Pháp luật

Người phụ nữ bị bắt vì đi xe máy đụng phải ô tô... kêu oan

Sau khi được cơ quan cảnh sát điều tra đình chỉ vụ án, Trúc tiếp tục kêu oan và muốn minh oan cho mình cũng như không để ảnh hưởng đến người thân.

Ngày 23/8, Thạch Thị Bé Trúc (sinh năm 1994 tại ngụ tỉnh Long An) cho biết đã nộp đơn khiếu nại quyết định đình chỉ vụ án của cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Củ Chi, TPHCM.

Trước đó, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Củ Chi đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Trúc về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Trong quyết định đình chỉ, cơ quan điều tra nhận định “trong quá trình điều tra do chuyển biến tình hình mà hành vi của Bé Trúc không còn gây nguy hiểm cho xã hội nữa, phần dân sự đã giải quyết dứt điểm nên Bé Trúc có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 230 BLTTHS và điểm a khoản 2 Điều 29 BLHS, cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra bị can”.

Trúc từng tự sát vì nhớ con.

Về lý do làm đơn khiếu nại công an huyện Củ Chi, Trúc nói: "Tôi rất đau lòng khi con bị bạn bè trêu chọc “mẹ mày đi tù” nên muốn minh oan cho mình cũng như không để ảnh hưởng đến người thân. Còn nếu bản thân thật sự có tội, tôi đi tù bao nhiêu năm cũng không sợ".

"Hơn 9 tháng tôi bị tạm giam, không người nào trong gia đình chồng, kể cả chồng, đến thăm. Tôi muốn gặp con họ cũng không chấp nhận. Nhớ các con tôi chỉ biết khóc. Quá tuyệt vọng, tôi 3 lần đập đầu vào tường để tìm cái chết nhưng không được", Trúc kể, giọng nghẹn ngào.

Ngừng một lúc, cô cho biết, hiện hai con ở nhà nội, mỗi tháng chỉ được gặp mẹ một lần. "Tôi đang làm thủ tục ly hôn và xin được nuôi hai bé. Nhưng nếu nhà chồng cương quyết giành con thì tôi sẽ giao cả hai đứa cho họ. Tôi không muốn anh em chúng nó mỗi người một nơi, lớn lên như người lạ", Trúc khóc.

Là một trong 3 luật sư bảo vệ miễn phí cho Trúc, ông Trịnh Kim Ron Tha (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết đã làm đơn khiếu nại quyết định và bản kết luận điều tra của Công an huyện Củ Chi, đồng thời hướng dẫn Trúc thực hiện thủ tục ly hôn với chồng.

Theo luật sư, trong quyết định đình chỉ điều tra bị can, cơ quan điều tra áp dụng điểm a khoản 2 Điều 29 BLTTHS 2015 là không phù hợp. Bởi theo điều khoản này, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự vì khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì sẽ không được xin lỗi, bồi thường theo luật định.

Thay vào đó, luật sư Tha cho rằng, cơ quan điều tra cần áp dụng lý do "quá thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm" theo điểm b khoản 1 Điều 230 BLTTHS 2015 hoặc "hành vi không cấu thành tội phạm" theo khoản 2 Điều 157 BLTTHS 2015 mới phù hợp.

"Trúc bị bắt tạm giam khi vừa mới sảy thai đồng thời đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Ngoài ra, việc cơ quan điều tra lấy lời khai mà không yêu cầu luật sư hỗ trợ tư pháp trong khi Trúc là người dân tộc, học vấn kém lại có hoàn cảnh khó khăn là vi phạm nghiêm trọng tố tụng", luật sư Tha nói.

Như Dân trí từng phản ánh, vào lúc 22h ngày 27/3/2015, Trúc chạy xe máy chở bạn là Ngọc đi trên đường nông thôn. Khi đến ngã tư, băng qua đường Trần Văn Chẩm (huyện Củ Chi, TPHCM), xe của Trúc va chạm với ô tô do ông Huỳnh Nhật Hoài điều khiển. Vụ tai nạn làm chị Ngọc tử vong tại bệnh viện sau 4 ngày chữa trị.

Theo hồ sơ vụ án, Trúc có lỗi chính, điều khiển xe máy “không có giấy phép lái xe, lưu thông từ đường nhánh ra đường chính không nhường quyền ưu tiên cho ô tô đang đi trên đường chính, vi phạm khoản 9 Điều 8 và khoản 3 Điều 24 Luật Giao thông đường bộ”.

Còn tài xế ô tô, cáo trạng xác định là “có phần lỗi phụ là điều khiển xe khi đến ngã tư không làm chủ tay lái” nhưng không bị truy tố hình sự.

Tác giả: Xuân Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP