Giáo dục

Nhiều bất cập trong quy định học bổng chính sách cho HS, SV

Góp ý về dự thảo nghị định quy định về học bổng chính sách, hỗ trợ chi phí học tập và các chính sách hỗ trợ khác đối với học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, nhiều đại biểu của các trường ĐH, CĐ có ý kiến về đối tượng áp dụng.

Chiều 27/12, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo góp ý dự thảo nghị định quy định về học bổng chính sách, hỗ trợ chi phí học tập và các chính sách hỗ trợ khác đối với học sinh, sinh viên (HS-SV) tại các cơ sở giáo dục tại TP.HCM với sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ngành và các trường.

Còn nhiều tồn tại, bất cập trong chính sách hỗ trợ học bổng

Báo cáo về kết quả thực hiện các chính sách học bổng các năm gần đây, ông Dương Văn Bá, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Công tác HS-SV, Bộ GD-ĐT, cho biết số lượng SV cử tuyển là 4.560 SV, mỗi SV được hưởng học bổng chính sách bằng 80% mức lương cơ sở. Tổng kinh phí thực hiện chế độ học bổng chính sách cho đối tượng SV này mỗi năm là 52,968 tỷ đồng.

Ông Dương Văn Bá, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Công tác Học sinh - Sinh viên, Bộ GD-ĐT phát biểu tại hội thảo góp ý dự thảo nghị định quy định về học bổng chính sách.

Bên cạnh đó, trong năm 2016-2017 có khoảng 16.100 SV trong cả nước được hưởng chính sách hỗ trợ chi phí học tập với mức 60% mức lương cơ sở, không quá 10 tháng/năm. Tổng kinh phí hỗ trợ một năm là 117,510 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, theo đai diện Bộ GD-ĐT, hiện vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập trong chính sách này. Chẳng hạn, đối với chính sách hỗ trợ chi phí học tập, trên thực tế đa số HS, SV thuộc đối tượng này có hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn (gia đình không có khả năng hỗ trợ tài chính), cùng với đó là chi phí tiêu dùng hằng năm tăng cao và lộ trình tăng học phí, thì việc hỗ trợ 60% định mức lương cơ bản tương đương 726.000 đồng/tháng, mức hỗ trợ hiện nay đáp ứng khoảng 50-60% tiền ăn và 24% chi phí sinh hoạt chung là vẫn thấp.

Thế nên, SV thuộc đối tượng này gặp không ít khó khăn , một số em vì hoàn cảnh kinh tế gia đình không chu cấp được nên phải xin thôi học…

Đồng thời, hiện đang tồn tại nhiều văn bản pháp quy quy định về vùng miền gây khó khăn cho việc thông tin đến SV cũng như cho cán bộ thực hiện.

Nhiều ý kiến các địa phương về chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với SV là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mức hỗ trợ không nên cào bằng giữa các vùng, miền trên toàn quốc, cần quy định mức hỗ trợ trên cơ sở vùng kinh tế có trường đại học, cao đẳng mà SV theo học.

Về đối tượng thụ hưởng là SV thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo là chính xác nhưng chỉ giới hạn đối với người dân tộc thiểu số tạo rs sự bất bình đẳng đối với SV là người dân tộc Kinh. Do vậy đề nghị đối tượng hưởng chính sách không phân biệt dân tộc, chỉ phân theo thu nhập để đảm bảo công bằng.

Đối với học bổng chính sách nâng từ 80% lên thành 100% mức lương cơ sở, đồng thời nâng chuẩn xét tuyển đầu vào (về văn hóa), đặc biệt đối với các ngành thuộc trường Y dược. Cần có sự thống nhất chung về phương thức chi trả học bổng chính sách.

Cần quy định rõ đối tượng được hưởng học bổng chính sách

Góp ý về dự thảo nghị định quy định về học bổng chính sách, hỗ trợ chi phí học tập và các chính sách hỗ trợ khác đối với HS, SV tại các cơ sở giáo dục, nhiều đại biểu có ý kiến nhiều nhất về đối tượng áp dụng.

Theo ThS Nguyễn Thị Thanh Loan, trưởng Phòng Công tác SV Trường ĐH An Giang, hiện nay trường này đang thực hiện học bổng chính sách không thấy đưa vào dự thảo này. Đó là HS, SV là người dân tộc thuộc hộ nghèo, cận nghèo với mức học bổng chính sách 80% nên cần xem xét bổ sung.

Ông Nguyễn Thanh Tường, trưởng Phòng Công tác Sinh viên Trường ĐH Cần Thơ góp ý cần quy định rõ đối tượng được hưởng học bổng chính sách.

Trong dự thảo này cũng quy định đối tượng được hưởng học bổng chính sách trong đó có HS, SV là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thương binh, người khuyết tật tham gia các chương trình đào tạo cao đẳng, trung cấp…

Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ chi phí học tập cũng là đối tượng HS, SV là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo học đại học, cao đẳng hệ chính quy…

Bà Loan cho rằng, đối tượng SV Cao đẳng được hưởng cùng lúc hai chính sách học bổng và hỗ trợ chi phí học tập, trong khi SV Đại học chỉ được hưởng một chế độ như vậy là không công bằng.

Còn TS Nguyễn Thanh Tường, trưởng Phòng Công tác SV Trường ĐH Cần Thơ cũng cho rằng cần phải làm rõ quy định số năm và số học kỳ tối đa để hoàn thành chương trình đào tạo và nội dung dừng học vì lý do khác (không do kỷ luật hoặc tự thôi học).

“Lý do SV dừng học rất đa dạng, đặc biệt ở các trường có đông SV. Nếu không làm rõ thì vô tình chúng ta hỗ trợ tiền cho những em không học mà đang đi làm việc khác”, ông Tường nói.

Tác giả: Lê Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP