Bất chấp các quy định hiện hành
Tháng 7/2013, sau khi được Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo cấp giấy phép kinh doanh với các ngành nghề: “mua bán, sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản các loại, kinh doanh vật tư nông nghiệp, buôn bán tổng hợp, bia, nước giải khát, điện tử, điện lạnh”, ông Phạm Đăng Khoa đã tiến hành san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng thu mua, chế biến chè (tổng diện tích 780 m2) trên một phần mảnh đất vườn của người cha là ông Phạm Văn Giáp tại thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2.
Đồi chè liên kết giữa Xí nghiệp chè Tây Sơn với hộ nông dân được trồng, chăm sóc theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cơ sở chế biến chè của Bộ NN&PTNT |
Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 Cao Kỷ Vỵ khẳng định, việc gia đình ông Khoa xây dựng nhà xưởng chế biến chè khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất ở, đất vườn sang đất kinh doanh đã vi phạm các quy định hiện hành về quản lý đất đai. Vì vậy, ngay khi gia đình ông Khoa đang tiến hành xây dựng nhà xưởng, UBND xã Sơn Kim 2 đã làm việc với ông Phạm Văn Giáp (chủ sử dụng đất) và ông Phạm Đăng Khoa (chủ cơ sở chế biến chè) để tuyên truyền, vận động dừng ngay việc thi công, nhưng gia đình không chấp hành.
Ngày 10/12/2013, UBND xã Sơn Kim 2 đã có quyết định đình chỉ xây dựng và giao ông Khoa chịu trách nhiệm tháo dỡ công trình; yêu cầu HTX Dịch vụ điện Sơn Kim 2 không hợp đồng cung cấp điện cho ông Phạm Đăng Khoa vào mục đích chế biến chè. Tuy nhiên, gia đình ông Khoa không chấp hành quyết định trên mà vẫn tiến hành xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc, thiết bị.
Tại Thông báo kết luận số 68, ngày 27/2/2014 của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nêu rõ những sai phạm trong việc xây dựng xưởng chế biến chè của ông Khoa: việc xây dựng cơ sở chế biến chè trên đất vườn của ông Phạm Văn Giáp nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất ở, đất vườn sang đất kinh doanh; xây dựng cơ sở chế biến chè không nằm trong quy hoạch mạng lưới bảo quản, chế biến nông – lâm – thủy sản của tỉnh tại Quyết định số 1744/QĐ-UBND ngày 18/6/2012 của UBND tỉnh.
Mặc dù UBND tỉnh đã yêu cầu gia đình ông Khoa chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, của tỉnh về quản lý đất đai, sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè; UBND huyện Hương Sơn, xã Sơn Kim 2 lập biên bản vi phạm và yêu cầu dừng thi công, tự tháo dỡ nhà xưởng nhưng ông Phạm Đăng Khoa không chấp hành.
Nguy cơ “vỡ” vùng nguyên liệu
Trên địa bàn xã Sơn Kim 2 có 2 đơn vị đầu tư trồng, thu mua và chế biến chè là: Xí nghiệp Chè Tây Sơn (thuộc Công ty CP Chè Hà Tĩnh) liên kết với 550 hộ, đầu tư trồng 250 ha và Tổng đội TNXP (Tỉnh đoàn Hà Tĩnh) liên kết với 200 hộ, đầu tư trồng 130 ha. Các đơn vị liên kết sản xuất chè an toàn với các hộ dân thông qua hợp đồng kinh tế đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm bằng hình thức hỗ trợ khai hoang, phục hóa, cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua sản phẩm cho người dân.
Dây chuyền chế biến chè búp tại Tổng đội TNXP. Ảnh: Bá Tân |
Tiêu chuẩn chè búp tươi Việt Nam được công bố tận hộ và thông báo cho chính quyền địa phương biết. Giá chè được thống nhất công bố từ đầu năm. Khi thị trường thuận lợi, các đơn vị đều tăng giá thu mua phù hợp. Khi thị trường khó khăn, đơn vị vẫn thu mua cho người dân theo giá thống nhất từ đầu năm. Thực tế những năm vừa qua, chưa bao giờ xẩy ra trường hợp được mùa, mất giá. Đời sống người trồng chè ngày càng được nâng cao, nhiều hộ thu nhập trên 80 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu với hình thức liên kết với nông dân trong sản xuất – tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) này đang đứng trước thách thức lớn khi thị trường thu mua đang bị phá vỡ. Mặc dù không đạt được các quy định chặt chẽ trong hoạt động của cơ sở chế biến chè, ông Phạm Đăng Khoa vẫn tiến hành thu mua chè trong vùng nguyên liệu do 2 đơn vị là Xí nghiệp Chè Tây Sơn và Tổng đội TNXP đầu tư bằng hình thức liên kết với các hộ dân.
Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Hoàng Thế Lộc cho biết, đồng hành với ông Khoa trong việc tranh mua nguyên liệu chè còn có ông Nguyễn Văn Ngụ, trú tại thôn Thanh Dũng, xã Sơn Kim. Từ ngày 14/6 đến nay, gia đình ông Ngụ tranh mua nguyên liệu chè búp tươi của các hộ đội viên nằm trong vùng nguyên liệu do tổng đội đầu tư và thuê một số đối tượng lạ mặt chuyển ra cơ sở chế biến trái phép của hộ ông Phạm Đăng Khoa, đồng thời có hành vi dọa dẫm, uy hiếp cán bộ tổng đội.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Xí nghiệp Chè Tây Sơn cho biết, sản xuất, chế biến chè là ngành nghề có điều kiện, có tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng. Việc ông Ngụ, ông Khoa tranh mua nguyên liệu trên vùng nguyên liệu của Xí nghiệp Chè Tây Sơn và Tổng đội TNXP đầu tư diễn biến ngày càng phức tạp, dẫn đến đơn vị đầu tư trồng chè không quản lý được quy trình sản xuất, không thu hồi được vốn đầu tư, xuất hiện tình trạng sản xuất thiếu an toàn như phun thuốc không đúng loại, chưa đến ngày cách ly vẫn hái chè. “Nếu tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến phá vỡ vùng nguyên liệu chè an toàn mà các đơn vị đã dày công xây dựng, phá vỡ sự liên kết sản xuất giữa hộ gia đình và các DN. Hệ lụy là không DN nào muốn đầu tư liên kết với nông dân để trồng chè tạo vùng nguyên liệu” – ông Sơn bức xúc.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách và pháp luật điều chỉnh việc tổ chức sản xuất và quản lý nông sản theo chuỗi giá trị (trồng – chế biến – tiêu thụ) trên từng địa bàn nhằm tạo cơ hội để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững. Để giữ vững kỷ cương trong đầu tư xây dựng; đảm bảo nguyên liệu ổn định sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè, huyện Hương Sơn và các cơ quan liên quan cần sớm giải quyết dứt điểm việc xây dựng trái phép cơ sở sản xuất, chế biến chè của hộ ông Phạm Đăng Khoa.
Điều 4 Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng ghi rõ: “Các DN không được tranh mua nông sản hàng hóa của nông dân mà DN khác đã đầu tư phát triển sản xuất. Không được ký hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa mà người sản xuất đã ký hợp đồng với DN khác. Người sản xuất chỉ được bán nông sản hàng hóa sản xuất theo hợp đồng cho DN khác khi DN đã đầu tư hoặc ký hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa từ chối không mua hoặc mua không hết nông sản hàng hóa của mình”. |
Thanh Hoài – Thúy Ngọc