Sau phản ánh của Zing về các thủ đoạn hợp thức hóa xe gian, nhiều độc giả tỏ ra lo lắng về những rủi ro khi mua ôtô cũ.
Nhiều người thắc mắc khi mua xe đã qua sử dụng, người dân phải làm gì để phát hiện ôtô không rõ nguồn gốc được gắn biển số xe cùng loại?
Rủi ro khi mua xe cũ
Độc giả anh Lê Minh Hòa (tài xế taxi ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết trong bối cảnh cơ quan chức năng tăng cường áp dụng công nghệ vào xử lý vi phạm giao thông, việc 2 xe trùng biển số có thể khiến chủ phương tiện rõ nguồn gốc vướng vào rắc rối "trên trời rơi xuống”.
“Chủ xe thật có thể bị phạt nguội oan, nặng hơn thì có nguy cơ phải chịu trách nhiệm do xe biển giả gây tai nạn, buôn bán hàng lậu, hàng cấm…”, anh Hòa viết.
2 xe Mercedes E300 cùng biển số ở Hà Nội. Ảnh: Q.T. |
Theo dõi thị trường ôtô nhiều năm, anh X.T. (ở TP.HCM) đánh giá những lo lắng của người mua xe là có cơ sở. Một số chủ phương tiện trình báo mất biển số và đăng ký xe, sau đó họ xin cơ quan chức năng cấp mới.
Sau khi được cấp lại, họ sẽ bán xe cùng biển số, giấy tờ cũ. Còn bộ giấy tờ mới được bán cho người có nhu cầu hợp thức hóa xe không rõ nguồn gốc cùng chủng loại. Giới buôn xe gọi thủ đoạn hợp thức giấy tờ này là "mẹ bồng con".
Lúc này, người mua xe thật không biết về bộ biển số và giấy tờ đang được người khác sử dụng. Nếu xe gian vi phạm luật giao thông, cơ quan chức năng sẽ căn cứ hình ảnh từ camera giám sát để thông báo cho chủ xe thật.
“Kẻ gian sẽ lợi dụng việc không hạn chế số lần cấp lại biển số mới để trục lợi. Trong trường hợp này, người mua xe cũ sẽ gặp rất nhiều rủi ro”, anh T. đánh giá.
Cần sang tên đổi chủ
Trước việc kẻ gian tung nhiều chiêu trò để hợp thức hóa xe gian, trung tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Hướng dẫn đăng ký và Kiểm định phương tiện (Cục CSGT), khuyến cáo người dân khi mua ôtô cũ cần chọn mua của những đơn vị uy tín, không ham rẻ bằng cách mua xe không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Để tránh mua phải những xe đã làm giả giấy tờ, người mua cần yêu cầu bên bán xe hoặc chủ xe cung cấp các giấy tờ cần thiết như đăng ký, bảo hiểm, biên lai mua xe và giấy tờ tùy thân của chủ bán.
Nếu vẫn nghi ngờ, người dân có thể đến cơ quan công an để nhờ xác minh, so sánh số khung, số máy.
Người mua xe cũ cần sang tên, đổi chủ đúng quy định để đảm bảo tính pháp lý. Ảnh: H.Q. |
Theo trung tá Công, cách tốt nhất để đảm bảo tính pháp lý khi mua xe cũ là cần hoàn thành thủ tục sang tên, đổi chủ đúng quy định tại cơ quan công an. Khi đó, dữ liệu trên hệ thống sẽ được cập nhật đúng với chủ xe hiện hữu.
Trường hợp chủ xe cũ bán biển số và đăng ký xe cho người khác thì lúc này, giấy tờ đó không còn giá trị trên hệ thống. Ngoài ra, khi cảnh sát kiểm tra, số khung, số máy xe gian chắc chắn không trùng khớp với dữ liệu quản lý.
“Thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện rất nhanh gọn. Việc sang tên đổi chủ đúng quy định đảm bảo quyền lợi, tính pháp lý cho người mua xe khi có sự cố phát sinh”, trung tá Công nói.
Trong trường hợp người đi xe biển thật gặp rắc rối như bị phạt nguội, theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT), chủ xe cần bình tĩnh, cung cấp đầy đủ dữ liệu hành trình, bằng chứng chứng minh không vi phạm.
"Việc xử lý phải đúng người, đúng hành vi vi phạm. Chủ phương tiện cần hợp tác với cơ quan cảnh sát để làm rõ xem có vi phạm thật hay không. Đó cũng là cơ sở để cơ quan công an truy ra nguồn gốc của chủ phương tiện cố tình làm ảnh hưởng đến người đi xe biển thật", đại tá Nhật nói thêm.
Nghị định 100 quy định rõ chủ xe phải làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, bán, cho, tặng, phân bổ hoặc được điều chuyển… phương tiện. Trường hợp chủ ôtô không làm thủ tục đổi giấy đăng ký; không thực hiện đúng quy định về biển số sẽ bị phạt tiền 2-4 triệu đồng đối với với cá nhân, 4-8 triệu đồng với tổ chức. Ngoài ra, chủ phương tiện còn bị áp dụng hình thức bổ sung là buộc phải làm thủ tục đăng ký xe, đăng ký sang tên, đổi lại, thu hồi giấy đăng ký xe, biển số xe. |
Tác giả: Hồng Quang
Nguồn tin: zingnews.vn