Khu dân cư của tôi nằm ở ngoại ô Sài Gòn, vốn rất yên tĩnh. Còn nhớ lúc mới dọn đến, đi đâu tôi cũng tranh thủ về trước 10 giờ tối vì đường rất vắng, dễ bị cướp. Bỗng dạo gần đây những lô đất trống xung quanh người ta động thổ không xây nhà để ở mà là... quán nhậu khiến tình hình nhộn nhịp hẳn lên
Đầu tiên là quán nhậu lẩu nướng, sau đó là quán nhậu lẩu dê, quán vịt nướng...dễ đến có hơn 5 quán nhậu bao vây khu dân cư nhỏ xíu. Ngay những ngày đầu tuần khách ăn nhậu đã đông đúc chứ không chờ đến cuối tuần, và hiện tại có 2 quán nữa sắp sửa khai trương.
Kể từ khi có những quán nhậu này, tiếng ồn đã xé toạc sự yên tĩnh mà tôi rất thích. Tiếng ồn không chỉ đến từ hàng trăm cái mồm nói cười râm ran, từ những tiếng hô: "một, hai, ba dzô, một, hai, ba, uống" mà còn đến từ karaoke.
Dường như karaoke được phát minh ra để góp phần làm cho cuộc nhậu của người Việt thêm phần xôm tụ thì phải. Rượu, bia vào thì lời hát bay ra, khổ nỗi điều này thực sự rất kinh khủng với những người cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, như tôi.
Xin kể lể dài dòng câu chuyện cá nhân như vậy để rồi đứng trên góc độ xã hội rộng hơn, tôi nhận thấy cách giải trí của người Việt dường như đang mắc kẹt trong ăn nhậu và hát karaoke. Quán nhậu đầy đường, từ bình dân đến không bình dân đều có đủ cho mọi tầng lớp chọn lựa. Chú xe ôm, anh thợ hồ, cậu văn phòng hay ngay cả sinh viên đều có thể dễ dàng hùn tiền rồi kéo ra quán nhậu lai rai sau mỗi giờ chiều. Rồi hát hò karaoke ầm ĩ. Rồi đổ thừa do nghèo nên đi nhậu và karaoke là hợp lý, vì rẻ.
Nếu ít tiền, chúng ta có thể đọc sách, học đàn, tự lập và sinh hoạt ở các câu lạc bộ văn nghệ, hội nhóm câu cá, đánh cờ vua, cờ tướng... Hoặc tích góp tiền đưa cả nhà đi du lịch, đi biển đổi gió cho mới mẻ đầu óc, có được không?
Tôi nghĩ rằng đừng lấy cái nghèo tiền bạc ra bao biện cho những hình thức giải trí mang dấp dáng tệ nạn nữa. Chính việc ăn nhậu và hát hò mới làm cho chúng ta nghèo nàn về cách giải trí.
Tác giả: Đức Nho
Nguồn tin: Báo VnExpress