Thế giới

Nhìn lại những sự kiện thế giới nổi bật đáng chú ý năm 2019

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tiến trình Brexit dai dẳng, Tổng thống Mỹ Donald Trump bị luận tội, quan hệ Mỹ-Triều... nằm trong sự kiện thế giới nổi bật năm 2019.

1. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Năm 2019, thế giới chứng kiến sự leo thang chóng mặt trong chiến thương mại giữa Mỹ và Trung. Cụ thể, Mỹ áp thuế với 550 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Đáp trả, Trung Quốc cũng áp thuế với 185 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Tháng 10, hai bên đình chiến để đàm phán. Hôm 12/12, Mỹ đã đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn một trên nguyên tắc với Trung Quốc. Cuộc chiến thuế giữa hai người khổng lồ đã tạo ra "hiệu ứng domino" toàn cầu.

Cũng trong năm nay, Washington đã phát động làn sóng cấm các tập đoàn công nghệ Trung Quốc, bao gồm Huawei, mua linh kiện từ Mỹ. Dẫn những lo ngại về an ninh, Washington đã kêu gọi các đồng minh tẩy chay Huawei. Tuy nhiên, khá ít quốc gia hưởng ứng ủng hộ lời kêu gọi của Mỹ nhằm đẩy Huawei ra khỏi kế hoạch phát triển hệ thống mạng 5G.

2. Những bước đi lịch sử trong quan hệ Mỹ-Triều

Hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un diễn ra từ 27-28/2 tại Hà Nội. Dù chưa đạt thỏa thuận như mong muốn, song chính Nhà Trắng khẳng định hai bên đã đạt được những bước tiến thực sự và tầm nhìn về phi hạt nhân hóa “xích lại gần hơn” so với một năm trước.

Hôm 30/6, ông Trump đã có bước đi lịch sử, trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên bước qua biên giới liên Triều, đặt chân lên đất Triều Tiên. Ông bắt tay nhà lãnh đạo Kim Jong Un, rồi cả hai quay lại đất Hàn Quốc và bắt tay thêm lần nữa.

Tuy nhiên, hiện tại, đàm phán đang đối mặt với bế tắc và có nguy cơ đổ vỡ. Gần đây, Triều Tiên thử nhiều vũ khí, bao gồm các vụ thử tại cơ sở tên lửa Sohae, và nhiều lần chỉ trích Tổng thống Trump, làm dấy lên lo ngại hai bên có thể quay trở lại thời kỳ căng thẳng.

3. Tiến trình Brexit dai dẳng

2019 đánh dấu năm thứ ba nước Anh vẫn vật lộn trong tiến trình "dứt áo ra đi" khỏi EU. Hạn chót ngày 30/3 trôi qua mà "con tàu" Brexit vẫn chưa đến đích do những bất đồng về thỏa thuận đạt được với EU, hay những tranh cãi nội bộ giữa "đi hay ở".

Điều duy nhất thay đổi là "con tàu" nước Anh đã có một thuyền trưởng mới.

Với thế thắng sau bầu cử, Thủ tướng Boris Johnson đang quyết tâm thực hiện lời hứa chèo lái con tàu Brexit đến đích vào đúng ngày 31/1/2020.

Ngày 20/12, một tín hiệu khả quan hiếm hoi xuất hiện khi các nhà lập pháp tại Quốc hội Anh cuối cùng đã phê chuẩn thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Boris Johnson.

Các giai đoạn cuối cùng của việc phê chuẩn sẽ diễn ra sau ngày Giáng sinh, Hạ viện đến ngày 9/1/2020 sẽ phê chuẩn luật, hoặc Dự luật Brexit, để Thượng viện và Hoàng gia có 3 tuần thông qua.

4. Tổng thống Mỹ Donald Trump bị luận tội

Cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump do Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khởi xướng vào ngày 24/9. Việc này diễn ra sau khi một nhân vật tố giác cáo buộc rằng, trong cuộc điện đàm hôm 25/7 với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, ông Trump đã yêu cầu Kiev điều tra đối thủ chính trị Joe Biden và con trai ông này, để tạo lợi thế cho bản thân trong chiến dịch tái tranh cử.

Với kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện hôm 18/12, ông Trump đã trở thành vị tổng thống thứ ba trong lịch sử Mỹ bị luận tội. Ông bị cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội. Người đứng đầu Nhà Trắng sẽ phải đối mặt với một phiên xử diễn ra vào tháng 1/2020 tại Thượng viện.

Cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện gồm 100 thành viên phải đạt đa số 2/3 ủng hộ thì mới có thể kết tội và phế truất Tổng thống. Khả năng này là khó có thể xảy ra với ông Trump..

Trong trường hợp Tổng thống bị phế truất, Phó Tổng thống Mike Pence sẽ lên nắm quyền cho đến hết nhiệm kỳ của ông Trump vào ngày 20/1/2021.

5. Phát hiện 39 thi thể trong xe container ở Anh


Cảnh sát Anh cho biết tìm thấy 39 thi thể được phát hiện trong thùng xe tải vào lúc 1h40 ngày 23/10 tại khu công nghiệp Waterglade thuộc hạt Essex, phía Đông Nam thủ đô London. Các nạn nhân sau đó được xác định đều là công dân Việt Nam nhập cư trái phép vào Anh bằng container trên phà xuất phát từ Bỉ.

Anh đã bắt giữ 4 nghi phạm, một trong số đó bị truy tố tội ngộ sát, tham gia âm mưu buôn người và hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp. Việt Nam cũng bắt 11 nghi phạm liên quan đến đường dây môi giới đưa lao động sang Anh trái phép.

Cuối tháng 11, Anh và Việt Nam đã phối hợp đưa toàn bộ thi thể, tro cốt của những người này về nước và bàn giao cho các gia đình.

6. Mỹ - Iran ngấp nghé bờ vực chiến tranh


Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã suýt leo thang thành xung đột quân sự trong năm nay sau khi khu vực eo biển Hormuz án ngữ Vịnh Oman "nóng lên" trên bản đồ thế giới với các vụ tấn công và bắt giữ tàu chở dầu.

Mỹ tố cáo Iran đứng sau các vụ tấn công, và nhiều lần huy động lực lượng bổ sung đến khu vực, bất chấp việc Tehran phủ nhận những cáo buộc.

Bên cạnh đó, Mỹ tiếp tục thực hiện chiến dịch “sức ép tối đa” khi đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt mới chống lại Iran, bóp nghẹt nền kinh tế nước này.

Trong khi đó, Iran liên tục đưa ra các cảnh cáo và vi phạm giới hạn trong hiệp ước hạt nhân JCPOA. Căng thẳng giữa hai nước hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

7. Mỹ - Nga chấm dứt Hiệp ước INF


Mỹ và Nga hôm 2/8 tuyên bố Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã kết thúc, đồng thời đổ lỗi cho nhau về sự sụp đổ của thỏa thuận này.

INF được Mỹ và Liên Xô ký năm 1987, trong đó cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình và đạn đạo phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km.

Mỹ cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận khi phát triển tên lửa Novator 9M729 với tầm bắn hơn 5.000 km. Moskva khẳng định tầm bắn của nó là 480 km và không vi phạm hiệp ước, đồng thời cho rằng Washington phá vỡ INF khi đặt các tổ hợp Aegis Ashore có khả năng phóng tên lửa hành trình Tomahawk tại châu Âu.

Sau khi rút khỏi thỏa thuận, Mỹ đã hai lần thử tên lửa có tầm bắn hơn 500 km, trong khi Nga cũng tuyên bố sẵn sàng hoán cải nhiều loại tên lửa phóng từ máy bay và tàu ngầm cho bệ phóng mặt đất. Nhiều nước lo ngại điều này sẽ mở đầu cuộc chạy đua vũ trang mới, đặt châu Âu trong tầm ngắm của nhiều loại tên lửa hạt nhân.

8. Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh IS

Tối 27/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt trong cuộc đột kích của quân đội Mỹ vào khu vực Tây Bắc Syria.

Ông Trump cho biết lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã bao vây và tiêu diệt Al-Baghdadi ở Tây Bắc Syria. Al-Baghdadi đã chết "một cách hèn nhát" sau khi cho nổ đai bom quấn quanh người.

Tổng thống Mỹ khẳng định xét nghiệm DNA sau phẫu thuật chính thức xác định đó là Al-Baghdadi, đồng thời nhấn mạnh Al-Baghdadi bị tiêu diệt là một đòn giáng mạnh vào IS.

Tới ngày 31/10, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tuyên bố xác nhận cái chết của thủ lĩnh Abu Bakr Al-Baghdadi và công bố thủ lĩnh mới là Abi Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi, đồng thời đe dọa sẽ trả thù nước Mỹ.

Tác giả: Mộc Miên (T/h)

Nguồn tin: Báo ĐS&PL

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP