Formosa xả thải

Nghi vấn “động trời” về vụ cá chết hàng loạt ở bờ biển Bình – Trị – Thiên

Không có một lượng khí độc nào có thể hòa tan vào nước biển để khiến cá toàn vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế có thể chết cùng lúc như thế. Đó là khẳng định hầu hết của các nhà khoa học. Nhưng qua kiểm tra, các cơ quan chức năng cho thấy, toàn bộ số cá này đều bị nhiễm độc tố giống nhau. Nếu cho rằng, cá ở vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) bị chết do nhiễm độc từ ống dẫn thải công nghiệp, vậy cá chết ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế do đâu? Câu hỏi này đã dần mở ra nghi vấn về một “âm mưu” sắp đặt từ chính con người.

Từ việc cá chết lệch thời điểm

Sáng ngày 8/4/2016, rất nhiều ngư dân tại Vũng Áng (Hà Tĩnh) đồng loạt phát hiện cá biển chết trắng ở khu vực này – bán kính 500m từ dự án Formosa. Ngoài lượng cá tự nhiên bị chết trôi dạt vào bờ, một số lồng tôm, cá, thủy sản của người dân quanh đó cũng bị ảnh hưởng.

Bất ngờ, gần một tuần sau đó, cá chết bắt đầu xuất hiện lần lượt ở các bãi biển Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế (sau đây gọi tắt là Bình – Trị – Thiên). Theo đó, chiều 15/4, ngư dân các xã Quảng Đông (Quảng Trạch) đã phát hiện cá biển chết bất thường. Những ngày tiếp theo, tình trạng này lan dần xuống các vùng biển phía Nam: Xuất hiện ở Bố Trạch, Đồng Hới, Lệ Thủy… Cá chết hàng loạt ở Quảng Bình, trôi dạt vào bờ khiến nhiều ngư dân bất an, lo lắng.

hatinh

Cá chết hàng loạt tại các bờ biển miền Trung.

Đến ngày 16/4, ngư dân vùng biển xã Vĩnh Thái, xã Vĩnh Thạch, thị trấn Cửa Tùng, thuộc huyện Vĩnh Linh; xã Trung Giang, thị trấn Cửa Việt, thuộc huyện Gio Linh (Quảng Trị) phát hiện cá chết hàng loạt. Mỗi ngày sau đó, ngư dân vớt hàng tấn cá các loại, chủ yếu là loại cá đáy vùng rạn như: Cá hồng, mú, cá hanh, cá chình, cá đuối và mực nang.

Theo một diễn biến rất trình tự và liền mạch, sau Quảng Bình và Quảng Trị, ngày 17/4, ngư dân xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế) phát hiện nhiều loại cá như chình, đuối, vẩu… chết ngập cả bãi biển. Trong số này có nhiều loài sinh sống ở đáy biển và rất khó đánh bắt, nay cũng chết dạt bờ.

Nghi vấn có kẻ xấu… sắp đặt

Từ sự cách biệt về mặt thời gian có hiện tượng cá chết ở Hà Tĩnh và các tỉnh còn lại, đã khiến cho một số ngư dân có kinh nghiệm, đặt nghi vấn về một sự sắp đặt chủ ý của con người trong vụ việc này.

Cá chết ở Vũng Áng, hầu hết dư luận đều cho rằng, nguyên nhân bắt nguồn từ sự tác động của các dự án công nghiệp gần đó. Thậm chí, có nguồn tin còn khẳng định, Formosa đã thải ra một lượng chất độc cực mạnh, khiến cá quanh vùng chết hàng loạt. Ngư dân suy luận rằng, chính vì “kẻ xấu” không muốn dư luận quy tội cho việc cá chết ở Vũng Áng là xuất phát từ dự án này, nên sau đó, cá bắt đầu xuất hiện chết một cách đều đặn từ Quảng Bình đến Thừa Thiên – Huế.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi với ngư dân, nếu có sự sắp đặt cho việc cá chết ở Bình – Trị – Thiên, tại sao “kẻ xấu” không mở rộng vào tới Đà Nẵng, Quảng Nam… thì nhận được trả lời: Có thể “kẻ xấu” đã mua một tàu cá từ ngoài khơi, dùng lượng độc tố tương ứng như đã làm cho cá chết trước đó, hòa lẫn và đổ dọc bờ biển này. Với lượng cá của một tàu thông thường, thì chỉ đủ “phân phối” cho 3 tỉnh này thôi, không thể hơn được.

Đó chính là câu trả lời vì sao ở Đà Nẵng hay Nghệ An lại không có hiện tượng tương tự. Nếu như họ tiếp tục dùng đến tàu cá thứ 2, thứ 3 để làm việc này thì sẽ dễ bị bại lộ, lật tẩy. Còn khi chúng tôi thắc mắc về cơ sở suy đoán, một ngư dân đã lý giải: Ở Vũng Áng có hiện tượng cá chết trong lồng bè. Nhưng các địa phương khác không có hiện hiện tượng này, mà chủ yếu “cá lạ” chết dạt vào bờ biển. Vì thực chất, nguồn nước ở khu vực này không bị nhiễm độc như ở Vũng Áng. Nếu có ảnh hưởng, là do mầm độc từ những con cá đã chết mang theo vào bờ mà thôi.

Ông Trần Lê Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế có ý kiến: “Từ hiện tượng cá chết hàng loạt, chúng tôi đặt câu hỏi: Tại sao Nghệ An và Đà Nẵng không xuất hiện tượng này và chỉ kéo dài từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế)?”. Ông Hùng cũng đặt nghi vấn về một con tàu lạ: “Ngày 18/4, Thừa Thiên – Huế nhận được tin, có một tàu nước ngoài xin vào bờ lấy nước ngọt. Khi tàu vào có 3 người, phát hiện trên bờ có không có lưới…”. Còn ông Nguyễn Viết Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản thông tin thêm: Qua nhận định ban đầu, nguyên nhân chất độc mạnh gần như là chắc chắn, song chưa biết nơi nào phát tán.

Mời độc giả đọc đầy đủ trên báo giấy Đời sống và Pháp luật số 50 ra sáng nay (25/4)!

XUÂN HỒNG

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP