Khi nợ lên tới con số hàng tỷ đồng, bị các chủ nợ thúc ép, Mai tuyên bố “vỡ nợ” khiến nhiều người lâm cảnh điêu đứng…
LỪA TỪ PHỤ HUYNH…
Theo trình bày của bà Hoàng Thị Toán (1958, trú thôn Tân Thượng, xã Cương Gián, H. Nghi Xuân) – một nạn nhân của cô giáo Mai: năm 2010, bà có con gái học tại Trường THPT Nguyễn Du, do cô Mai làm chủ nhiệm. Sau nhiều lần qua lại trao đổi việc học tập của con nên giữa phụ huynh học sinh và cô giáo chủ nhiệm có mối thâm giao rất thân tình. Khi có được lòng tin, cô giáo Mai trình bày là đang xây nhà nên rất cần tiền và ngỏ ý vay 40 triệu đồng. Là giáo viên chủ nhiệm con mình, nên khi nghe vậy, mặc dù trong nhà chỉ có 30 triệu đồng nhưng bà Toán vẫn hối hả sang hàng xóm mượn thêm 10 triệu đồng nữa góp vào để giúp cô giáo. Chờ mãi không thấy trả, nhưng nghĩ là gia đình cô đang gặp khó khăn nên bà Toán cũng lặng thinh, chưa vội nhắc tới.
Đến khoảng tháng 7-2012, cô Mai lại đến thăm nhà và hỏi vay tiền. Lần này, với lý do “lên tầng 2 cho căn nhà đang ở”, cần một số tiền lớn và năn nỉ bà Toán cho vay thêm 4.500USD và hứa đến cuối năm sẽ trả cả nợ cũ lẫn nợ mới. Vì nể, bà Toán lại “dốc hầu bao” chiều lòng cô giáo. Tuy nhiên, khi đến hẹn, bà Toán hỏi thì cô Mai than nghèo kể khổ rồi xin khất, hứa sẽ trả sớm cho gia đình.
Bà Toán với tấm bằng đại học của cô giáo Mai. |
Tháng 6- 2013, mặc dù cả hai đợt vay tiền vẫn chưa trả nhưng cô Mai vẫn đến nhà tỉ tê với bà Toán rằng cần tiền cho em trai đi du học ở Australia. Lần này cô Mai đưa ra tấm bằng đại học rồi năn nỉ cầm cố để vay tiếp 1.500USD. Như vậy, cả 3 đợt Mai đã vay của bà Toán 167 triệu đồng. Sau một thời gian dài không thấy cô giáo Mai đến trả nợ, bà Toán nhiều lần tìm tới nhà để đòi thì chỉ nhận được câu trả lời “chị ăn thịt tui được thì ăn chứ tui không có tiền trả mô”. Cực chẳng đã, bà Toán đã làm đơn tố cáo gửi lên Trường THPT Nguyễn Du và Cơ quan CSĐT CAH Nghi Xuân.
Được biết, sau khi nhận đơn của bà Toán, Ban Giám hiệu Trường THPT Nguyễn Du đã lập tổ xác minh và cô Mai cũng đã thừa nhận vay của bà Toán 167 triệu đồng, hiện không có khả năng chi trả. Trước sự việc trên, Ban Giám hiệu nhà trường đã đình chỉ giảng dạy và chuyển cô giáo Mai sang công tác ở bộ phận khác để chờ kết luận của cơ quan CA mới đưa ra hình thức xử lý.
Ngày ngày ngôi nhà của Mai vẫn mở cửa đón tiếp các con nợ, nhưng tiền thì không có. |
… ĐẾN PHỈNH ĐỒNG NGHIỆP
Sự việc cô giáo Mai “vỡ nợ” đã khiến không ít đồng nghiệp giật mình lo lắng. Là một đồng nghiệp thân thiết, cô T. không nghĩ rằng có ngày gia đình mình lại rơi vào cảnh lao đao như thế này. Đầu năm 2013, Mai tìm đến hỏi vay 220 triệu đồng về làm ăn, cô T. đã không ngần ngại vét sạch tiền trong nhà đưa cho đồng nghiệp. Đến tháng 5 là hẹn trả tiền, cô T. đến hỏi thì cô Mai than vãn có em trai chuẩn bị sang Australia du học nên xin khất. Sau đó, cô Mai tiếp tục nhờ cô T. lấy sổ đỏ cầm cố cho ngân hàng để vay giúp gia đình thêm 300 triệu đồng, nhưng cô T. từ chối. Không thuyết phục được cô T., Mai đã đưa mẹ ruột đến bảo lãnh, chịu trách nhiệm trả số tiền 300 triệu đồng này thì cô T. đồng ý. Khi đi cầm sổ đỏ, cô T. đã vay luôn 500 triệu đồng với mục đích đưa cho mẹ cô Mai vay 300 triệu đồng, còn 200 triệu đồng dùng để phòng thân lúc sinh con (cô T. sắp sinh). Tuy nhiên, khi biết được, Mai đã xin vay nốt 200 triệu đồng và hứa lúc nào gần sinh con thì sẽ trả lại. Tin lời, cô T. đã đưa cả cho Mai.
Một trường hợp nữa là cô H. Khi biết đồng nghiệp đang gom góp tiền chuẩn bị cho chồng đi học, Mai cũng lân la tới mượn với lý do “xin vay nóng 90 triệu cho em trai đi xuất khẩu lao động”. Chỉ có 60 triệu đồng mà bạn hỏi vay tới 90 triệu, vì cả nể nên cô H. vay thêm hàng xóm 30 triệu đồng nữa để cho Mai lo việc và ra hạn trả trong một tháng. Sau một tháng không thấy Mai trả tiền, cô H. hỏi nhưng Mai lại khất lần sau. Chưa dừng lại ở đó, khi biết cô H. có số tiền lớn đang gửi ngân hàng là tiền của anh trai chuẩn bị làm nhà nên Mai lại năn nỉ xin vay thêm. Vì tin tưởng bạn nên cô H. ra ngân hàng rút 130 triệu đồng để cho Mai vay, tổng số tiền vay là 220 triệu đồng. Khi đến hạn trả nhưng không thấy Mai đâu, cô H. tìm đến nhà thấy rất nhiều người dân cũng tụ tập trước cổng để đòi nợ thì mới biết mình đã bị lừa.
Theo tìm hiểu được biết, ngoài các trường hợp trên, còn rất nhiều người dính “bẫy” của Nguyễn Thị Mai với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng. Một số người đã có đơn kiện Nguyễn Thị Mai ra tòa án dân sự để đòi lại tiền; một số khác thì viết đơn tố cáo gửi Cơ quan CSĐT CAH Nghi Xuân nhờ can thiệp.
Thượng tá Nguyễn Quang Thành – Phó trưởng CAH Nghi Xuân cho biết, hiện cơ quan CSĐT đã tiếp nhận 6 đơn, thư của công dân tố cáo việc cô giáo Nguyễn Thị Mai lừa mượn tiền rồi không trả lại. Cơ quan CSĐT CAH đã nhiều lần triệu tập cô giáo Mai để xác minh sự việc và đang tiếp tục quá trình điều tra làm rõ.
X.S