Đây là lần thứ 3 Lý Nguyễn Chung bị đưa ra xét xử sơ thẩm. Lần gần đây nhất, phiên tòa diễn ra vào sáng ngày 9/3.Tại phiên tòa này, luật sư gia đình bị hại đặt nghi vấn về việc bỏ lọt tội phạm, đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung để giám định lại vết chân của Chung.
Bà Hoàng Thị Hội (mẹ của bị hại) cho rằng, Lý Nguyễn Chung không phải là đối tượng duy nhất gây án, và một trẻ em tầm vóc như Chung lúc bấy giờ khó có thể thực hiện được hành vi sát hại đối với chị Hoan.
Phiên tòa hôm đó đã phải hoãn, trả hồ sơ điều tra bổ sung để xem xét vai trò đồng phạm trong vụ án.
Lý Nguyễn Chung trong phiên sơ thẩm trước. |
Đến nay, sau khi điều tra bổ sung, cơ quan điều tra xác định, Chung không có đồng phạm, giữ nguyên quyết định đề nghị VKSND tối cao truy tố một mình Lý Nguyễn Chung về tội ‘Giết người’ và ‘Cướp tài sản’.
Câu chuyện trở lên “nóng” khi gần đến ngày Lý Nguyễn Chung bị đưa ra xét xử, đột ngột xuất hiện là đơn của bà Nguyễn Thị Thu Hà (53 tuổi, trú ở xã Song Mai, TP Bắc Giang).
Bà Hà gửi đơn đề nghị làm rõ – liệu Lý Nguyễn Chung có thực sự là hung thủ giết chị Hoan? Bà này cũng đề nghị tạm hoãn chi trả 7,2 tỷ đồng bồi thường oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn.
Trong đơn kiến nghị, bà Hà khẳng định, năm 2003 bà quen biết chị Nguyễn Thị Hoan (nạn nhân bị giết) khi chị Hoan đi lấy hàng tạp hóa tại cổng chợ Thương, thị xã Bắc Giang. Bà Hà cho rằng Lý Nguyễn Chung ‘vô tội, được thuê để chịu tội thay cho ông Nguyễn Thanh Chấn’.
Sáng 20/7, bà Nguyễn Thị Yến, Vụ trưởng Vụ 3 (Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự) VKSNDTC cho biết, trong phiên xử Lý Nguyễn Chung ngày 21/7, bà Hà sẽ được mời đến tòa với tư cách người làm chứng, do biết một số tình tiết liên quan đến vụ án.
“Trong vụ án này, sau khi TAND tỉnh Bắc Giang tuyên án, VKSNDTC sẽ có nhiệm vụ xem xét lại bản án đã được tuyên nhằm tránh tình trạng oan sai”, bà Yến thông tin.
Liên quan đến việc bà Hà phát đi lá đơn nói trên, ông Nguyễn Thanh Chấn cho VietNamNet biết, sẽ làm đơn tố cáo bà Hà vì đã có hành vi vu khống. “Hành động kỳ quặc” của người phụ nữ tên Hà cũng khiến các luật sư có nhiều tranh cãi. Người cho rằng khó có thể khởi tố bà Hà về hành vi vu khống, cũng có người khẳng định điều ngược lại.
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Tạ Anh Tuấn cho rằng: “Nếu trước tòa, bà Hà với tư cách là người làm chứng, không chứng minh được ông Chấn phạm tội, có nghĩa là bà Hà đã khai gian dối. Tại tòa, những lời của bà Hà sẽ được thư ký ghi vào biên bản phiên tòa- đó là căn cứ xử lý bà này về tội khai gian dối và sẽ bị xử lý theo điều 307 Bộ luật hình sự.
Ngoài ra, nếu không có chứng cứ chứng minh bà Thân Thị Hải nói việc ‘chạy án’ cho ông Chấn và thuê Lý Nguyễn Chung nhận tội thay cho ông Chấn thì bà Hà sẽ phạm tội vu khống và sẽ bị xử lý theo điều 122 Bộ luật hình sự.”
Kết quả điều tra bổ sung: Lời khai của anh Nguyễn Văn An, người đi qua nhà nạn nhân vào thời điểm xảy ra án mạng cho thấy, anh này nhìn thấy thanh niên cởi trần cao khoảng 1,65m, từ 30 đến 35 tuổi. Qua thực nghiệm điều tra, anh An cho hay, chỉ thấy người đàn ông khom người, cúi mặt và những con số kia là do anh An suy đoán. Quá trình khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra phát hiện dấu vết lạ trên cửa hậu ngôi nhà nạn nhân. Trong khi đó, hung thủ khai không hề mở cửa hậu. Các tài liệu cũng không đủ căn cứ xác định dấu vết màu nâu (nghi máu) trên cửa hậu được hình thành khi nào và không xác định được ai là người tạo ra dấu vết này. Anh Văn Công An (ở Đắk Lắk) khai có nghe một người sống cùng gia đình Lý Nguyễn Chung ở Đắk Lắk nói: “Chung cùng ai đó” phạm tội, bỏ trốn vào Tây Nguyên. Nhưng sau khi đối chất giữa các bên, anh An thừa nhận câu nói này là không chính xác. Chung khai, sau khi sát hại đã lôi nạn nhân, nhưng hiện trường không thể hiện dấu vết dạng quệt. Trong khi đó, cán bộ kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, không nhớ xung quanh nơi nạn nhân nằm có dấu vết máu dạng quệt hay không. Đối với dấu vân tay trên vỏ chai bia tại hiện trường (vỏ chai Chung dùng gây án), qua trình điều tra xác định, trước khi bị giết, chị Hoan mở cửa hàng bán tạp hóa, có nhiều chai bia Habada. Nhiều người mua bia về uống rồi trả vỏ và có thể để lại vân tay. Do vậy không xác định được dấu vân tay trên vỏ chai bia gây án là của ai. Đối với dấu chân thu tại hiện trường, so sánh với vân chân của Lý Nguyễn Chung in trên khổ A4, cơ quan kỹ thuật hình sự xác định- 2 dấu chân đều của cùng một người. Hiện nay, vẫn không xác định được bộ quần áo và đôi dép Chung mặc khi gây án ở đâu. Bà Lành (mẹ kế của Chung) cho biết, sau khi Chung lên Lạng Sơn thì bộ quần áo ngâm ở chậu nước không còn. Chung khai, khi gây án đi dép nhưng không nhớ rơi ở đâu. Trong khi đó, biên bản khám nghiệm của cơ quan điều tra (CA tỉnh Bắc Giang) lại xác định: hiện trường khi khám nghiệm đã bị xáo trộn. Do vậy, Cơ quan điều tra Bộ Công an không có căn cứ truy tìm. |
- T.Nhung – N.Trang/ VNN