Thế giới

Nhật Bản lo về kịch bản không có lợi tại thượng đỉnh Trump-Kim ở Hà Nội

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp thượng đỉnh lần 2 vào cuối tháng này tại Việt Nam, một trong những đồng minh thân thiết nhất của Washington, Nhật Bản, dường như đang cảm thấy lo lắng với những kịch bản bất lợi cho Tokyo.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP)

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP)

Theo Bloomberg, giống như cuộc gặp lần đầu hồi tháng 6 năm ngoái giữa 2 lãnh đạo Mỹ-Triều, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lần này dường như quan ngại rằng Tokyo có thể sẽ bị “gạt ra ngoài lề” cho dù kết quả của cuộc gặp lần 2 có ảnh hưởng rất lớn tới vấn đề an ninh quốc gia của Nhật Bản.

Kỳ thượng đỉnh lần này có thể thể khiến Triều Tiên cam kết loại bỏ kho vũ khí hạt nhân của họ, tuy nhiên, Nhật Bản dường như lo lắng rằng một thỏa thuận không đủ mạnh sẽ đẩy quốc gia này vào nguy hiểm và không giúp cải thiện quan hệ căng thẳng giữa Tokyo và Bình Nhưỡng.

Mitoji Yabunaka, cựu Đại sứ Nhật Bản từng tham gia đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên 10 năm trước, nhận định rằng Tokyo đang quan ngại chính quyền ông Trump có thể sẽ có quan điểm nhẹ nhàng hơn với Triều Tiên như giảm bớt các lệnh trừng phạt kinh tế trong khi họ chưa có sự tiến bộ quá đột phá về việc giải trừ vũ khí. Ông Yabunaka cho rằng đây được coi là “kịch bản ác mộng” với Nhật Bản.

Dù cả Mỹ và Nhật Bản đều mong muốn Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, tuy nhiên mối quan tâm của 2 bên dường như không hoàn toàn giống nhau. Trong khi Tokyo quan ngại về mối đe dọa tới từ kho tên lửa tầm trung và tầm ngắn của Bình Nhưỡng, thì Mỹ tại quan tâm nhiều hơn tới các tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể tấn công tới lãnh thổ của họ.

Thêm vào đó, tại hội nghị lần trước, ông Trump đã đơn phương tuyên bố tạm dừng tập trận chung với Hàn Quốc. Điều này khiến Nhật Bản quan ngại việc Mỹ có thể sẽ rút quân hoàn toàn khỏi đây sau hội nghị lần 2. Sự hiện diện của 28.500 quân nhân Mỹ tại bán đảo Triều Tiên không chỉ giúp Nhật Bản an tâm hơn trước Bình Nhưỡng, mà còn là với Trung Quốc.

“Chúng tôi muốn Mỹ duy trì lực lượng ở Hàn Quốc càng lâu càng tốt. Nhật Bản phải luôn nhắc nhở Mỹ về điều mà Tokyo cần từ thỏa thuận Washington và Bình Nhưỡng”, nghị sĩ Rui Matsukawa nhấn mạnh.

Theo Bloomberg, nỗi lo ngại của Nhật Bản là hoàn toàn có cơ sở. Triều Tiên từng bắn thử 2 tên lửa bay qua Nhật Bản và một số tên lửa rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Tokyo vào thời điểm căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng leo thang năm 2017. Và dù quan hệ giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ đã có dấu hiệu cải thiện, thì với Nhật Bản, căng thẳng vẫn còn đó.

Hơn nữa, giới quan sát cho rằng, dù ông Abe đã nỗ lực trong việc xây dựng quan hệ cá nhân tốt hơn với ông Trump bằng cách đề cử Tổng thống Mỹ giành giải Nobel Hòa bình, nhưng quan hệ Mỹ Nhật Bản về vấn đề quân sự vẫn còn một số khúc mắc.

Ông Trump từng cáo buộc Nhật Bản không chi đầy đủ các khoản tiền liên quan tới việc Mỹ triển khai quân đội trên quốc gia Đông Á. Chính quyền ông Trump cũng áp thuế lên mặt hàng nhôm và thép của Tokyo với quan ngại về an ninh quốc gia.

Ông Abe và ông Trump đã không điện đàm và không gặp mặt nhau từ ngày 30/11 năm ngoái, theo lịch trình trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ. Trong khi đó, trước thềm hội nghị thượng đỉnh lần 1, họ gặp nhau 2 lần và điện đàm 5 lần trong vòng 3 tháng, bao gồm cả những cuộc gọi diễn ra trước và sau hội nghị 1 ngày.

Nhà cựu đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Chun Yungwoo cho rằng cả Tokyo và Seoul đều chung một mục đích rằng Triều Tiên sẽ phải từ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân. Ông Chun cho rằng việc Triều Tiên chỉ loại bỏ tên lửa đạn đạo liên lục địa là điều có lợi cho Mỹ và nền an ninh quốc gia của họ nhưng đều là kết cục không viên mãn, thậm chí là chứa đựng nhiều rủi ro cho Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP