Tin

Nhiều nữ sinh 'bị ma ám' rồi ngất lịm trong lớp

Hàng loạt nữ sinh ở Thanh Hóa cười sặc sụa liên hồi không dứt rồi đột ngột chuyển sang gào khóc thảm thiết, cuối cùng lăn đùng ra ngất lịm.

Thầy Hà Văn Khoa, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tam Thanh cho biết, bệnh bắt đầu xuất hiện vào ngày 20/1 và lan sang nhiều em khác. Ban đầu, 5 nữ sinh (đều ở xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn) phát bệnh với các biểu hiện cười sằng sặc không dứt. Vừa dứt cơn cười sặc sụa, các em lập tức gào khóc, nói năng huyên thuyên, ít phút sau lại lăn ra ngất xỉu trên nền đất. Sau chu kỳ cười, khóc, nói nhảm, ngất xỉu như thế (thường kéo dài khoảng 20-30 phút) hiện tượng lạ chấm dứt, các em lại quay về trạng thái bình thường.


Cũng theo thầy Khoa, bệnh sau đó lan sang nhiều học sinh khác trong trường khiến học trò rất lo lắng. Đến ngày 18/2, có 6 nữ học sinh lớp 7 và 7 học sinh lớp 8 lên cơn. Ngày 23/2, tiếp tục có 3 học sinh lớp 6 nhiễm bệnh, nâng tổng số học sinh của trường mắc bệnh lạ lên 16 em, đều là nữ.


Ban giám hiệu nhà trường cho biết, suốt mấy tháng qua, không khí trong nhà trường và ngoài khu dân cư ở xã Tam Thanh rất căng thẳng và hoang mang. “Trước đây học sinh trong vùng rất ham học, nhiều hôm trời mưa to, bão bùng vẫn đạt 100% sĩ số lớp. Sau khi các em bị bệnh thì trong dân cư có nhiều quan điểm cho rằng do bị ma rừng ám hại. Một số phụ huynh quá lo lắng đã không cho con đến trường”, thầy Khoa cho hay.


Có gia đình có con mắc bệnh còn tổ chức lễ cúng ma khá tốn kém, khoảng từ vài triệu đến gần chục triệu đồng.

Trường PTDT Bán Trú THCS Tam Thanh nơi có hàng loạt nữ sinh mắc bệnh khóc cười, ngất xỉu.

Trường PTDT Bán Trú THCS Tam Thanh nơi có hàng loạt nữ sinh mắc bệnh khóc cười, ngất xỉu.

Ban giám hiệu nhà trường đã báo cáo sự việc với chính quyền và trung tâm y tế, bộ đội biên phòng, đưa một số em đến Bệnh viện đa khoa huyện Quan Sơn để kiểm tra. Các bác sĩ kết luận nữ sinh không mắc bệnh lý gì đặc biệt. Theo chẩn đoán, có thể các em mắc phải hiện tượng rối loạn tâm thần hàng loạt, phần lớn xảy ra ở nữ sinh. Biểu hiện của hiện tượng này là bệnh nhân cười, khóc, gào thét, cảm xúc hỗn độn, cảm thấy người yếu, ngã ra và thiêm thiếp như muốn ngủ.


Nhà trường cũng được ngành y tế tư vấn tách các em ra các lớp học, vị trí ngồi khác nhau. Đây là biện pháp nhằm mục đích mỗi khi một học sinh phát bệnh không gây ra hiệu ứng dây chuyền sang các em khác.


Đến nay, số học sinh nói trên không còn tái phát bệnh. Các phụ huynh đã đồng ý đưa toàn bộ số học sinh quay trở lại trường học tập bình thường.


Theo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP