Vừa thi vừa rửa bát
Gặp nữ sinh Lê Thị Thúy trong khu ký túc xá – Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội – em cho biết, thời tiết Hà Nội khá nóng nực nên đêm ngủ không đủ giấc. Nữ sinh sinh năm 1997, học sinh THPT Nguyễn Trường Thúy (Xuân Trường, Nam Đình) khá rụt rè, thường khóc khi nhắc về nỗi buồn.
Thúy sinh ra và lớn lên trong gia đình có 9 anh chị em. Ba anh trai của cô đều lần lượt mất vì tai nạn và bệnh tật. Hiện tại, trong căn nhà ở quê, chỉ có mẹ, Thúy và cô em gái.
Trên Thúy các anh chị đều đã lập gia đình và bươn trải kiếm sống. Người thu mua đồng nát trên Hà Nội, người ở Sài Gòn xa xôi. Hoàn cảnh khó khăn, người cha trụ cột năm nay 65 tuổi cũng lên thủ đô, đội đất thuê tại các công trình vào mỗi đêm. Mới đây, mẹ Thúy bị gẫy tay, không lao động được, chỉ ở nhà trông cháu.
Lê Thị Thúy trong khu Ký túc xá Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Quyên Quyên. |
Sinh ra trong gia đình lao động lam lũ, Thúy không ngại khó, ngại khổ. Ngoài việc học, em chăm lo việc đồng áng, nhà cửa đều tươm tất.
Trước ngày thi THPT quốc gia, mẹ đặt vào tay Thúy “gia tài” là 150.000 đồng, trong đó tiền vé xe đã mất một nửa. Một mình lên Hà Nội dự thi, không điện thoại di động, em mang trên người vài bộ quần áo và những quyển sách cũ, đã sờn gáy.
Bắt đầu từ ngày 25/6, cô gái 18 tuổi ở cùng chị gái làm nghề thu mua phế liệu. Biết chị cả ngày vất vả, thu nhập thấp, Thúy không muốn trở thành gánh nặng. Em nhờ chị gái hỏi dò các nhà quanh phố có cần giúp việc, dọn dẹp nhà cửa. Ngay sau đó, Thúy rửa bát thuê mỗi tối với 20.000 đồng/tiếng.
Tình cờ, Thúy quen bà Lê Thị Nam, quản lý nhà sinh viên số 11, Đại học kinh tế Quốc dân Hà Nội, khi trở thành người dọn dẹp nhà thuê. Em làm việc cho đến ngày cận thi. Thúy kể: “Em làm được 240.000 đồng, hai buổi rửa bát em được 40.000 đồng và cô Nam trả em 200.000 đồng”.
Nữ sinh khó khăn đã được bà Lê Thị Nam giúp đỡ. Ảnh: Cấn Anh Tuấn. |
Qua những lần tâm sự, bà Nam xúc động khi biết hoàn cảnh khó khăn của Thúy. Tình cờ địa điểm thi của em lại chính là nơi bà Nam làm việc, bà nhận chở Thúy đi thi. Bà đề xuất Ban giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ Đào tạo của Đại học Kinh tế Quốc dân giúp đỡ em.
Ngay lập tức, Thúy được hỗ trợ ăn uống, phòng KTX miễn phí trong khu nhà nội trú của trường. Thúy chia sẻ: “Mọi người rất tốt, em được các anh chị sinh viên tình nguyện giúp đỡ nhiệt tình”.
Cô gái xương thủy tinh được mẹ cõng đến trường thi
Cô gái 12 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi Nguyễn Minh Vân (Nam Định) được mẹ cõng đến trường làm thủ tục thi THPT quốc gia. Vân bị bệnh xương thủy tinh, không thể tự đi lại.
Điểm tổng kết môn Toán 9,0
Ít ai biết được, phía sau cô gái phải rửa bát thuê lấy tiền đi thi là thành tích học tập đáng nể. Trong 3 năm học THPT, Thúy đều đạt học sinh giỏi, đạt học bổng. Trong đó, điểm tổng kết cả năm lớp 12 là 8,4; riêng môn Toán là 9,0.
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Lê Thị Thúy lựa chọn các môn thi khối B, nhằm xét tuyển ngành y dược vào đại học. Ước mơ của em là trở thành bác sĩ.
“Nhắc đến ước mơ, em buồn lắm” – giọng Thúy nghẹn lại.
Nhưng nỗi buồn ấy lại khiến Thúy thêm khát khao đến được với cổng trường đại học.
Nữ sinh rưng rưng: “Em đã từng biết đến nỗi đau mất 3 anh trai, hiện tại mẹ cũng mang bệnh, cậu lại bị ung thư. Em hiểu nỗi khổ của những người nghèo có bệnh. Sau này, em sẽ trở thành bác sĩ, chữa bệnh cho mọi người, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn”.
Mặc dù biết các ngành y, dược đều có học phí cao, chương trình học lâu năm, nhưng Thúy không sợ những khó khăn phía trước. Cô chia sẻ: “Ngoài giờ học em sẽ đi làm thêm để trang trải cho cuộc sống, miễn là được học ngành mình yêu thích”.
Trước khi đến được với ước mơ lớn, em chỉ mong sẽ có một công việc làm thêm ngay sau khi thi xong. Thúy cho biết, sau khi kết thúc 4 buổi thi THPT quốc gia, em sẽ ở lại Hà Nội để tiếp tục đi làm, chuẩn bị cho cuộc sống sắp tới.
Trải qua hai ngày thi, Lê Thị Thúy giữ vững tâm lý tự tin. Nữ sinh chia sẻ: “Môn Toán em làm bài khá tốt, môn Văn và tiếng Anh không phải thế mạnh nên em làm ở mức khá”.