Danh Nhân

Người thầy lừng danh của đất Hồng Lam

Dù tên tuổi không đăng lên sách báo, nhưng thế hệ học trò của thầy lớn lên trên mọi nẻo đường đất nước cũng như ở nước ngoài, nhiều người thành đạt trên các lĩnh vực, mỗi khi có dịp ôn lại, nhớ lại vẫn luôn nhắc đến thầy Đinh Chí với tất cả lòng tự hào, biết ơn và kính trọng, có nhiều học trò đã không ngần ngại tôn vinh thầy là bậc “Vạn thế hiền sư” (Người thầy của muôn đời) .

Thầy Đinh Chí cùng các thế hệ học trò bên cây Đào Trường thọ trước sân nhà (tháng 3/2014) tại quê hương
Thầy Đinh Chí cùng các thế hệ học trò bên cây Đào Trường thọ trước sân nhà (tháng 3/2014) tại quê hương

Đối với thế hệ chúng tôi không có gì may mắn và hạnh phúc bằng được học với những người thầy giỏi, tâm huyết với nghề, người sáng về đạo đức, nhân cách. Tôi là một trong số những người may mắn được học thầy Đinh Chí ba năm liền (1981-1984) ở Trường Trung học phổ thông Trần Phú, Đức Thọ, Nghệ Tĩnh (nay là tỉnh Hà Tĩnh); cũng là người được thầy khơi dậy niềm say mê đối với môn Lịch sử và Văn học từ khi vào học ở Trường THPT Trần Phú đầu những năm 80 của thế kỷ trước.

Thầy giáo Đinh Chí sinh năm 1934 ở làng Thượng Ích, xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Nhiều thế hệ học trò ở Hà Tĩnh trong nhiều thập kỷ (70,80, 90) của thế kỷ 20, cho đến bây giờ vẫn nức tiếng về một người thầy “thông minh vốn sẵn tính trời”, một con người tài hoa có trí nhớ siêu việt có thể dạy tốt bất kỳ môn học nào của các lớp học sinh cấp 3 (nay là THPT), một “Ông đồ Nho đời mới” uyên thâm, khẩu khí, đậm chất “Ông đồ Xứ Nghệ”.

Sinh ra ở vùng quê Đức Thọ, nơi có truyền thống hiếu học và khoa Bảng từ xưa, nơi đã sản sinh ra những bậc đại khoa lớp ông cha như: Phan Đình Phùng, Bùi Dương Lịch, Lê Văn Huân, Hoàng Xuân Hãn, Hoàng Ngọc Phách, Lê Thước, Lê Văn Thiêm…Những nhà cách mạng: Trần Phú, Nguyễn Tạo và lớp đồng niên như các giáo sư: Hoàng Ngọc Hiến, Phạm Đức Dương, Hà Ngọc Trạc, Đào Vọng Đức….

Năm 1955, thầy Đinh Chí ra Hà Nội thi vào Trường Đại học tổng hợp (Nay là Đại học quốc gia Hà Nội), Khoa Sử, đậu thứ 2 sau Hà Văn Tấn, sau này là Giáo sư Sử học, một trong  “Tứ trụ của Sử học Việt Nam: Lâm, Lê, Tấn, Vượng.

Mang dòng máu của đất học Hồng Lam, thầy Đinh Chí tốt nghiệp Đại học khoa Sử khóa đầu tiên của Việt Nam đã tình nguyện về quê Hà Tĩnh dạy học ở Trường Cấp 3 Phan Đình Phùng (1957), Trường THSP 10+1, Trường Cấp 3 Đức Thọ, Cấp 3 Trần Phú (Đức Thọ) cho đến khi nghỉ hưu. Trên ba mươi năm gắn bó với nghề dạy học, thầy Đinh Chí đã đào tạo và xây dựng phong cách học tập và tư duy khoa học cho hàng nghìn học trò đã trở thành các nhà chính trị, khoa học nhà giáo và kinh tế có uy tín, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc và xây dựng quê hương. Trong số đó có những người là Bộ Trưởng, Thứ trưởng, các vị Tướng tài của Quân đội, cán bộ, chuyên gia đầu ngành của Trung Ương, địa phương; nhiều giáo sư, tiến sỹ, nhà giáo Ưu tú , nhà giáo Nhân dân là những nhà khoa học hàng đầu của đất nước đã và đang đảm nhận các chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học (Giáo sư,  tiến sỹ Nguyễn Văn Đính – Hiệu Trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh); Giám đốc,  Phó Giám đốc Sở  Giáo dục và Đào Tạo  Hà Tĩnh (Đinh Lê Báu, Nguyễn Khắc Hào, Nguyễn Trí Hiệp…), các nhà văn, nhà báo có tiếng tăm.

Bản thân thầy giáo Đinh Chí say mê với môn Lịch sử, truyền tải tình yêu quê hương đất nước đến lớp lớp các thế hệ học trò. Bằng nghệ thuật dạy học của mình làm cho những tiết giảng trên lớp của thầy luôn có sức hấp dẫn, lôi cuốn học trò; những tiết học để đời trong tâm thức của bao nhiêu thế hệ học trò. Bởi vì, “Cái chính là thầy đã biết cách phả hồn vào môn Sử vốn dĩ khô khan khiến ai được học thầy cũng say mê môn Sử. Trộm nghĩ, giờ đây nếu vẫn còn những người thầy như nhà giáo Đinh Chí trên bục giảng, hẳn môn Sử sẽ không bị học trò rẻ rúng và xem thường đến vậy” (Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc – Nhân cách ông Đồ cử – thi gia).

Nhà giáo ưu tú Đinh Lê Báu, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, Đinh Lê Báu đã viết về thầy mình như sau:

“Thời gian tôi học với thầy tuy rất ngắn, chỉ trong một năm tại Trường Phan Đình Phùng. Đó là thời bao cấp vô cùng khó khăn nhưng tình cảm thầy trò rất gắn bó. Tính thầy rất nghiêm khắc nhưng cách giải quyết của thầy lại rất êm dịu. Mỗi giờ học với chúng tôi là một giờ khám phá đầy lý thú, là những kiến thức uyên thâm về Lịch sử, là những câu chuyện kể sinh động về chuyện đời, chuyện người để trưởng thành, để lớn lên vừa nhẹ nhõm, vừa sâu sắc”.

Còn Nhà giáo nhân dân Nguyễn Trí Hiệp, Nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh (đã nghỉ hưu), viết:

“Dù dạy học trong môi trường nào, thầy Đinh Chí luôn đam mê nghề nghiệp, có kiến thức uyên thâm trên nhiều lĩnh vực. Được đào tạo chuyên ngành Sử nhưng có thể dạy được nhiều môn khoa học xã hội khác. Thầy Đinh Chí còn nghiên cứu sâu về Toán, là người thầy độ lượng, bao dung, hết lòng vì học sinh thân yêu, nghĩa hiệp với đồng đôi, đồng chí, gần gúi với bà con hàng xóm. Là người thẳng thắn  không xu nịnh, thường dị ứng với cường quyền, có cách kể chuyện hấp dẫn kỳ lạ. Gia tài thầy Đinh Chí là cả những pho chuyện đời, chuyện nghề dạy học được kể với một nghệ thuật rất truyền cảm, mang phong cách riêng để lại những bài học về nhân sinh, ứng xử đậm chất nhân tình. Nhà giáo Đinh Chí là một cuốn từ điển sống…Ở con người ấy, một người thầy có kiến thức uyên thâm nhiều lĩnh vực ở tâm cao, thầy có thể đọc thuộc cả Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm nhưng cũng là người từng cầm dao chia thịt, cầm chai rót nước mắm cho anh em đoàn viên Công đoàn. Suốt một đời đi học và đi dạy, rồi làm cán bộ quản lý, chúng tôi chưa gặp được nhân vật thứ hai nào như nhà giáo Đinh Chí”.

Nhà giáo ưu tú, Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh có những lời vàng ngọc:

“Các thế hệ học trò thầy Đinh Chí luôn mang trong mình niềm kiêu hãnh về một người thầy tạo dựng nên tượng đài về nhân cách sống và phong cách làm việc. Ngay cả những học trò chưa một lần được nghe thầy giáo ấy giảng, chưa một lần được nghiêng đôi tai rạo rực trong lòng qua những giờ Sử của thầy mà chỉ được biết, được kể lại, truyền lại ấn tượng mạnh mẽ đều hết sức khâm phục về thầy giáo Đinh Chí.

Nhân cách thầy giáo Đinh Chí lan tỏa, ánh lên trong thế hệ học trò về cách ứng xử trong đời thường, nghệ thuật giảng dạy trên lớp, sự kết hợp hài hòa kiến thức sách vở và những việc cụ thể của đời thường…Là thầy dạy Sử nhưng thầy còn tinh thông các môn Văn học, Địa lý và Ngoại ngữ. Nghiêm khắc nhưng đầy quan tâm, thẳng thắn nhưng mềm dẻo chứa chan, nhiệt huyết”.

nguoithaydatHongLam

Bìa của cuốn sách: Thầy Đinh Chí – Nghiệp đời và Ngũ Thiên tự, 2014

Đối với tôi thầy Đinh Chí ngoài bộ óc tuyệt vời với trí nhớ siêu việt, đa tài trên nhiều lĩnh vực; yêu thương học trò, đồng nghiệp hết mực, căm giận đến điều giả dối, giốt nát và bất công. Nhờ thầy dạy dỗ, tốt nghiệp Trường THPT Trần Phú, tôi được sang Liên Xô học. Sang nước bạn, tôi viết thư cho thầy. Với đồng lương còm cõi của những năm 85-86, thầy dành để viết thư cho tôi sang Moskva, một bức thư, hôm nay đúng  30 năm tròn trịa, đầy xúc động. Nội dung bức thư có đoạn: ”Từ Moskva xa xôi Tịnh vấn nhớ tới Thầy. Lương Thầy không đủ để mua nổi gói thuốc Lào, nhiều người bi quan, yếm thế (chán đời)”. Rồi thầy lấy một câu tiếng Pháp của một người thầy nổi tiếng gửi học trò đại ý: Con cá này rồi sẽ lớn đây”. …”Nay em có điều kiện học tập, mong em cố gắng, để khỏi phụ lòng cha mẹ và thầy cô”.

Thư bất tận ngôn (Thư này nói không hết lời).

Thầy Đinh Chí/HTU

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Võ Minh Châu (2014), Thầy giáo Đinh Chí – Nghiệp đời và Ngũ Thiên tự, NXB Nghệ An.

2. Nguyễn Minh Ngọc (Nhà văn), Nhân cách ông Đồ -Cử -Thi gia

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP