Trong nghìn năm mở mang bờ cõi, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa đã lưu dấu ấn của nhiều người con quê hương xứ Nghệ.
1. Trong cuộc hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988, 64 người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã nằm lại ngoài biển khơi, lấy máu thịt của mình để khẳng định thêm một lần nữa chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Trong 64 người con ưu tú đó có 8 người con quê hương Nghệ An. Họ – tuổi đời còn rất trẻ đã không tiếc thân mình, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì sự toàn vẹn lãnh thổ của dải đất hình chữ S thân thương.
Hòa bình rồi nhưng con dân nước Việt vẫn phải ngã xuống cho sự toàn vẹn lãnh thổ được đánh đổi bằng những máu xương của thế hệ cha ông. Ngày 18/1/2014, Trung úy Phan Văn Hạnh (SN 1980, quê xã Vĩnh Thành, Yên Thành, Nghệ An) ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ đảo Tốc Tan C (quần đảo Trường Sa). Tháng 10/2014, một người con xứ Nghệ khác là thượng úy Dương Văn Bắc (xã Nghĩa Dũng, Tân Kỳ, Nghệ An) hi sinh ở nhà giàn DK 1. Đó chỉ là số ít trong số hàng chục, hàng trăm người con đã ngã xuống nơi đầu sóng ngọn gió. Họ đã sống – chiến đấu và ngã xuống, giữa thời chiến hay thời bình, chỉ vì một lý tưởng cao nhất: Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ mà cha ông đã xác lập và giữ gìn suốt bao đời nay.
2. Ngược thời gian, trở về cách đây vài thế kỷ, dấu ấn của người Nghệ đã lưu lại trên hai quần đảo này. Nó như một bằng chứng, một cứ liệu lịch sử, một bẳng chứng đanh thép để khẳng định: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng để chúng minh chủ quyền của mình đối với hai quần đảo này. Những bằng chứng được xác lập từ lâu đời và không ai có thể chối cãi được.
Hoàng Sa và Trường Sa với tên gọi chung là “Bãi cát vàng” là hai quần đảo nằm trên biển Đông thuộc chủ quyền nước ta trong suốt hơn 600 năm lịch sử. Bởi theo các tài liệu chính thống thì vua Lê Thánh Tông đã cho vẽ bộ bản đồ toàn quốc mang tên “Hồng Đức bản đồ” vào năm Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490), trong đó bao gồm các quần đảo ngoài biển Đông. Như vậy, Hoàng Sa – Trường Sa đã được nhà nước phong kiến Việt Nam đưa vào bản đồ từ cuối thế kỷ XV.
Trong nhiều bộ thư tịch của nước ta viết về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa dưới hai triều đại Lê và Nguyễn thì số tác phẩm do người Nghệ biên soạn (hoặc tham gia biên soạn) chiếm số lượng rất lớn.
Trong đó phải kể đến bộ “Thiên Nam Tứ chí lộ đồthư” của Đỗ Bá Công Đạo – một người con xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương. Trong khoảng những năm Chính Hòa (1680 -1705), Đỗ Bá Công Đạo giả dạng lái buôn dong thuyền vượt biển vào Nam. Khi đã khảo sát kĩ càng, ông vẽ bản đồ các nơi ở xứ Đàng Trong. Các bản đồ của ông được tập hợp trong 4 tập của “Tứ chí lộ đồ”.
Trong đó, “Bãi cát vàng” được ghi chép một cách cụ thể như sau: …Giữa biển có một quần đảo dài 400 lý và rộng 200 lý có tên là “Bãi cát” vàng nhô lên từ đáy biển hướng về phía duyên hải giữa hai cảng Đại Chiêm và Sa Vinh. Vào mùa mưa Tây Nam, các thuyền buôn từ các quốc gia khác nhau qua lại gần bờ thường bị đắm ở các khu vực quần đảo này… Mỗi năm trong suốt tháng cuối cùng của mùa đông, các chúa Nguyễn đều phái tới đảo này một hạm đội gồm 18 tàu buồm để vớt các chiếc tàu đắm… Từ cảng Đại Chiêm phải đi mất một ngày rưỡi mới đến quần đảo này, trong khi chỉ mất có một ngày nếu đi từ Sa Kỳ…” (*). Như vậy có thể khẳng định, 2 quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa thuộc quyền quản lý của Việt Nam từ rất lâu trước những năm 1680.
Trong cuốn “Đại Việt sử kỳ tục biên” do 7 vị đại thần biên soạn dưới lệnh của Chúa Trịnh Sâm thì người làm toản tu cho bộ sử này cũng là một đại thần quê Nghệ An – Phạm Nguyễn Du. Trong sự nghiệp quan trường, Hoàng giáp Phạm Nguyễn Du (quê xã Nghi Xuân, Nghi Lộc) được thăng tới chức Đông các đại học sỹ và được Chúa Trịnh Sâm cho tham gia vào việc biên soạn sử. Trong bộ “Đại Việt sử ký tục biên” do ông cùng 6 vị đại thần khác biên soạn có phần chép như sau: “…trong đảo có Bãi cát vàng dài ước 30 dặm, bãi phẳng nước trong. Đảo có vô số tổ yến, ở bãi cát lại có ốc vằn, tục gọi là ốc tai voi, ốc xà cừ, ốc hương và hải trùng, hải sâm, đồi mồi… Đặt đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào đội ấy, cắt lượt nhau đi thuyền đến đảo mò tìm sản vật…”.
Trong bộ sách “Đại Nam thực lục” ghi chép sự kiện lịch sử từ 9 đời Chúa Nguyễn đến hết đời vua Khải Định cũng có sự tham gia đóng góp của nhiều sử quan người Nghệ An như Nguyễn Trung Mậu, Cao Xuân Dục và con trai Cao Xuân Tiếu (đều người Diễn Châu). Phần Tiền biên của bộ sách này ghi rõ: “…Tháng 7 mùa thu năm Giáp Tuất (1753), dân đội Hoàng Sa gặp gió to, dạt vào hải phận Quỳnh Châu thuộc nhà Thanh. Quan Tổng đốc nhà Thanh chu cấp đầy đủ rồi đưa về, Chúa sai viết thư gửi qua.
Ngoài biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có 130 cồn cát, cách xa hoặc một ngày đường hoặc vài trống canh, chiều dài không biết tới mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn Lý Trường Sa Châu, trên có giếng nước ngọt, sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, giải, ba ba. Hồi quốc sơ đầu triều Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 người lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm cứ đến tháng 3 cưỡi thuyền ra đảo, ba ngày ba đêm tới nơi, thu lượm hóa vật, đến tháng 8 trở về nộp. Lại có đội Bắc Hải mộ dân Tư Chính, Bình Cố hoặc xã Cảnh Dương sung vào, được lệnh cưỡi thuyền nhỏ ra các đảo Côn Lôn ở Bắc Hải thu lượm, cũng do đội Hoàng Sa cai quản luôn”.
Cán bộ, chiến sỹ là người Nghệ An tại đảo Đá Tây C đón khách từ đất liền ta thăm (ảnh Hoàng Trần).
Phần “Chính biên”ghi chép cụ thể và chi tiết hơn: “…Năm Bính Tý, niên hiệu Gia Long thứ 15 (1816), vua ra lệnh cho thủy quân đi thuyền ra đảo Hoàng Sa để khám xét và đo đạc hải trình”. “Năm Giáp Ngọ, niên hiệu Minh Mạng thứ 15 (1834), sai Giám thành đội trưởng Trương Phúc Sỹ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền tới đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẽ bản đồ”.
Như vậy, trong bộ chính sử của nhà nước, Hoàng Sa, Trường Sa là một đơn vị hành chính cụ thể trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Về việc vẽ bản đồ đối với quần đảo này được ghi rõ trong phần “Chính biên”: “Đảo Hoàng Sa thuộc vùng biển nước ta, đây là nơi hiểm yếu, trước đã từng sai vẽ bản đồ, nhưng vì hình thể xa rộng nên chỉ mới vẽ được một số chỗ, vả lại cũng chưa biết làm thế nào cho rõ. Hàng năm thường phái người đi khắp cả để biết tường tận đường biển. Kể từ năm nay về sau mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng chọn phái thủy quân đội mũ cùng giám thành đáp một chiếc thuyền nhằm thượng tuần tháng 2 đến Quảng Ngãi, giao cho 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, khiến họ dẫn đường ra đảo Hoàng Sa….
Từ các tư liệu này, vua Minh Mạng sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền mang theo mười cái bài gỗ ra Hoàng Sa dựng bài lên làm dấu. Mặt bài khắc chữ “Năm Minh Mạng thứ 17, Bính Thân (1836), Thủy đội Trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng lệnh ra Hoàng Sa xem xét đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ.”
Trong bộ“Đại Nam nhất thống chí” do Cao Xuân Dục làm tổng tài phụ trách việc biên soạn, quyển chép về tỉnh Quảng Ngãi có ghi: “…Trên đảo có bãi Trường Sa kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục danh là Vạn Lý Trường Sa…”. Trong“Quốc triều chính biên” (cũng do Cao Xuân Dục làm tổng tài phụ trách biên soạn) ghi chép: “…Dựng đền thờ Thần Hoàng Sa ở Quảng Ngãi. Hải phận Hoàng Sa ở Quảng Ngãi có một cồn cát trắng, nơi ấy cây cối xum xuê, tươi tốt. Ở trong cồn cát có một cái giếng. Phía Tây Nam có một ngôi miếu cổ, bia đá có khắc 4 chữ “Vạn lý ba bình” (muộn dặm sóng yên). Cồn cát trắng kia có tên là Phật Tự Sơn (núi chùa Phật)… Ra lệnh xây miếu và dựng bia chỗ này, trước miếu có xây bình phong…”.
Không chỉ xác lập chủ quyền bằng việc cử người ra làm dấu hay cho xây dựng đền thờ mà triều Nguyễn còn cử người ra cứu tàu buôn nước Anh mắt cạn tại bãi Hoàng Sa vào tháng 12 năm Bính Thân. Ngoài ra Vua còn sai người tìm nơi sở, cấp tiền gạo cho đoàn thủy thủ gồm 90 người của tàu buôn nước Anh đồng thời cho người dẫn đường về nước.
Cùng với nhiều cứ liệu lịch sử khác, người Nghệ đã góp phần khẳng định chân lý: Trường Sa – Hoàng Sa là máu thịt của Việt Nam! Cùng với cán bộ, chiến sỹ, nhân dân cả nước, người dân Nghệ An sẵn sàng hiến dâng máu của mình để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển đảo Việt Nam!
Hoàng Lam
Bài viết có tham khảo các tài liệu:
1. Trần Bá Chí, Người vẽ bản đồ quần đảo Hoàng Sa thế kỷ XVII – Đỗ Bá Công Đạo với bản đồ Bãi cát vàng (Hoàng Sa), Tạp chí Hán Nôm số 6 (56), năm 2012.
2. Nguyễn Huy Mỹ, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Huy Quýnh, Cuộc đời và thơ văn, NXB Lao Động, 2012.
3. Quốc sử viện triều Lê, Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789), NXB Văn hóa Thông tin, 2011.
4. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, NXB Giáo dục.
5. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, NXB Giáo dục.
6. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, NXB Lao động.
8. Trần Nam Tiến, Hoàng Sa Trường Sa, hỏi và đáp, NXB Trẻ, 2011.