TP Hà Tĩnh

Người đàn bà bất hạnh làm đám ma giả để cứu vớt cuộc đời con

Thương con, bà đã nghĩ ra một việc làm “xưa nay hiếm” là tung tin con trai mình đã chết và tổ chức tang lễ đủ đầy.

Người mẹ ấy đã làm đủ mọi cách để bảo vệ con trai mình khỏi sự đeo bám của xã hội đen. Thế nhưng, tất cả sự nỗ lực của bà đều vô ích. Con trai bà vì không muốn tiếp tục nhúng chàm nên đã nhiều lần tự tử nhưng bất thành.

Thương con, bà đã nghĩ ra một việc làm “xưa nay hiếm” là tung tin con trai mình đã chết và tổ chức tang lễ đủ đầy. Bà hy vọng chỉ có cách ấy, đám người thuộc xã hội đen mới chịu buông tha con trai bà…

Đám tang bất thường 

Người mẹ bất hạnh và can trường ấy là bà Nguyễn Thị Bái, 71 tuổi, trú xã Linh Sơn, Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Gương mặt khắc khổ, gò má cao, dáng đi hấp tấp khiến chỉ nhìn qua thôi cũng cảm nhận được đó là một người đàn bà bất hạnh.

Người đàn bà bất hạnh làm đám ma giả để cứu vớt cuộc đời con
Khu vườn nơi chôn cất thi thể giả con trai của bà Bái.

Khi chúng tôi tới cũng là lúc bà Bái cùng người con dâu thứ vừa đưa đứa cháu nội hơn 1 tháng tuổi của bà đi làm xét nghiệm. Người con trai của bà mới chết vì căn bệnh thế kỷ. Khi đứa cháu nội được đẻ ra nhiều người đã khuyên bà nên đưa nó đi làm xét nghiệm. Nếu may mắn, nó sẽ không bị nhiễm H như bố mẹ, bằng không ngược lại sẽ phải có cách điều trị thuốc thang để kéo dài sự sống cho nó.

Về Linh Sơn, hỏi về chuyện bà Bái làm đám ma giả cho con trai không ai là không biết. Bởi nó là chuyện động trời, chuyện chưa từng có tiền lệ trong cuộc sống của những người dân chân chất, mộc mạc này.

Nhớ lại chuyện đó, bà Bái rưng rưng kể: “Chẳng người mẹ nào lại nhẫn tâm đi khai tử con mình. Nó đang sống mà phải nói với mọi người là nó đã chết thì còn gì khổ sở bằng. Thế nhưng hoàn cảnh nó éo le, tôi buộc phải làm thế mới mong cứu được con mình khỏi nanh vuốt của đám xã hội đen”.

Chuyện là, người con trai út của bà Bái là anh Đặng Văn Quý suốt một thời gian dài bị giang hồ truy đuổi, ép làm những việc sai trái mà anh này không muốn. Thế nên nhiều lần vì cảm thấy tuyệt vọng nên anh Quý đã tìm đến cái chết nhưng bất thành.

Thương con đến cháy lòng cháy dạ, bà Bái đã tìm đủ mọi cách để can ngăn, khuyên nhủ con đừng làm điều dại dột. Bà thậm chí đã quỳ lạy xin giang hồ buông tha cho anh Quý nhưng bọn chúng không chịu. Sợ con lại tiếp tục nghĩ quẩn nên bà đã nghỉ cả việc để canh chừng không cho con “làm bậy”.

Trước đó, vào năm 2005, anh Quý đã làm chuyện dính dáng đến pháp luật và bị kết án 4 năm tù giam. Trong thời gian thụ án, anh này đã được một đại ca giang hồ hết mực bao bọc và giúp đỡ. Có điều, thời gian thụ án của anh Quý ngắn hơn thời gian bóc lịch của vị đại ca kia nên khi ra tù anh Quý đã bị bọn đàn em ngoài xã hội của đại ca đã giúp đỡ anh đến nhà ép anh phải làm những việc sai trái, coi đó như một hành động trả nghĩa đại ca.

Anh Quý đã từ chối vì không muốn mình lại trở lại con đường lầm lỗi thêm một lần nữa. Mọi mâu thuẫn của anh Quý với đám người kia cũng vì thế mà bắt đầu từ đó. Ngày ngày chúng đeo bám anh, truy đuổi và ép anh phải nghe theo chúng. Khi anh khước từ thì bọn chúng dọa sẽ ra tay.

Thấy con lâm vào đường cùng, bà Bái đau khổ. “Quẫn quá, tôi mới nghĩ ra một cách là báo với mọi người rằng con trai tôi bị chết và làm đám ma đàng hoàng để che mắt bọn chúng” – bà Bái nhớ lại.

Đám ma giả ấy được giữ bí mật với tất cả mọi người. Chỉ có bà Bái và một người con gái của bà biết chuyện mà thôi. Thế nên đến cả vợ chồng người anh trai cả, sống ngay sát vách nhà bà Bái cũng hoàn toàn không biết kế hoạch: “Chiều muộn hôm đó, mẹ tôi sang nói với vợ chồng tôi là thằng Quý đang ốm nằm ở bệnh viện, chắc khó lòng qua khỏi. Gần tối thì thấy chở quan tài về” – anh Thành kể lại.

Hỏi anh Thành vì sao không phát hiện ra sự bất thường nào thì anh bảo: “Chỉ có mẹ và em gái tôi khâm liệm thôi. Đến khi cho vào quan tài cũng chỉ có bà với cô ấy là ôm quan tài khóc lóc vật vã. Nhiều người cũng muốn được xem mặt lần cuối nhưng mẹ tôi không cho. Bà bảo nó chết vì bệnh xã hội nên không xem làm gì”.

Có lẽ cũng vì lý lẽ ấy mà không một ai được mục sở thị “thi thể anh Quý” trong chiếc quan tài ấy. Bà con hàng xóm và dân làng đến chia buồn. Theo phong tục địa phương, hễ gia đình nào xảy ra việc hiếu thì mọi người lại chung tay vào lo liệu. Người đào huyệt, người đi báo chính quyền. Người lo cỗ bàn. Ai đến cũng đóng góp với gia chủ dù ít như nhiều gọi là chia sẻ nỗi đau.

Chiếc quan tài nhanh chóng được mang ra phía sau vườn chôn cất ngay trong đêm. Hậu sự cho người xấu số diễn ra chớp nhoáng, không rềnh rang như hầu hết những đám tang khác. Ai nấy đều tỏ lòng thương xót cho người đầu bạc phải tiễn kẻ đầu xanh.

Lộ chuyện…

Sau khi nghe tin anh Quý qua đời, những người của giới giang hồ tuyệt nhiên không còn bén mảng gì tới ngôi nhà của bà Bái. Về phần anh Quý, sau đám tang giả đã đi khỏi địa phương để che mắt mọi người. Không ai nghi ngờ gì về đám tang đó.

Chỉ có trưởng thôn Đặng Văn Sinh. Cảm giác có chuyện gì đó bất thường ngay từ hôm đám ma nên ông Sinh đã tìm cách gặng hỏi chuyện bà Bái.

Ông Sinh kể: “Tôi đã bảo với bà ấy là, nếu con bà không chết mà bà khai rằng chết là bà phạm pháp đấy. Pháp luật mà biết là sẽ không nương nhẹ cho hành động này của bà đâu. Không ngờ bà ấy bật khóc thừa nhận là Quý chưa chết. Bà ấy bảo bà ấy vì lý do muốn cứu con nên mới làm ra thế.

Người đàn bà bất hạnh làm đám ma giả để cứu vớt cuộc đời con
Dù là con trai cả trong gia đình nhưng anh Thành không hề hay biết về kế hoạch táo bạo của mẹ.

Nghe bà ấy nói mà tôi cũng bàng hoàng không dám tin. Sau đó tôi buộc phải đi báo chính quyền. Rồi một tuần sau khi tôi báo tin thì họ xuống khai quật ngôi mộ đó lên. Cả làng cả xã đi xem. Ai cũng tò mò muốn biết thực hư sự việc. Lúc khai quật lên thì đúng là trong quan tài không có thi thể nào cả. Chỉ có một bao xi măng, một cái chăn và một cái chiếu”.

Ngay lúc đó nhiều người dân thôn Cây Sơn đã không giấu được sự bức xúc. Họ nói phải mang bà Bái ra mà xử bắn vì cái tội dám lừa cả làng, cả xã, biến họ thành trò đùa. Sau khi sự việc bị bại lộ, bà Bái đã đến từng nhà trong thôn để xin lỗi về hành động bất đắc dĩ của mình. Nhà nào góp tiền thì bà Bái trả lại tiền. Nhà nào góp gạo thì bà trả lại gạo.

Sự hoàn lương của người con trai

Biết mẹ đã phải chịu nhiều thiệt thòi và áp lực của dư luận sau khi nghĩ kế cứu mình nên hơn bao giờ hết anh Quý muốn được sống để làm người tử tế. Bởi đó là cách tốt nhất để anh trả ơn mẹ. Sau khi dời khỏi địa phương để tránh sự truy đuổi của giang hồ, anh Quý đã đi học nghề sửa chữa xe máy. Giờ anh Quý đã có một cửa tiệm sửa chữa xe máy gần thành phố Thái Nguyên, đã lập gia đình và có con.

Nhắc đến sự hoàn lương của con, bà Bái đã khóc: “Đúng là tôi đã phải khổ sở lắm mới cứu được con khỏi nhúng chàm. Nay nó đã có gia đình riêng rồi, tôi cũng chả còn hơi sức đâu mà lo cho nó nữa, giờ vợ chồng nó phải bảo ban, lo lắng cho nhau thôi”.

Nhiều người lên án bà Bái vì tình yêu của bà dành cho con là mù quáng. Thế nên cho đến tận bây giờ khi tuổi đã gần đất xa trời rồi mà số bà vẫn khổ. Lúc còn trẻ thì chồng bà Bái đi lính, một mình bà phải thay chồng nuôi 7 đứa con. Khi chồng đi lính trở về thì cũng là lúc ông bệnh tật đầy người. Bà phải làm thêm nhiệm vụ chăm chồng.

Chồng mất, hai đứa con trai của bà cùng lúc vướng vào vòng lao lý. Người con trai thứ hai đã ra đi vì căn bệnh thế kỷ. Một người con trai nữa của bà Bái cũng đang mắc căn bệnh như anh mình từng mắc. Giờ bà từng ngày cầu nguyện đứa cháu nội mới sinh không vướng bệnh của cha nó.

Có lẽ vì phải trải qua từng đó nỗi đau nên quyết tâm “giàng giật” đứa con trai khỏi đám người xấu đã khiến bà Bái bất chấp tất cả. Việc làm “gian dối” ấy của bà Bái, sau khi bị bại lộ đã vấp phải sự lên án kịch liệt của những người trong thôn.

Nhưng sau rồi thì họ hiểu rằng, ở vào địa vị của bà Bái khi ngày ngày phải chứng kiến sự đeo bám của nhóm xã hội đen và nhìn con tuyệt vọng nhiều lần tìm đến cái chết thì không việc gì là không thể. Biết đâu, nếu không có cái đám ma giả ấy, giờ người con trai út của bà đã không thể ngẩng mặt làm người.

Theo Phong Anh/Cảnh sát toàn cầu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP