ ruộng, mép đường, dưới kênh mương và cả ở những vũng nước trũng. Thậm chí có những thửa ruộng túi nilon còn “sống chung” với lúa.
Bà Hạnh (nông dân ở Song Lộc) cho biết: “Bạt nylon sau khi làm “nhà” cho lúa xong nếu còn nguyên vẹn thì được dùng lại để căng dọc bờ ruộng nhằm tránh chuột xuống ruộng phá lúa. Còn để tránh chim thì dân thường dùng túi nilon “làm cờ” (buộc túi nylon vào một đầu cây rồi cắm giữa ruộng). Túi nylon không dùng được nữa thì vứt lên bờ ruộng, vẹn đường đợi khi xã phát động ra quân làm nội đồng thì gom lại đốt nếu không sẽ bị vùi lấp dưới đất ruộng…”.
Bao bì được vứt tùy tiện bất kỳ đâu |
Một số xã của huyện Đức Thọ như Đức Thịnh, Đức Châu, Đức Tùng, Thái Yên… cũng xảy ra tình trạng tương tự. Đặc biệt ở xã Thái Yên tình trạng rác nylon xẩy ra hết sức tồi tệ. Ở đây, bạt nylon không những năm trên bờ ruộng mà chất thành đống dọc đường liên xã, phủ kín dọc các con đường nội đồng, mương dẫn nước.
“Túi, bao nilon được vứt bừa bãi tại những thửa ruộng ở xã Thái Yên nay đã quen với người nông dân. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại qua các năm trong vụ đông xuân. Những khu vực gần chợ, người ta còn vứt cả những loại rác khác xuống ruộng” - ông Bùi Quang Tuấn ở xã Thái Yên kể.
Thu gom rác thải nilon chưa bao giờ là thói quen của người nông dân |
Ở xã Sơn Long (huyện Hương Sơn), tình trạng rác nylon trên những cánh đồng dù không nhiều như ở Đức Thọ, Can Lộc nhưng đứng trên quốc lộ 8A nhìn xuống cũng rất dễ dàng nhận thấy những chồng bao nylon nằm chất đồng dọc đường nội đồng.
Không chỉ có rác từ chất nilon, những thứ rác khác như chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, bao bì đựng phân bón cũng bị người nông dân ở nhiều địa phương tại Hà Tĩnh vứt hết sức bừa bãi.
Thiếu biện pháp xử lý
Ông Nguyễn Viết Báu - Chủ tịch UBND xã Thái Yên (Đức Thọ) cho biết: “Rác thải nilon vứt dọc đường, dọc bờ ruộng, kênh mương trên những cánh đồng là xuất phát từ sự thiếu ý thức của người dân. Người dân dù đã được tuyên truyền nhưng vẫn chưa nhận thức được những tác hại do bao bì nilon gây ra nên sau khi làm xong họ tiện đâu vứt đó. Chủ yếu là vứt tại ruộng luôn”
“ Để xử lý loại rác này chúng tôi lại phải giao cho HTX môi trường phải đi thu gom”, ông Báu nói thêm.
Vứt rác thải nilon bừa bãi nhưng ít ai ý thức về tác hại của nó |
Trước việc rác bằng nylon vứt bừa bãi trên đồng ruộng, ông Phan Văn Cường - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Can Lộc chia sẻ: “Hàng năm, Trung tâm Ứng dụng KHKT huyện đều về các địa phương tập huấn và tuyên truyền về vấn đề này nhưng người dân vẫn dùng và vứt tùy tiện. Phòng TN&MT của huyện cũng vào cuộc quyết liệt nhưng vẫn không xử lý triệt để việc này”.
Tác hại của nylong đã được cảnh báo, bao bì bằng nilon có chứa chất Plaxtic (chất dẻo không phân hủy) khi lẫn vào bùn đất sẽ gây cản trở sự phát triển của thực vật, đặc biệt là cây lúa. Vứt bừa bãi trên đồng ruộng sẽ ảnh hưởng lâu dài về sản xuất nông nghiệp; Vứt xuống cống rãnh sẽ cản trở tới công tác thủy lợi…Chính vì vậy việc làm theo thói quen trên của người nông dân chẳng khác nào đang tự tay mình hủy hoại tư liệu sản xuất.
Tác giả: Sỹ Thông - Đức Cảnh
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường