Đó là thông tin trong kết quả khảo sát ngành dịch vụ khách sạn của Grant Thornton Việt Nam, một đơn vị kiểm toán độc lập, trực thuộc Grant Thornton International.
Theo Grant Thornton Việt Nam, mức lương bình quân dành cho nhân viên khách sạn 4 sao tại Việt Nam đạt khoảng 480 USD/tháng (hơn 11 triệu đồng). Mức lương bình quân dành cho nhân viên khách sạn 5 sao là 623 USD/tháng (hơn 14,3 triệu đồng).
Đại diện Grant Thornton thông tin về cuộc khảo sát ngành dịch vụ khách sạn tại Việt Nam |
Khách sạn 4 sao thường có số nhân viên bình quân khoảng 158 người. Trong khi đó, số nhân viên bình quân tại khách sạn 5 sao cao hơn gấp 2 lần, lên tới khoảng 354 người.
Nếu doanh thu của khách sạn chia theo tỉ lệ bình quân đầu người thì mỗi nhân viên tại khách sạn 4 sao sẽ mang về mức doanh thu bình quân khoảng 1.880 USD/tháng. Mỗi nhân viên tại khách sạn 5 sao sẽ mang về mức doanh thu bình quân lên tới 2.940 USD/tháng.
Ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam cho biết, Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ với vị thế là điểm đến du lịch hàng đầu trong số các nước Đông Nam Á. Việt Nam hiện là quốc gia tăng trưởng nhanh thứ 6 thế giới và nhanh nhất châu Á trong vai trò là một điểm đến du lịch, theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO).
Tổng lượng khách đến Việt Nam tăng 19%, từ 72 triệu lượt khách năm 2016 tăng lên 86 triệu lượt khách vào năm 2017. Trong đó lương khách quốc tế tăng 29% và lượng khách nội địa tăng 18%.
Mức lương bình quân của nhân viên làm việc tại khách sạn 4 – 5 sao đạt từ 11 - 14 triệu đồng. |
Trong năm 2017, giá phòng bình quân cho khách sạn 4 sao tăng nhẹ khoảng 1%, đạt mức 75,2 USD/1 ngày đêm. Giá phòng bình quân cho khách sạn 5 sao tăng 4,2%, chạm mốc 107,6 USD/1 ngày đêm.
“Công suất phòng cũng được cải thiện với tăng trưởng khoảng 5% cho cả hai hạng sao. Khu vực miền Trung có công suất phòng tăng trưởng mạnh nhất đạt 7,5%, tiếp theo là miền Bắc với 6,4% và kế đến là miền Nam với 2,2%”, ông Kenneth Atkinson nói.
Cũng theo khảo sát của đơn vị nói trên, lợi nhuận của phân khúc các khách sạn cao cấp tăng khoảng 1,7%. Đối với mục đích lưu trú của khách du lịch thì khách nghỉ dưỡng và khách đoàn chiếm tỉ trọng cao nhất trong số khách ở tại các khách sạn cao cấp, với tỷ trọng tổng cộng là 60%.
Cấu trúc các kênh đặt phòng năm 2017 không đổi so với năm 2016. Kênh các công ty lữ hành và nhà điều hành tour là kênh đặt phòng lớn nhất đối với các khách sạn 4 Sao và 5 Sao, với tỷ trọng khoảng 33% mỗi kênh. Kênh đặt phòng trực tiếp với khách sạn giảm 1,6%, trong khi đặt phòng qua đại lý du lịch trực tuyến (OTA) tăng 1% và khách doanh nghiệp tăng 1,1%.
Phân tích theo hạng sao, lượng khách ở khách sạn 4 sao đặt phòng qua các công ty lữ hành và nhà điều hành tour tăng đến 43,1%, trong khi khách sạn 5 sao chỉ có 22,7% lượng khách đặt qua kênh này.
Lượng du khách đến Việt Nam tăng mạnh là lý do khiến các khách sạn 4 – 5 sao “ăn nên làm ra”. |
Đại diện một số khách sạn lớn tại TPHCM chia sẻ, công nghệ số đang đóng vai trò quan trọng trong việc kinh doanh của họ nhằm đối phó với cạnh tranh của các khách sạn khác. Việc tích hợp công nghệ số vào dịch vụ khách sạn sẽ làm thay đổi thị trường khách sạn Việt Nam và nhiều khách sạn sẽ tiếp nhận công nghệ này trong tương lai.
Theo khảo sát của Grant Thornton Việt Nam, trong năm 2017, tất cả các khách sạn tham gia khảo sát đã ứng dụng một hoặc nhiều công nghệ số vào hoạt động của họ.
Trong khi việc ứng dụng công nghệ số vào truyền thông và phân tích dữ liệu đã trở thành xu hướng tất yếu ở hầu hết các khách sạn 4 và 5 sao thì việc ứng dụng cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng qua điện thoại và làm thủ tục phòng trực tuyến đang dần được áp dụng rộng rãi và ngày càng phổ biến hơn.
Tác giả: Đại Việt – Công Quang
Nguồn tin: Báo Dân trí