Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-18 hồi tháng 4-2023 - Ảnh: KCNA |
Theo Hãng tin Reuters, Triều Tiên đã hoàn thành vệ tinh do thám quân sự đầu tiên và và nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã phê chuẩn những bước chuẩn bị cuối cùng cho vụ phóng đưa vệ tinh này vào quỹ đạo.
Các nhà phân tích cho rằng vệ tinh quân sự sẽ tăng cường khả năng giám sát của Triều Tiên và cải thiện khả năng tấn công mục tiêu trong trường hợp có giao tranh.
Ngày 29-5, truyền thông Nhật Bản đưa tin Triều Tiên đã thông báo cho phía Nhật Bản về kế hoạch phóng vệ tinh trong khoảng thời gian từ ngày 31-5 đến ngày 11-6.
Triều Tiên cũng đã thông báo cho Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) về kế hoạch phóng vệ tinh của nước này.
Mặc dù Triều Tiên thông báo là phóng vệ tinh nhưng phía Nhật Bản tin rằng đó có thể là một tên lửa đạn đạo.
"Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp bắn hạ đối với tên lửa đạn đạo và các tên lửa khác được xác nhận là bay tới lãnh thổ của chúng tôi", Bộ Quốc phòng Nhật Bản đáp trả thông báo từ phía Triều Tiên.
Nhật Bản cho biết họ sẽ sử dụng tên lửa đất đối không SM-3 hoặc tên lửa phòng không Patriot Missile PAC-3 để bắn hạ tên lửa Triều Tiên.
Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết bất kỳ vụ phóng nào của Triều Tiên, dù là phóng vệ tinh, đều ảnh hưởng đến sự an toàn của công dân Nhật Bản.
"Chính phủ nhận ra rằng có khả năng vệ tinh đi qua lãnh thổ của chúng tôi", ông Hirokazu nói trong cuộc họp báo ngày 29-5.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho rằng bất kỳ vụ phóng tên lửa nào của Triều Tiên đều vi phạm nghiêm trọng nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
"Chúng tôi tích cực kêu gọi Triều Tiên kiềm chế không phóng tên lửa", văn phòng thủ tướng Nhật Bản thông tin trên Twitter, đồng thời cho biết sẽ hợp tác với các nước có liên quan như Mỹ và Hàn Quốc.
Theo Hãng tin Reuters, phía Mỹ sẽ làm tất cả những gì có thể để thu thập và phân tích thông tin từ vụ phóng của Triều Tiên.
Khi được hỏi về khả năng đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, ông Kishida nhắc lại rằng Tokyo sẵn sàng đàm phán, đồng thời cho biết thêm ông muốn "đạt bước tiến cụ thể với" Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã đăng một tuyên bố từ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước này là ông Pak Sang Gil, dường như tán thành cách tiếp cận hòa giải trong quan hệ với Nhật Bản. Theo Hãng tin AFP, đây là lập trường hiếm thấy từ phía Bình Nhưỡng.
Nếu Nhật Bản không "bị xiềng xích bởi quá khứ và tìm kiếm phương hướng để cải thiện quan hệ, thì không có lý do gì để Triều Tiên và Nhật Bản không gặp nhau", ông Pak Sang Gil cho hay.
Tác giả: Minh Khôi
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ