Lao Động - Việc Làm

Người lao động Thanh – Nghệ – Tĩnh vẫn bị phân biệt khi tuyển dụng

Một kết quả nghiên cứu từ nhóm tác giả ĐHKH – Đại học Huế công bố sáng 6.12 tại hội thảo “Thực thi quyền của người lao động di cư miền Trung ở các KCN” cho thấy: Người lao động Thanh – Nghệ – Tĩnh vẫn bị phân biệt khi tuyển dụng.

Người lao động Thanh – Nghệ – Tĩnh vẫn bị phân biệt khi tuyển dụng (Ảnh minh họa)

Ngày 6.12, tại Đồng Nai, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, ĐHKH – ĐH Huế tổ chức hội thảo “Thực thi quyền của người lao động di cư miền Trung ở các KCN”.

Tại buổi hội thảo, nhóm tác giả trên cho biết: Người lao động di cư miền Trung làm việc tại các DN sản xuất giày dép có vốn FDI tỉnh Bình Dương và Đồng Nai cho thấy chiếm tỷ lệ lớn trong số người lao động làm việc tại đây. Người lao động Thanh Hóa (37,7%), Nghệ An (22,6%), Hà Tĩnh (14,1%)…

Nhóm tác giả cho biết: Có hiện tượng một số Cty ở Bình Dương hạn chế tuyển dụng lao động nam đến từ các tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh vì được cho thấy: “Lao động miền Trung bị mang tiếng cũng có thể là do tuy chịu khó, cần cù, có sức khỏe, ít nghỉ việc nhưng lao động từ các tỉnh trên cũng bảo thủ, nặng tình đồng hương dẫn đến đôi khi bị coi là kéo bè, hay cự cãi” – (Quan điểm cá nhân của một cán bộ quản lý Cty không được công bố danh tính).

Điều này gây khó khăn cho những người lao động có gốc Thanh – Nghệ – Tĩnh, hạn chế cơ hội tìm kiếm việc làm ở các Cty trên và buộc họ phải làm việc ở các Cty không có bảo hiểm xã hội, lương thấp hoặc lao động tự do, công việc không ổn định.

Cũng theo khảo sát của nhóm tác giả này từ các nhà quản lý và công nhân cho thấy mọt số công nhân nam thường đánh nhau, gây bất hòa trong các Cty nên có xu hướng không nhận nam giới, nhất là lao động nam đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Nhóm tác giả này trích phỏng vấn một công nhân may, 45 tuổi, Cty Sung Hyun ViNa, Bình Dương cho biết: “Tôi làm việc ở bộ phận may xưởng 3 từ năm 2009. Từ thời gian đó, DN không nhận nam mà chỉ nhận nữ vì nam ở Thanh – Nghệ – Tĩnh hay có máu đánh nhau”.

Một phỏng vấn khác cũng được nhóm này thực hiện với một cán bộ nữ thuộc Công đoàn các KCN Bình Dương cho biết: “Một số Cty hiện nay không treo biển không nhận người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh nữa vì treo biển là vi phạm pháp luật.

Nhưng khi nhìn vào hồ sơ tuyển dụng thì Cty có thể đưa nhiều lý do để từ chối như hồ sơ không phù hợp hoặc Cty không nhận người nữa… Khoảng 90% Cty ở đây – KCN tại Bình Dương thực hiện chính sách này. Nhìn chung thì những lao động gây mất trật tự hay tổ chức đình công”.

TS Lê Thị Kim Lan – Điều phối viên Dự án cho biết: Đây là chương trình nằm trong dự án “Lao động di cư miền Trung trong thời kỳ CNH-HĐH” do nhóm tác giả của trường ĐHKH – Huế trực tiếp thực hiện, được Viện Rosa Luxemburrg (CHLB Đức) tài trợ với số tiền khoảng 30.000 Euro, được triển khai từ năm 2009.

Nhóm tác giả này gồm 12 cán bộ nghiên cứu của trường ĐHKH – Huế ở các lĩnh vực: Xã hội học, Luật, Chính trị học, Khoa học lịch sử, đã khảo sát lao động di cư tại khu vực các tỉnh phía Nam, tại Lào và Campuchia.

Năm 2013, nhóm tác giả này nghiên cứu lao động di cư có tổ chức, có hợp đồng, là các công nhân miền Trung làm việc tại các doanh nghiệp FDI của Bình Dương, Đồng Nai, được triển khai từ tháng 5 – tháng 12.2013.

Nhóm tác giả này đã khảo sát tại 5 Cty FDI tại Bình Dương và Đồng Nai, trực tiếp phỏng vấn 600 công nhân tại nhà xưởng, khu nhà trọ công nhân, tập trung vào việc thực thi các quyền của người lao động.

(Theo Lao Động)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP