Hà Tĩnh Bình Yên

Người nhớ… cột mốc

Đại tá, Tham mưu trưởng Nguyễn Trịnh Ngọ, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, kiêm Đội trưởng Đội cắm mốc tuyến biên giới giáp hai tỉnh Bô-ly-khăm-xay và Khăm-muộn của Lào vẫn ngày đêm trèo đèo lội suối đi cắm mốc sau khi nhận thông báo nghỉ hưu trước một năm, cho đến ngày cầm quyết định rời quân ngũ. Nhưng chuyện thú vị về ông đại tá này chưa dừng lại ở đó…



Lập kỷ lục đi rừng từ khi còn là lính biên phòng nên đại tá Ngọ thông thuộc đường đi lối lại trên tuyến biên giới đến mức nếu bộ chỉ huy cần sang một bản nào đó của Lào, hỏi, là ông chỉ đường ngay. Đây là lý do năm 1990 Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh và UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định giao cho Tham mưu trưởng Ngọ kiêm luôn đội trưởng đội cắm mốc.Nhắc lại chi tiết này, ông vào chuyện bằng những khắc họa cụ thể: “Trên biên giới nếu ai không đi được là phải dìu hoặc gánh về. Đội trưởng đội cắm mốc không chỉ thạo đường mà còn phải đi khỏe và quyết ngay những tình huống bất ngờ xảy ra”.Đi xuyên rừngTheo ông, quy trình cắm mốc khó nhất, gian nan nhất là đi tìm vị trí để xác định chính xác những cái chấm ly ti trên bản đồ hai nước nằm ở đâu trên đường phân thủy giữa núi rừng biên giới. Đường phân thủy chính là đỉnh dãy Trường Sơn. Mái đông Trường Sơn là đất VN, mái tây Trường Sơn là đất Lào. Nếu sợ khó, sợ khổ thì không thể lần theo đường phân thủy này. Ông bảo trong muôn vàn sự khó và khổ trên rừng biên giới, sợ nhất là một thành viên trong đoàn của ta hay của Lào bị đau ruột thừa hoặc gãy chân. Không thể cõng bệnh nhân về bệnh viện cứu chữa kịp thời vì địa hình dốc thẳng đứng, lại có nơi lối mòn đi giữa một bên lèn đá một bên vực sông. Thuốc men thì không có gì ngoài mấy viên thuốc cảm.

Dựng cột mốc. Ảnh: Sông LamÔng kể lần vỡ kế hoạch đầu tiên. Hôm ấy đi nửa ngày trên đường phân thủy nhưng không thấy một khe nước nào mà trời biên giới cứ nóng như rang. Tình thế buộc ông phải quyết ngay: “Dù anh em đói nhưng lương khô vẫn cứ để nguyên vì ăn mà không có nước thì không tài nào chịu nổi. Việc tiếp theo là mở bản đồ rà xem địa hình nào có khe, suối là chuyển theo hướng đó ngay”. Thế là toàn đội vừa ráng nhịn vừa trượt xuống dốc suốt ba giờ liền. Khi nhìn thấy suối, có người ném balô, để nguyên cả quần áo lội xuống ngâm cho thoát cái nóng nực. Có người vục một mũ nước uống ừng ực cho đỡ khát rồi mới dựng bếp nấu cơm. Hôm sau, ăn sáng xong, anh em nấu nồi cơm thứ hai rồi gói nguyên cả nồi vào ba lô để ngược lên rừng đi tìm vị trí mốc mới, phòng trên đường đi không có nước nấu cơm… Lần hai vỡ kế hoạch lại do… thừa nước. Từ mốc M14, đi qua hai mốc tiếp theo để tìm vị trí mốc M17 thì bỗng gió mùa đột ngột ập đến. Rừng sương, mây, mưa mù mịt, đứng cách hai mét không thể nhìn thấy nhau. Anh em không tài nào nấu ăn được mặc dù những chiếc lốp caosu đưa theo được huy động tối đa để nhóm lửa nhưng do củi ướt sũng nên không thể bén lửa. Lần này ông cũng quyết ngay bằng cách quay về cột mốc M14, tạm trú tại đồn biên phòng gần đó để lấy sức cho chuyến đi ngày mai. “Lúc đó, nếu cứng nhắc không dám lùi lại có khi anh em chết đói giữa rừng” – ông nói. Lần vỡ kế hoạch thứ ba là hết lương thực do chặng đường sông trục trặc không như dự tính. Đấy là chuyến đi xác định hai vị trí mốc cuối cùng giáp biên giới tỉnh Bô-ly-khăm-xay. Cả đội đi bằng hai xuồng máy một ngày đêm mới đến bản Na Hạo. Ngày hôm sau do càng ngược rừng suối càng nhỏ hơn nên ông thuê hai xuồng nhỏ hơn. Đi tiếp hai ngày nữa thì lương thực cạn. Anh em đang loay hoay thì ông quyết định quay về huyện Vũ Quang giáp dưới chân rừng tiếp lương thực rồi cắt đường tìm vị trí cột mốc M483, M484. Hai cột mốc này ở độ cao 1.994m so với mặt biển. Chuyến đi ròng rã một tuần.Trong hai năm đi xác định vị trí cột mốc, ông Ngọ không nhớ bao nhiêu lần trèo đèo lội suối, đu cây, bám dây. Một lần đang trượt xuống dốc lởm chởm, bàn tay ông nắm phải một thân cây để chuyển hướng. Không ngờ đó là cây mây khiến lòng bàn tay ông tướp máu do chi chít gai mây cắm sâu. Ông bảo: “Đúng là máu chảy ruột mới đau chứ sên, vắt, muỗi rừng thì chẳng bõ bèn gì đối với cánh lính đi tìm vị trí cắm mốc”.Về hưu vẫn nhớ… cột mốcTháng 4.2010 ông Ngọ nhận quyết định, mang balô về hưu. Khi đó đội của ông đã hoàn thành mốc thứ 33 trong tổng số 55 mốc. Ngồi ôn lại những kỷ niệm cuối đời lính, ánh mắt của ông ánh lên vẻ hồn nhiên, chân tình. Ông nói một câu ngắn nhưng khiến tôi ngẫm nghĩ: “Về hưu rồi vẫn tiếc chưa cắm hết mốc”. Ông bấm đốt ngón tay nhẩm tính thời gian hoàn thành 22 cột mốc còn lại rồi cầm điện thoại gọi đồng đội cũ: “Chú đang đi rừng hay về thăm vợ? Tớ vẫn bình thường. Vàng mắt cua hả? Thở ra lỗ tai hả? Nhớ không cho anh em ngủ gần bờ suối nhé, lỡ đêm mưa rừng nó cuốn mất tăm đấy. Còn khi mắc võng tránh những cành cây khô phía trên, nhé, nhé…”. Ông nói, giọng vang nhưng đầm ấm.

Ông Ngọ nhẩm tính thời gian hoàn thành những cột mốc tiếp theo. Ảnh: Sông LamĐúng như nhiều người thuộc nhiều cơ quan khác nhau nhưng cùng một đội cắm mốc nhận xét: Đến tuổi về hưu mà ông Ngọ vẫn khí thế hừng hực, vẫn tâm huyết. Ông là người của công việc. Có người nói: “Không phải lính biên phòng nhưng nhắc đến ông Ngọ là tôi kính nể. Tìm được một cán bộ như ông Ngọ thật khó…”.Tôi sực nhớ tới chi tiết những đêm chuẩn bị sáng mai đi cắm mốc bao giờ ông cũng lụi cụi kiểm tra từng lọ thuốc, gói trà, đôi đũa cho anh em. Ông nói: “Lo cho anh em chu đáo là lo cho mình đấy. Lo càng kỹ càng yên tâm về chuyến đi mới”. Hồi chưa kiêm chức đội trưởng cắm mốc, là đại tá tham mưu trưởng nhưng ông trực tiếp lo liệu chế độ, bồi dưỡng ngày lễ, tết để “lính không phải ra quán ăn uống. Anh nào gần nhà nhưng phải trực thì có thể đưa vợ con lên ăn tết cùng. Thậm chí trực chỉ huy cũng đến ăn với lính tham mưu”.Như vẫn chưa dứt mạch cảm xúc về chuỗi ngày đi cắm mốc, ông trầm ngâm khi nhớ về đồng đội, kể cả bạn Lào, những người từng gặp nạn được ông chăm sóc tận tình. Một lần trung tá Lê Tử Hán, trợ lý công binh của Bộ Chỉ huy quân sự Hà Tĩnh, một trong 28 thành viên của đoàn đi rà phá bom mìn không may bị trượt chân, ngã ngửa người, cái biđông chèn trúng sống lưng gây chấn thương cột sống. Ông dừng lại, cử người mang balô, soong nồi, lương thực dìu ngay trung tá Hán về Đồn biên phòng 565 để kịp chuyển về tuyến sau. Anh A Li Nha, phiên dịch của Lào bị ngã, dãn dây chằng đầu gối. Đoạn đường này nằm dưới chân lèn không có cách gì gánh được nên ông giao cả đội thay nhau vừa dìu đi vừa động viên, vừa xoa thuốc cho A Li Nha. Lẽ ra chuyến này chỉ mất ba giờ nhưng do phải đi chậm để dìu bạn nên mất một ngày mới về đến trụ sở của anh ở thị trấn Lạc Xao, tỉnh Bô-ly-khăm-xay. Còn trung úy Phạm Hồng Sơn – phiên dịch tiếng Lào – cũng bị ngã dãn dây chằng lưng, bốn anh em thay nhau dìu mất năm ngày. Ông nói: “Đi rừng đã vất vả, bị thương còn khổ hơn. Có người gặp nạn khiếp quá nên không hào hứng đi nữa. Vì thế phải tìm mọi cách để xoa dịu vết thương cho đồng đội mỗi khi gặp nạn”.Hóa ra, người ta nói “ông về hưu rồi vẫn nhớ” là bởi không còn được đi cắm điểm mốc cuối cùng; không còn cơ hội để giúp đỡ anh em khi bị nạn; không trực tiếp kiểm tra trên những cánh võng của lính mắc giữa rừng không có cành cây khô và tuyệt đối không được bố trí anh em ngủ bên bờ suối…

Không nề hà và luôn hoàn thành xuất sắc…
Trung tướng Võ Trọng Việt – Tư lệnh Bộ đội Biên phòng – nói: “Tuyến biên giới Việt-Trung đã hoàn thành cắm mốc. Cuối năm 2014 sẽ hoàn thành tiếp tuyến Việt Nam-Lào và Campuchia. Trong lực lượng chủ công của Bộ đội biên phòng, đồng chí Ngọ là một cán bộ trưởng thành từ cơ sở nên có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, đặc biệt khi tác chiến ở tuyến biên giới. Được giao việc gì đồng chí cũng không nề hà và hoàn thành xuất sắc. Uỷ ban Biên giới (Bộ Ngoại giao), Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tặng đồng chí Ngọ 5 bằng khen do lập thành tích đi nhiều chuyến nhất và chuyến nào cũng đạt kết quả cao”.

Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP