Từ chân cầu Linh Cảm 2 (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ), thuyền bắt đầu trôi nhẹ xuôi dòng. Đi vài cây số, lác đác hai bên sông chỉ có vài chiếc thuyền nhỏ của người dân chèo đánh bắt cá. Qua ánh trăng, thấy chúng tôi có vẻ sốt ruột nên H. trấn an: “Phải chờ lúc trời về sáng và chạy lên một đoạn nữa, chứ giờ còn sớm mà ở đây họ không dám hút đâu”.
Hàng chục chiếc sà lan chở đầy cát nối đuôi nhau chờ qua cống xả lũ
Trung Lương
Đúng như nhận định của H., lúc thời gian bắt đầu chuyển sang ngày khác, những chiếc sà lan lởn vởn như những “bóng ma” dưới ánh trăng. Trên những khối sắt khổng lồ đen sì này được trang bị máy nổ có gắn vòi rồng nằm rải rác khiến dòng sông La trở nên ồn ào bởi âm thanh của động cơ.
Cùng với những âm thanh hỗn độn đó, phía dưới sông, nước cũng sục ngầu sủi bọt. Càng đi ra hướng bắc, chúng tôi thấy càng xuất hiện nhiều “cỗ máy hút cát”. Trên mỗi chiếc sà lan đó có khoảng 2 đến 3 người mặc quần cộc đứng làm việc.
Ghé sát vào một chiếc sà lan đã hút cát gần đầy, thấy chúng tôi xuất hiện nhưng hai người đàn ông đang đứng trên đó không hề tỏ ra cảnh giác hay lo sợ gì. Khi chúng tôi bắt chuyện, một người cho biết họ chỉ là những người làm thuê cho chủ.
Mỗi đêm, họ có nhiệm vụ phải hút cát vào đầy khoang rồi đưa về để bán. Trắng trợn hơn, đoạn sông chảy dọc theo QL1A vẫn bị “cát tặc” cho phương tiện đến khai thác công khai, máy nổ ầm ĩ đứng trên đường vẫn nghe thấy.
Theo ghi nhận của chúng tôi, điểm “nóng” nhất, nơi có hàng chục sà lan tập trung về khai thác cát trái phép có lẽ vẫn là khu vực sông La nằm giữa các xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên, Nghệ An) và Đức Vịnh, Đức Quang (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh).
Nơi đây là khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh, nên khi lực lượng chức năng của tỉnh nào xuất hiện thì những sà lan này dạt sang tỉnh khác. Chính vì điều đó, cứ đêm xuống “cát tặc” biến khúc sông này thành một “mỏ cát khổng lồ”.
KHÓ KHĂN TRONG XỬ LÝ
Qua tìm hiểu, mỗi chiếc sà lan như vậy có khả năng chứa từ 50m² đến 70m² cát. Sau khi hút đầy khoang, chủ sà lan sẽ bán số cát này cho những bãi cát ven sông hoặc sử dụng hóa đơn giả giống như mua của một mỏ cát nào đó được cấp phép ở Hà Tĩnh hoặc Nghệ An rồi chạy về cống xả lũ Trung Lương (phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) hoặc cống xả lũ Đức Xá (huyện Đức Thọ) đưa vào phía trong tiêu thụ.
Chính vì thế, mỗi ngày đoạn sông nằm ngoài hai cống này cứ sáng sớm đến trưa luôn có hàng chục chiếc sà lan chở đầy ắp cát để chờ giờ mở cổng qua.
Trao đổi với chúng tôi, đại úy Nguyễn Hồng Dũng – Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm thuộc Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Hà Tĩnh – cho biết: Từ đầu năm 2015 đến nay, đội đã bắt quả tang xử lý 9 vụ khai thác cát trái phép trên sông Ngàn Sâu và sông La.
Gần đây nhất, lúc 1 giờ 30 sáng 3-5, trong lúc tuần tra, đội đã bắt xử lý 3 chiếc sà lan khai thác cát trái phép tại khu vực sông Ngàn Sâu. Qua kiểm tra, chủ phương tiện của 3 chiếc sà lan này gồm: Võ Văn Hoàn (SN 1974), Trần Văn Cường (SN 1984) và Nguyễn Hoài Nam (SN 1990, đều trú xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ) đều không xuất trình được giấy tờ hợp lệ nên đội đã lập biên bản xử lý.
“Việc xử lý “cát tặc” rất khó khăn bởi chúng cài cắm “chim lợn” khắp nơi. Mỗi lần chúng tôi tiến hành tuần tra, truy quét, chúng đều được điện thoại báo để rút vào bờ lánh mặt.
Do lực lượng mỏng nên ngay cả khi bắt được quả tang sà lan khai thác cát trái phép, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lúc bị phát hiện, nhiều “cát tặc” thường mua chuộc bằng cách đút lót để xin qua. Nhưng khi bị từ chối, nhắc nhở thì chúng gọi giang hồ đến dọa rồi tìm cách tháo đáy cho cát chảy xuống sông để phi tang.
Ngoài ra, do chưa có âu thuyền, bến tạm giữ, phí tạm giữ và phương án tạm giữ phương tiện nên mỗi khi bắt quả tang phương tiện khai thác cát trái phép đưa về cũng không có chỗ tạm giữ”, đại úy Dũng cho biết.
Rất mong lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh sớm chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng đáng buồn này.
VĂN TÌNH