Nhưng bà con ngư dân ở đây vẫn khắc phục khó khăn để bám biển sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, họ chính là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển đảo quốc gia. Trước mỗi chuyến ra khơi, bên cạnh chuẩn bị các nhu yếu phẩm, kiểm tra lại tàu thuyền, thì ngư dân Lê Xuân Tiến ở thôn Lâm Hoãn xã Cẩm Nhượng đã luôn thành kính cắm lá cờ tổ quốc lên nóc thuyền vừa để khẳng định cho chủ quyền biển đảo quê hương, vừa tạo khí thế phấn khởi cho những chuyến ra khơi bám biển. Hơn 20 năm gắn bó với nghề đi biển, biết bao nhiêu thăng trầm, gian khó, biết bao chuyện buồn vui, nhưng có lẻ chưa bao giờ ngư dân Lê Xuân Tiến ở thôn Lâm Hoản, xã Cẩm Nhương lại gặp khó khăn như thời gian này, vì ngư trường đánh bắt khan hiếm, giá cả xăng dầu lại liên tục tăng quá cao. Sau những chuyến ra khơi dài ngày, khi gặp được luồng cá thì còn có chút thu nhập, nhưng có những chuyến không may mắn thì phải chịu lỗ. Không nản lòng trước những khó khăn, các ngư dân ở đây vẫn bám biển để sản xuất nâng cao thu nhập và cùng chung sức bảo vệ biển đảo quê hương. Ông Lê Xuân Tiến ở thôn Lâm Hoản, xã Cẩm Nhương, huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Mặc dù dạo này ra khơi gặp không ít khó khăn, nhưng với tình yêu biển đảo và đặc biệt là vì chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc, nên chúng tôi tiếp tục ra khơi. Biển của mình thì mình phải khai thác thôi”. Cũng giống như ông Lê Xuân Tiến, sau một tuần trên biển đầy hiểm nguy, Ông Phan Xuân Thắng, thôn Lâm Hoãn Xã Cẩm Nhượng tiếp tục sửa chữa lại phương tiện của mình để chuẩn bị ra khơi đánh cá, mặc dù biết bao khó khăn đang chờ đón nhưng ông vẫn vui vẻ và khẳng định: “Dù khó khăn đến đâu, anh em chúng tôi vẫn gắn bó với biển cả. Không chỉ vì cái nghề mưu sinh mà chúng tôi ra khơi là để bảo vệ biển đảo của chúng ta”… Toàn xã Cẩm Nhượng hiện có hơn 160 chiếc thuyền lớn nhỏ, với hơn 900 lao động thường xuyên trên biển. Giá xăng dầu tăng cao, đã tác động không nhỏ đến đời sống của ngư dân nơi đây. Trước đây, chi phí cho mỗi chuyến ra khơi của một chiếc thuyền đánh cá hạng trung là từ 3-4 triệu đồng, nhưng giờ chi phí phải mất từ 5-6 triệu đồng. Theo ngư dân ở đây cho biết, bên cạnh đối diện với song gió biển khơi, thì các ngư dân ở đây thường xuyên phải đối mặt với những tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc. Tuy nhiên, dù gặp khó khăn, hiểm nguy, nhưng những ngư dân xã Cẩm Nhượng vẩn nối tiếp nhau ra khơi vừa đánh bắt thủy sản, vừa làm cột mốc để khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ông Trần Hải Dương, PCT UBND xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên cho biết thêm: “Trong thời gian qua, do giá dầu tăng cao nên khai thác thuỷ sản gặp nhiều khó khăn. Nhưng ngư dân Cẩm Nhượng vẫn luôn bám biển và xác định biển là chổ dựa để sản xuất kinh tế, cuộc sống mưu sinh. Nhưng điều quan trọng hơn là để khẳng định chủ quyền của quốc gia. Cùng với đó, chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền và khuyến khích bà con ngư dân ra khơi khai thác để nhằm nâng cao thu nhập”. Dẫu biết, với những ngư dân, đi biển đã trở thành nghiệp sống của mình, nhưng cái nghiệp gian truân vất vả của họ đã gắn với niềm vinh quang, trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Bài, ảnh: Trọng Thái – Ngọc Long
Cẩm Xuyên