Ngày 3/10, Công an TP HCM phối hợp cùng huyện Hóc Môn và ngân hàng xác minh tài khoản nhận 1,3 tỷ đồng của bà Phan (55 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) để điều tra đường dây lừa đảo qua điện thoại.
Trưa hai hôm trước, điện thoại bàn nhà bà Phan có số +84(0)236113 gọi đến. Đầu dây là người đàn ông xưng tên Phạm Tuấn Anh, công tác tại Công an TP Đà Nẵng, thông báo bà Phan liên quan đường dây ma tuý xuyên quốc gia mà họ đang điều tra. Bà rất hoang mang, nhất là cách nói chuyện giống "hỏi cung" của ông ta, nên cung cấp tất cả thông tin về tài khoản, điện thoại... của mình.
Ít phút sau, cũng số điện thoại này gọi vào điện thoại di động của bà, nhưng là người phụ nữ xưng là Khương Thị Minh Hằng - Phó vụ trưởng Công tố viên làm việc tại VKSND Tối cao. Cô ta tiếp tục khẳng định bà Phan tham gia đường dây ma tuý nên mới có số tiền lớn trong tài khoản.
Hoảng sợ, bà Phan kêu oan. "Nữ vụ trưởng" hạ giọng an ủi, yêu cầu "chuyển tiền vào tài khoản an toàn" để cơ quan điều tra xác minh nguồn gốc, nếu bà thật sự vô tội sẽ được trả lại. "Bà không được lộ điều này với ai, nếu không sẽ bị cho là đồng phạm, bị bắt đưa ra Đà Nẵng điều tra", cô ta nói.
Tin lời, ngay trong chiều, bà Phan lén gia đình đến ngân hàng ở huyện Hóc Môn chuyển gần 1,3 tỷ đồng vào tài khoản Hằng cung cấp. Chờ mãi không thấy cơ quan điều tra gọi lại hay chuyển trả tiền, bà Phan biết bị lừa nên đến công an trình báo.
Công an TP HCM từng nhiều lần cảnh báo đến các tỉnh thành về thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại. Những băng nhóm do người nước ngoài cầm đầu, cấu kết một số người Việt giả là cảnh sát, cán bộ VKS gọi điện đến nhà dân hăm doạ dính líu đến tội phạm, yêu cầu chuyển tiền để xác minh rồi chiếm đoạt.
Số điện thoại hiển thị đến người nghe thuộc Bộ Công an, VKS, công an các tỉnh thành... được chúng làm giả bằng công nghệ cao. Nạn nhân thường là những người lớn tuổi, ít tiếp xúc với các phương tiện thông tin nên thường sập bẫy những băng nhóm này.
Cách 'đọc vị' các cuộc điện thoại lừa đảo. |
Tác giả: Nhật Vy
Nguồn tin: Báo VnExpress