Dự án đầu tư

Ngổn ngang Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á

Thiếu kinh phí trầm trọng, sau 7 năm thành lập và được giao thực hiện khai thác mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) vẫn loay hoay với công tác giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Quốc Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), Chủ tịch Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án Khai thác mỏ sắt Thạch Khê cho biết: “Theo kế hoạch, từ năm 2008 đến 2013, UBND huyện Thạch Hà phải thực hiện thu hồi 3.898,24 ha đất cho Dự án.

Ngổn ngang Dự án mỏ sắt Thạch Khê lớn nhất Đông Nam Á
Sau 7 năm, CTCP Sắt Thạch Khê vẫn loay hoay với công tác giải phóng mặt bằng Dự án mỏ sắt Thạch Khê

Điều này đồng nghĩa với việc phải di dời chỗ ở cho 3.952 hộ dân với 16.861 nhân khẩu. Tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ và xây dựng các khu tái định cư là 3.478 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay, mới thực hiện di dời được trên 70 hộ dân ở khu vực moong mỏ.

Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng đã hoàn thành việc kiểm đếm đối với các hộ dân ở nhiều khu vực cận kề, nhưng chủ đầu tư chưa có kinh phí đền bù và hỗ trợ di dời cho dân, nên từ đầu năm đến nay, mọi công việc vẫn giậm chân tại chỗ”.

Ông Trần Văn Hồng, một người dân xóm 9, xã Thạch Khê bức xúc: “Từ khi Dự án Khai thác mỏ sắt Thạch Khê triển khai, cuộc sống của hàng ngàn hộ dân trong vùng bị xáo trộn. Ngoài việc ô nhiễm môi trường do xe cộ chở đất cát đi lại nườm nượp, TIC đã tiến hành đào moong sâu hàng chục mét và liên tục hút nước để khai thác quặng, nên mạch nước ngầm quanh vùng bị rút hết khiến tất cả giếng nước sinh hoạt bị khô cạn, đồng ruộng luôn trong tình trạng thiếu nước trầm trọng, cây cối hoa màu chết khô”.

Không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của hàng ngàn hộ dân 4 xã Thạch Khê, Thạch Hải, Thạch Đỉnh và Thạch Bàn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), Dự án Khai thác mỏ sắt Thạch Khê cũng đẩy cán bộ, nhân viên TIC vào tình trạng thường xuyên bị chậm lương. Thời gian gần đây, hoạt động khai thác mỏ phải tạm dừng để chờ phê duyệt phương án khai thác điều chỉnh, nên công nhân thiếu việc làm, Công ty phải tạm thời giao cho các xí nghiệp khai thác cát trong vùng mỏ đem bán để có thêm nguồn thu.

Ông Hoàng Vân, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Khê trăn trở: “Xã Thạch Khê nằm gọn trong vùng mỏ và theo kế hoạch phải di dời toàn bộ. Thế nhưng, đến nay, vẫn chưa có khu tái định cư và chưa biết bao giờ việc di dời được tiến hành?”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử – Baodautu.vn, ông Võ Quang Toàn, Phó văn phòng TIC cho biết: “Mới đây, Công ty đã quyết định điều chỉnh lại phương án khai thác và thay đổi kế hoạch giải phóng mặt bằng phù hợp với thực tế theo cách khai thác đến đâu sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng đến đó. Phương án mới này sẽ giúp Công ty giảm được rất nhiều áp lực về vấn đề tài chính”.

Cũng theo ông Võ Quang Toàn, TIC vừa hoàn thành công tác lập Dự án Đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ Sắt Thạch Khê điều chỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương, Vinacomin và UBND tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi Dự án điều chỉnh được phê duyệt, Công ty sẽ tiếp tục tiến hành hoạt động khai thác trở lại.

TIC được thành lập ngày 17/5/2007 với vốn điều lệ 2.400 tỷ đồng, gồm 9 cổ đông: Vinacomin (30%), Công ty Khoáng sản thương mại Hà Tĩnh (24%), Tổng công ty Thép Việt Nam (20%), Tổng công ty Sông Đà (5%), Vinashin (5%), BIDV (5%), VNPT (4%), Công ty TNHH Sản xuất XNK Bình Minh (4%), Công ty cổ phần Khoáng sản Luyện kim Thăng Long (3%). Mục tiêu của TIC là đầu tư khai thác mỏ sắt Thạch Khê để cung cấp quặng sắt trước hết cho nhu cầu luyện thép trong nước và dành một phần xuất khẩu, sau đó sẽ đầu tư và vận hành nhà máy luyện phôi thép có công suất 2 triệu tấn/năm.

Thế nhưng, do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế những năm qua, nhiều cổ đông gặp khó khăn về tài chính nên không thể góp vốn theo đúng kế hoạch. Tại cuộc họp diễn ra mới đây, HĐQT TIC đã đưa ra quyết nghị: “Để Công ty duy trì hoạt động, từ nay đến trước ngày 11/12/2014, các cổ đông phải thực hiện đóng góp thêm số tiền tương đương 3% vốn điều lệ (tương ứng 69,04 tỷ đồng) và trước ngày 30/3/2015, các cổ đông góp thêm số tiền tương đương 5% vốn điều lệ (tương ứng 120 tỷ đồng). Như vậy, tính đến ngày 30/3/2015, nếu các cổ đông thực hiện đúng kế hoạch trên, thì vốn do các cổ đông của TIC đóng góp cũng chỉ mới đạt 1.560 tỷ đồng (tương đương 65% vốn điều lệ).

Điều đáng chú ý là, trong hoàn cảnh khó khăn về kinh phí trầm trọng, nhưng HĐQT TIC vẫn không mấy mặn mà với đề nghị tham gia góp vốn của Tập đoàn Kobe (Nhật Bản).

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư điện tử – Baodautu.vn, Tập đoàn Kobe đã từng có cuộc làm việc với TIC bày tỏ mong muốn tham gia Dự án Khai thác mỏ sắt Thạch Khê, đồng thời chuyển Dự án Nhà máy sản xuất sắt xốp Kobelco tại Nghệ An sang Hà Tĩnh để thuận tiện trong việc vận chuyển nguyên liệu. Tập đoàn Kobe cam kết, ngoài việc hỗ trợ về tài chính, sẽ hỗ trợ toàn bộ công nghệ để đảm bảo việc khai thác mang lại hiệu quả cao. Nhưng đến nay, lời đề nghị của Kobe vẫn chưa được TIC chấp nhận.

Hoàng Hảo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP