Kỳ 1: Dấu ấn quân hàm xanh
Tình cảm này bắt đầu kể từ khi họ mang thuốc đến chữa bệnh cho dân, mang cây lúa, cây gừng thay cây anh túc… Nơi biên thùy điệp trùng rừng núi này, tình nghĩa Lào-Việt dường như sâu nặng hơn, ấm nồng hơn.Nhớ thủa ban đầu, khi mới sang giúp bạn, bộ đội biên phòng Hà Tĩnh phải đối mặt với bao thách thức, có lúc cả bản cắm lá xanh không tiếp khách. Nhưng kiên trì vận động với “cái bụng” chân thành, họ đã để lại dấu ấn trong lòng người dân nơi đây. Và sự ra đời của Trạm y tế quân dân y kết hợp Thoọng Pẹ từ cuối năm 2007 được coi là bước ngoặt quan trọng, tạo điều kiện để Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo tăng cường trợ giúp người dân nước bạn Lào.
Chăm sức khỏe cho dân
Gặp nhau ở Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Đồn 563), một người đàn ông nhỏ nhắn, nước da đen nhẻm, nhấc chén rượu cười vui: “Còn nhớ nhau chứ nhỉ?”. Đã 2 năm, từ ngày sang Thọong Pẹ, mới được gặp lại Nguyễn Văn Hùng – Trạm trưởng trạm y tế quân dân y kết hợp Thoọng Pẹ, nay đã đeo quân hàm thiếu tá. Sau chén rượu đầy, anh Hùng thông báo tin vui, ngày 27/11, Đoàn công tác của ngành Y tế và Bộ đội biên phòng Việt Nam đã khảo sát và đề nghị nâng cấp trạm quân dân y tại Thoọng Pẹ. Hiện trạm trực tiếp điều trị và chăm sóc sức khỏe cho bà con các bộ tộc Lào ở Thoọng Pẹ và các bản lân cận thuộc huyện Căm Cớt. Bình quân hằng năm khám và điều trị (chủ yếu là các bệnh sốt rét, tiêu hóa, thần kinh…) cho trên 2.000 lượt người, trong đó, điều trị lưu trú trên 1.000 lượt bệnh nhân. Đặc biệt, trạm đã tiến hành cấp cứu hơn 50 bệnh nhân, trong đó có một số trường hợp bệnh nhân phải chuyển thẳng đến các bệnh viện ở Việt Nam.
Bản Thoọng Pẹ nằm cách đường biên giới Việt Lào 15 km. Nơi đây là điểm dân cư cuối cùng từ phía Lào trước khi vào địa phận khu vực cửa khẩu Cầu Treo. Những ngôi nhà sàn bản Thoọng Pẹ nằm trên những ngọn núi thấp, gần với Đường 8. Bản nay đã có hơn 300 hộ gồm hơn 2000 nhân khẩu, trong đó người dân tộc Mông chiếm hơn 70%. Đứng trên ngọn đồi cao nằm ngay ven đường quốc lộ 8, thấy bản Thoọng Pẹ chia đôi nằm men dọc đường quốc lộ, kéo mãi vào tận sâu trong núi. Hiện, trong bản không còn có hộ đói. Theo phân chia hành chính, mỗi bản ở Lào tương đương cấp xã ở VN.Câu chuyện Thoọng Pẹ của trước năm 2002 là trồng cây thuốc phiện và đi rừng làm gỗ. Đến mùa, hoa anh túc nở bạt ngàn, trắng cả núi rừng. Người dân không biết trồng lúa, dù đất đai rộng rãi, màu mỡ. Nguồn thu nhập duy nhất là trồng cây thuốc phiện để bán. Ở Thoọng Pẹ người nghiện rất nhiều. Năm 1993, Đồn trưởng cũ của đồn biên phòng Cầu Treo là ông Nguyễn Đình Tiến đã đến Thoọng Pẹ với dự án làm đập nước giúp dân. Đó cũng là kết quả đặt dấu ấn bộ đội biên phòng Việt Nam trong trí nhớ người dân Thoọng Pẹ. Trước đó, người Mông ở Thoọng Pẹ sống trong rừng sâu với nhiều tập tục lạc hậu. Cứ đến bữa ăn, nhà nào cũng có một bát to nước lã đặt giữa mâm để chan ăn với cơm, thay… canh. Khi ốm đau, họ không bao giờ biết đến viên thuốc mà chỉ lo đi rước thầy cúng về nhà đuổi “con ma”.
Hoa gừng thay hoa anh túc
Để có được một Thoọng Pẹ đổi mới, không thể không nhắc tới Trung tá Võ Trọng Hải, nay đã là Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh. Năm 2002, Võ Trọng Hải về trạm biên phòng Cầu Treo. Nhiều lần sang giao ban với biên phòng nước bạn, câu chuyện bản Thoọng Pẹ đêm đêm sáng ánh đèn bàn, thơm lừng khói thuốc phiện khiến anh luôn trăn trở. Chỉ nằm cách đường biên 15 km, nếu không dẹp được bàn đèn, thì sớm hay muộn, nơi đây cũng trở thành điểm tập kết ma túy trước khi vào Việt Nam qua đường rừng. Đầu năm 2002, nhận lệnh của Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh, anh đưa bộ đội sang Thoọng Pẹ. Cả bản cắm lá xanh không tiếp khách, anh chỉ còn nước nhờ người bạn Vừ A Dinh trước cùng đi lính dẫn mối vào gặp trưởng bản Vừ Nỏ Văn. Anh Dinh là người Mông ở Kỳ Sơn, sau di cư sang Lào, ở bản Thoọng Pẹ.
Trung tá Võ Trọng Hải, người gắn bó sâu nặng với Thoọng Pẹ.Những ngày đầu, người dân Thoọng Pẹ ngờ vực ngồi bó gối trước cửa nhà sàn ngó mấy anh bộ đội Việt Nam hỳ hục cải tạo sân bay cũ Na Pê thành cánh đồng lúa nước. Mùa lúa đầu tiên, thóc chín vàng, thu hoạch xong, phát hết cho dân. Để có thể nói chuyện được với dân, trong 3 tháng đầu, cá khô và nước mắm, những thực phẩm người Mông ở Thoọng Pẹ thích nhất, được chở hàng xe ô tô sang phát. Kẹo cu đơ, một thứ kẹo ngọt nấu từ mật mía và lạc, cũng được mang sang làm quà. Gần được dân rồi, Hải bắt đầu thuyết phục bỏ trồng cây thuốc phiện.
Thời điểm đó, cả bản có 60 ha thuốc phiện, vào mùa nở trắng sườn đồi. Dân hỏi lại: “Không trồng cây thuốc phiện, vậy lấy gì mà cho vào miệng?”. Vậy là, Hải lại phải loay hoay tìm câu trả lời. Nhờ một Việt kiều Thái Lan tên Tấn tư vấn và cho 1 tấn gừng giống, anh đem về giao cho già làng, trưởng bản đem trồng, với điều kiện thu hoạch xong thì phải phát cho dân.
Chỉ một năm sau, cả bản Thoọng Pẹ lấy cây gừng làm nguồn sống. Từ gừng, cả bản giàu lên trông thấy. Có gia đình mỗi năm thu hoạch tới… 10 tấn gừng. Khi hoa gừng có thể thay màu hoa anh túc, đầu năm 2003, anh tự tin về báo cáo với Bộ chỉ huy BP Hà Tĩnh: “Đã giải quyết xong vấn nạn cây thuốc phiện ở Thoọng Pẹ”. Trưởng bản đầu tiên anh gặp ở Thoọng Pẹ là Vừ Nỏ Văn. Sau đó là Lìa Tu, Lầu Phổng, rồi Nừng Chá, nay là Nềnh Pá Sồng. Qua nhiều đời trưởng bản, cũng là chừng đó năm, bộ đội biên phòng Việt Nam qua giúp dân đã trở thành một thành viên thân thiết như trong gia đình. Khi cây gừng trở thành cây kinh tế thay thế cây thuốc phiện, Hải lại nghĩ cách lâu dài. Lần mò, Hải tìm được giống cây gió trầm hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Vậy là những sườn đồi trọc dần được phủ xanh một màu gió trầm.
Dân Việt